Biện pháp tăng chất hữu cơ cho đất
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 05:45, 31/12/2010
Việc bổ sung tăng chất hữu cơ cho đất là rất cần thiết. Đây là việc làm vô cùng quan trọng bởi hiện nay, nguồn phân chuồng ngày càng cạn kiệt, sản xuất lệ thuộc nhiều vào phân hoá học... nên đất bạc màu nhanh.
Cày cả rạ giúp cho đất tơi xốp |
Chất hữu cơ quyết định độ phì nhiêu của đất. Vì đất giàu hữu cơ sẽ có độ xốp cao, giảm tính chua, giảm kiềm, giảm bay hơi, rửa trôi, giảm độ độc, đồng thời làm tăng tính hấp thụ của đất. Mặt khác, đất giàu hữu cơ thì sinh vật đất phát triển phong phú nhất là giun đất, sinh vật phân huỷ, vi sinh vật phân giải lân và vi sinh vật cố định đạm. Cây trồng trên đất giàu hữu cơ sẽ sinh trưởng, phát triển thuận lợi do sự phân giải từ từ của chất hữu cơ bảo đảm cung cấp thường xuyên các chất dinh dưỡng. Bộ rễ cây trồng phát triển được sâu rộng hơn vì đất có kết cấu tốt, độ xốp cao giúp lượng ôxy xâm nhập vào rễ nhiều…
Chính vì những lý do trên mà việc bổ sung tăng chất hữu cơ cho đất sẽ dẫn đến nhiều hiệu quả. Đây là việc làm vô cùng quan trọng bởi hiện nay, nguồn phân chuồng ngày càng cạn kiệt thậm chí mất hẳn, sản xuất lệ thuộc nhiều vào nguồn phân bón hoá học, quỹ đất được khai thác một cách triệt để tại các vùng phát triển cây trồng quanh năm (3-4vụ/năm)… Nguồn phân chuồng khan hiếm, đòi hỏi nông dân phải tận dụng một cách tối đa những tàn dư thực vật (tàn dư của cây trồng trước) như rơm rạ, thân lá cây rau màu… Nông dân nên tận dụng mọi nguồn cung hữu cơ cho đất trồng với những việc làm cụ thể:
- Để lại tàn dư cây trồng cho ruộng thay vì đốt hoặc đem đi nơi khác. Hiện nay, nhiều địa phương sản xuất lúa, sau mỗi vụ thu hoạch nông dân thường đốt rơm rạ trên khắp cánh đồng. Đây là một việc không nên làm vì nguồn ka-li thu lại sau đốt không đáng bao nhiêu trong khi đó lại làm mất đi nguồn hữu cơ quý giá mà cây trồng trả lại cho đất qua thân, lá. Nông dân nên để rạ thối mục trên ruộng bằng cách cày dầm sau vụ lúa xuân và cày ải sau vụ mùa (nếu đất không trồng màu vụ đông). Sự phân huỷ của rơm rạ sẽ tạo cho đất có được độ mùn và các chất hữu cơ nhất định, sẽ làm giảm sự chai cứng do bón nhiều phân hoá học NPK của nông dân.
- Chăn nuôi gia súc hiện nay chủ yếu là chăn nuôi công nghiệp nên các kênh rạch, sông ngòi, ao hồ trong nông thôn rất sẵn nguồn bèo các loại, nhất là bèo tây. Nông dân có thể tận dụng nguồn thực vật này ủ đống (nếu có thêm phân gia súc, gia cầm, chất thải sau biogas men ủ phân thì càng tốt). Đây sẽ là nguồn hữu cơ rất tốt cho lúa, đặc biệt là các cây trồng lấy củ (khoai tây, khoai lang).
- Việc luân canh lúa với cây trồng cạn, phơi đất để ải giữa hai vụ canh tác sẽ làm chất hữu cơ trong đất chuyển đổi từ dạng này sang dạng khác theo chiều hướng có lợi cho cây trồng, làm tăng hàm lượng đạm trong đất. Mặt khác, luân canh lúa-màu còn giúp cải thiện độ bền của cấu trúc đất cũng như tính chất lý hoá và sinh học của đất…
- Cung cấp phân hữu cơ vi sinh cùng với việc sử dụng phân hoá học hợp lý trên đất canh tác nhiều vụ/năm…
TRẦN THỊ LIÊN(Trạm Khuyến nông Nam Sách)