Bố của tôi
Truyện ngắn - Ngày đăng : 23:42, 28/12/2010
Minh họa: Văn Hà |
Bố tôi vẫn thường hay kể với mọi người về tôi là một đứa con được đưa về từ Trường Sơn. Ngày ấy, khoảng cuối năm 1970, trên đường vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, bố tôi bị một trận sốt ác tính tưởng khó qua khỏi. Bố tôi được anh em cáng vào một trạm y tế binh trạm cấp cứu. Trạm y tế giao cho một cô y tá trẻ, lại là đồng hương của bố tôi ngày đêm chăm sóc. Sau khi khỏi bố tôi được lưu lại trạm an dưỡng cho lại sức đến ba tháng. Suốt ba tháng bên nhau hai người cảm mến nhau, yêu nhau. Hồi ấy con gái Trường Sơn khát khao tình cảm lắm. Suốt ngày đêm lại chỉ có hai người một mái lán bên bờ suối thơ mộng thì làm sao tránh khỏi sự rung động của con tim. Hai người lại còn trẻ cả, khó mà cầm lòng cho được. Âu đó cũng là chuyện thường tình. Khi biết cô y tá kia đã có thai, bố tôi lo lắm vì ở nhà ông đã có vợ và một con gái hơn hai tuổi. Một hôm gặp đơn vị của tỉnh nhà vào B. bố tôi liền xin nhập đoàn đi luôn. Bố sợ kỷ luật!... Bố tôi đi biệt vào tận chiến trường miền Đông, miền Tây Nam Bộ. Khi giải phóng ông trở lại trạm quân y ấy tìm mẹ tôi thì mới hay, mẹ tôi sau khi sinh tôi được năm tháng thì bà bị hy sinh trong một lần địch ném bom vào cứ. Tôi thì được đơn vị nuôi suốt từ đấy. Bố tôi xin lại và đưa về...
Tôi tên là Mây. Bố tôi kể mẹ tôi bảo đặt cho tôi tên ấy là để ghi nhớ kỷ niệm những ngày tháng mẹ chăm sóc điều trị cho bố ở mái lán bên một con suối Trường Sơn mà anh em đặt tên cho là Suối Mây, vì hai bên bờ có rất nhiều cây mây mọc. Ấy là bố tôi kể vậy, chứ có ai biết nếp tẻ ra sao. Nhưng mà ai cũng tin...
Sau này lớn tôi mới được mọi người cho hay rằng hồi bố tôi đưa tôi về, mẹ cả tôi giận lắm. Không phải bà giận vì phải nuôi thêm tôi mà giận vì bố tôi như vậy là cũng không chung thuỷ với vợ. Một người có tiếng là đứng đắn, rụt rè mà còn thế. Rồi mẹ cả tôi lại ngờ không biết cô y tá kia có hy sinh thật không, biết đâu cô ấy còn thì hai người lại vẫn còn dan díu với nhau thì sao. Vợ cả, vợ lẽ xưa nay vốn đã lắm chuyện. Tuy vậy, đối với tôi mẹ cả vẫn rất quý mến, chiều chuộng và chăm sóc tôi như con đẻ vậy.
Khi bố tôi về phục viên được một năm thì bỗng có một chú thương binh đến chơi nhà. Chú ấy tên là Khải. Theo bố tôi nói thì bố tôi với chú Khải là hai đồng đội chí cốt. Suốt bao năm ở chiến trường bố tôi với chú cùng ở một tiểu đội, trung đội. Hai người đã nhiều lần cứu sống nhau trong bom đạn. Tình cảm cứ như hai anh em ruột thịt. Nhà chú Khải cũng ngay trong huyện, chỉ cách nhà tôi chừng dăm cây số. Chú Khải là một thương binh rất nặng. Hai chân chú bị cụt đến đầu gối. Một mắt chú bị mảnh đạn xuyên thủng, mù tịt. Chú lại vẫn còn mảnh đạn găm trong đầu, viên bi nằm sau lưng, chỉ vì sức chú quá yếu nên chưa phẫu thuật được... Chú được Nhà nước nuôi dưỡng ở trại suốt đời. Ở trại chú còn được trên cho một người phục vụ riêng. Đó là một cô hộ lý trẻ, kém chú đến bảy, tám tuổi. Hằng ngày mọi việc phục vụ chú đều do cô chịu trách nhiệm, đến cả việc thay giặt, tắm rửa, đi đại tiện, tiểu tiện... Đêm cô còn phải nằm một chiếc giường bên cạnh, vì nhiều vết thương và bệnh sốt rét của chú tái phát bất kỳ lúc nào. Đêm hôm không có người bên cạnh thì hết sức nguy cho chú. Cô ấy chẳng nề hà điều gì mà còn thương chú vô cùng. Có lần cô ấy đã nói với lãnh đạo trại là cô xin được tình nguyện xây dựng hạnh phúc với chú. Đơn vị thì hoan nghênh quá. Ai nghe cũng ca ngợi vô cùng. Nhưng riêng chú vẫn một mực khước từ. Chú bảo chú thương tật nặng quá, vợ con vào chỉ khổ vợ con, thôi thì một mình chú chịu vậy. Hơn nữa thương tật thế cũng chẳng biết sống chết lúc nào...
Hoàn cảnh nhà chú Khải lại quá khó khăn. Anh cả của chú cũng đã hy sinh hồi Tết Mậu Thân 1968 ở Sài Gòn. Một cô em gái lại lấy chồng quê trong Nam, ở tít mãi Tiền Giang, anh em chả mấy khi được gặp nhau. Còn anh em chú bác thì cũng người nào phận nấy, giúp nhau mãi sao được...
Từ đấy chú Khải về thăm nhà tôi luôn luôn. Lần nào về cô phục vụ cũng phải về theo, mang cả xe lăn về. Lên tàu, xuống xe cô còn phải bế chú lên xuống. Trại điều dưỡng thì ở tít tận phía bắc tỉnh tôi, xa đến sáu, bảy chục cây số. Xe pháo khó khăn, lên xuống, chen chúc đến khổ sở.
Chú Khải rất yêu quý ba chị em tôi (mấy năm sau bố mẹ tôi sinh được một em trai nữa). Lần nào về chú cũng cho chúng tôi rất nhiều thứ. Nào là quần áo, quà bánh, sách vở, bút mực... mà hình như chú lại quý tôi hơn cả. Nhiều lần chú còn nói với bố mẹ tôi là cho chú nhận tôi làm con nuôi. Chú căn dặn tôi đủ điều. Lại cũng lạ là lần nào ôm tôi vào lòng, đôi mắt chú cũng đỏ hoe như muốn khóc, như muốn nói một điều gì đó mà không nói được. Tháng nào chú không về là chúng tôi lại nhắc nhỏm, chỉ lo chú lại ốm đau làm sao nên không về được. Cũng đã có nhiều lần bố tôi lai tôi lên thăm chú. Được lên thăm chú, tôi cũng vui lắm. Cô y tá cũng báo cơm thịnh soạn hơn bưng về tận phòng tiếp bố con tôi...
Thực tình những năm đầu chú về thăm nhà tôi, chúng tôi rất vui. Nhưng lâu dần chị em tôi cũng thấy phiền hà, khó chịu. Vì mỗi lần chú về là bố mẹ tôi lại phải dừng hết mọi việc nhà. Bố tôi cho cô y tá về thăm gia đình, nên mọi việc phục vụ chú bố tôi lo hết. Mẹ tôi thì tất bật chợ búa cơm nước. Lắm khi giữa ngày mùa bề bộn công việc, bố mẹ tôi vẫn cứ phải dừng hết để đón tiếp chú. Có lần chú về còn ở chơi đến hằng tuần. Nhiều lần ở nhà tôi vết thương và bệnh sốt rét rừng của chú lại tái phát. Bố mẹ tôi lại phải đưa chú đi bệnh viện trên tỉnh, rồi ở rịt bệnh viện chăm sóc chú. Từ đấy mỗi lần thấy chú về chơi là chị em tôi lại ngán ngẩm, tỏ ra thờ ơ, không mặn mà như trước... làm chú không vui. Có lúc chị em tôi thầm mong chú đừng về nhà tôi nữa. Thế mà chú vẫn cứ về đều đặn. Hễ tháng nào chú không về là bố tôi lại nhắc và lại muốn lai tôi lên thăm chú. Nhiều lần cũng chỉ vì chiều bố mà tôi phải đi với bố lên thăm chú...
Cứ vậy, chú Khải gắn bó với nhà tôi đến gần hai chục năm...
Đến cuối tháng 6 năm 1992, khi chúng tôi đang vào dịp ôn tập chuẩn bị thi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh, thì một hôm bố tôi điện đến trường: "Con xin phép về ngay. Chú Khải bệnh nặng lắm...". Tôi nhận được điện mà chẳng mấy quan tâm. Một là chú thương binh nặng, ốm đau như cơm bữa. Hai là chú chỉ là đồng đội của bố tôi, chứ có phải là bố đẻ, là chú bác ruột gì đâu. Thế rồi hai hôm sau bố tôi phải đạp xe đến tận trường bảo tôi phải về bằng được. Tôi ngần ngừ nói đang tập trung ôn tập để thi tốt nghiệp. Bố tôi không nói gì mà lặng lẽ lên gặp thầy chủ nhiệm. Lúc sau bố tôi trở lại cùng thầy. Không biết bố tôi nói gì với thầy mà thầy cũng một mực bảo tôi phải về. Thầy còn hứa là khi đến trường các thầy, các cô sẽ tập trung giúp đỡ tôi ôn tập, không lo. Tôi đành phải miễn cưỡng theo bố về...
Bố con tôi về đến nhà thì cũng đúng lúc chú Khải được bệnh viện trả về. Chẳng kịp cơm nước gì bố con tôi lại vội vàng đạp xe sang ngay nhà chú.
Căn nhà cũ, bỏ không đã lâu, bà con dọn dẹp nhanh cho chú. Chú nằm thoi thóp trên chiếc giường cũ. Đôi mắt chú nhắm nghiền. Cô phục vụ nước mắt lưng tròng bảo là chú mong bố con tôi về lắm. Đến lúc ấy thì tôi đã lơ mơ hiểu ra như có một điều hệ trọng gì đó... Căn nhà đã khá đông người, gồm anh em chú bác thân thích nội ngoại của chú, lại có cả một số cán bộ thôn, xã và các bác, các chú cựu chiến binh. Chỉ có cô em ruột của chú là chưa thấy về, chắc là còn đang trên đường ra. Ai nấy đều lo lắng, hồi hộp chăm chăm lắng nghe từng hơi thở, từng cái cựa chân, cựa tay của chú. Tôi cúi đầu đứng lặng bên chú và nước mắt cũng đã giàn giụa tự lúc nào không hay.
Lâu lắm mới lại thấy chú cựa mình rồi đôi mắt từ từ hé mở. Bố tôi đứng sau đẩy tôi lên sát bên giường chú và khẽ cúi xuống đập đập vào vai chú chỉ chỉ vào tôi. Bỗng đôi mắt chú mở bừng nhìn thẳng vào tôi và khẽ thốt lên một tiếng: "Con!". Tôi liền quỳ xuống ôm chầm lấy vai chú. Lát sau chú lại khẽ thều thào, nặng nhọc, rời rạc:
- Con... bố mẹ có lỗi... không nuôi con được... nhưng may đã có bố Ninh (tên bố tôi) nuôi con nên người... mẹ con dưới suối vàng cũng mát lòng, mát dạ... Con đã trở thành một cô giáo rồi... hãy cứng rắn lên... Mong con hạnh phúc... còn ngày giỗ của mẹ con là...
Chú Khải chưa kịp nói hết câu thì đã dừng bặt. Đầu chú bỗng ngả về một bên và chú thở hắt ra... Cô phục vụ đổ khuỵu xuống. Cô ôm chầm lấy chú khóc toáng lên. Nhưng cô vẫn còn đủ tỉnh táo cầm tay tôi vuốt lên đôi mắt cho chú Khải. Lúc ấy tôi chả hiểu chú Khải nói gì mà cứ tưởng là chú chỉ mê sảng. Lúc sau căn nhà lại lặng đi. Bố tôi liền nhìn hết lượt mọi người rồi gạt nước mắt nói :
- Con đã nghe chú Khải nói rõ chưa... chú ấy nói đúng đấy... thưa tất cả bà con... Đó là tiếng nói cuối cùng của một người cha với một người con... mà hơn hai chục năm nay chờ đợi chú ấy mới nói được... Tiếp lời chú tôi cũng xin thưa thực với bà con... cháu Mây đây, chính là con đẻ của chú Khải... cô y tá Trường Sơn mà tôi hay nhắc đến ấy cũng chính là người mẹ đẻ của cháu...
- Trời!...
Đồng loạt mọi người cùng thốt lên một tiếng đầy xúc động như vậy. Đến đấy thì tôi mới vỡ lẽ. Thảo nào bố Ninh tôi, nay lại là bố nuôi tôi phải lên tận trường đưa tôi về gấp. Ấy thế mà đã nhiều lần tôi lại tỏ ra khó chịu khi bố Khải tôi hay về chơi làm phiền bố mẹ Ninh tôi... Bây giờ thì bố tôi đã im bặt rồi, đã về nơi vĩnh hằng rồi, tôi còn nói được gì với bố nữa...
Tôi chỉ kịp thoáng nghĩ vậy rồi lại ôm chằm lấy bố mà gào lên. Sợ tôi quá xúc động mà ngất đi nên mọi người phải xốc tôi ra chiếc giường bên cạnh. Tôi lơ mơ cảm thấy hình như cô phục vụ của bố tôi đã lấy cao xoa bóp cho tôi...
Năm ấy tôi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh và được ưu tiên về dạy ngay trường xã bên quê bố Khải tôi. Bố Ninh tôi đã lo chu đáo chuyện xây dựng hạnh phúc cho tôi. Cô phục vụ của bố tôi còn đưa cho tôi ba chỉ vàng bảo là của bố tôi dành dụm cho tôi, nhờ cô giữ hộ. Bố Ninh tôi lo sửa sang nhà cửa cho vợ chồng tôi rất khang trang, chu đáo.
Sau này, có lúc vui vẻ tôi mới hỏi bố Ninh tôi làm sao bố phải giấu chuyện tôi là con đẻ của bố Khải. Bố Ninh tôi ngẫm nghĩ rồi mỉm cười bảo: "Ấy là khi bố mang con về mà cứ gọi là con nuôi thì... một là sợ con tủi thân, buồn chuyện con đẻ, con nuôi... hai là sợ con biết tình cảnh của bố Khải như thế thì con không còn lòng dạ nào mà yên tâm học tập được...". Thế đấy, suy nghĩ của người lớn bao giờ cũng thật là sâu sắc. Điều đó làm cho tôi càng thêm yêu kính cả hai người bố của tôi mà ai cũng bảo là tôi thật hạnh phúc vì có được hai người bố, hai người đồng đội của nhau.
NB, tháng 10.2010
Truyện ngắn của THANH THẢN