Chấm dứt ủy quyền mua nhà

Phản hồi - Ngày đăng : 03:17, 27/12/2010

Hỏi: Năm 2006, toàn thể gia đình tôi đồng ý ra UBND phường để ký uỷ quyền cho chú tôi được đứng tên mua nhà tập thể theo Nghị định 61 của Nhà nước. Nay chúng tôi có xích mích với chú, chúng tôi có đòi lại được nhà hay không? Thủ tục như thế nào?

TRẦN HÙNG CƯỜNG (TP Hải Dương)


Trả lời:
Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005 thì nếu các bên xác lập sự đại diện theo ủy quyền thì phải thông qua hợp đồng ủy quyền (HĐUQ). Theo điều 581, Bộ luật Dân sự năm 2005 thì: “HĐUQ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, còn bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Như vậy, việc mua nhà của chú bạn được xem là công việc nhân danh bên ủy quyền và không phải người đại diện theo ủy quyền thực hiện việc mua nhà đồng thời là chủ sở hữu ngôi nhà mà người này được ủy quyền để thực hiện việc mua bán. Do đó, về nguyên tắc ai là người chủ thực sự đã bỏ tiền ra mua nhà với đầy đủ các căn cứ pháp lý thì người đó là chủ sở hữu ngôi nhà.

HĐUQ có thể chấm dứt trong các trường hợp sau đây (điều 589, Bộ luật Dân sự 2005):

“1. HĐUQ hết hạn;

2. Công việc được ủy quyền đã hoàn thành;3. Bên ủy quyền, bên được ủy quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo quy định tại điều 588 của bộ luật này;

4. Bên ủy quyền hoặc bên được ủy quyền chết, bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết”.

Như vậy, khi chấm dứt việc ủy quyền thì quyền của bên nhận ủy quyền (chú của bạn) đối với các công việc liên quan đến ngôi nhà được ủy quyền mua chấm dứt.