Ca trù xứ Đông xưa và nay

Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 06:10, 08/01/2011

Sau một thời gian rất phát triển, nghệ thuật ca trù ở tỉnh ta tưởng như bị mai một. Nhưng, đến những năm 90 của thế kỷ trước, nghệ thuật ca trù xứ Đông cũng như của cả nước được khôi phục và hoạt động trở lại.


Tiết mục biểu diễn ca trù của Câu lạc bộ Ca trù Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh

Năm 2009, nghệ thuật ca trù của nước ta được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Hải Dương là 1 trong 15 tỉnh, thành có không gian biểu diễn nghệ thuật ca trù nằm trong hồ sơ đề cử lên UNESCO. Đây là vinh dự cũng như trách nhiệm của người dân xứ Đông trong việc bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc.

Một thời vàng son

Ca trù cùng với nhiều loại hình văn nghệ dân gian truyền thống như: hát đối, trống quân, hát tuồng, hát ru, hát chèo... từ xưa là món ăn tinh thần của giới quan lại, nho sĩ, quý tộc. Ban đầu, ca trù được biểu diễn ở chốn cửa đình, sau đó phổ biến trong sinh hoạt đời thường như hát khao vọng, hát mừng lên lão, biểu diễn trong các quán cô đầu phục vụ khách. Hát ca trù có nhiều tên gọi: hát ả đào, hát cô đầu, hát nhà tơ, hát cửa đình...

Ca trù xuất hiện ở xứ Đông từ bao giờ thì không ai rõ, nhưng nó đã tồn tại hàng trăm năm nay. Cùng nằm trong sự hưng suy chung của ca trù đất nước, nghệ thuật ca trù xứ Đông phát triển rực rỡ nhất vào thế kỷ  XIX và những thập niên đầu thế kỷ XX. Thời kỳ này, tại các trung tâm phủ, huyện đều có quán cô đầu, nhiều nhất là ở TP Hải Dương, các thị trấn Kẻ Sặt, Nam Sách. Ông Lưu Đức Ý, 79 tuổi, ở phường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) kể: “Vào những thập niên 30–40 của thế kỷ trước, tại TP Hải Dương, dọc hai bên phố Đầu Ghi (phố Chi Lăng ngày nay) quán cô đầu mọc san sát, nên nhân dân thời đấy quen gọi là phố Cô Đầu. Mỗi quán nuôi ít nhất vài cô đào hát phục vụ khách. Lúc đó, cảnh người ra kẻ vào tấp nập từ sáng đến đêm khuya, chủ yếu là giới công chức, người có tiền”.

Trước đây, hát ca trù trở thành một nghề kiếm sống khá sung túc nên nhiều địa phương thành lập giáo phường ca trù đi hát khắp nơi. Nổi tiếng nhất là một số giáo phường: thôn Cao La, xã Dân Chủ (Tứ Kỳ); thôn An Xá, xã Quốc Tuấn (Nam Sách); thôn Cao Lý, xã Thượng Cốc (nay là xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc); thôn Cầu Hạ, xã Phúc Cầu (nay là thôn Tân Hòa, xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Giàng); thôn Tào Khê, xã Thúc Kháng và thôn Dương Xá, xã Nhân Quyền (Bình Giang)... Những kép đàn nổi tiếng như: Lê Bốn, Nguyễn Thế Lãng, Cao Văn Chức (Bình Giang); Nguyễn Phú Đọ, Nguyễn Phú Đẹ (Tứ Kỳ) và những đào nương vang bóng một thời như: Bùi Thị Vịnh, Nguyễn Thị Tuyết, Đào Thị Hường, Đào Thị Ngải, Đào Thị Long (Bình Giang), Bà Bùi Thị Vịnh là đào nương nổi tiếng từng hát trong một quán cô đầu với Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ... Nghệ nhân ca trù Nguyễn Phú Đẹ, 87 tuổi là một kép đàn quý hiếm còn lại của nghệ thuật ca trù xưa. Hiện cụ đang sinh hoạt tại Câu lạc bộ (CLB) ca trù Dân Chủ (Tứ Kỳ). Cụ Đẹ cho biết: Gia đình cụ có nghề hát ca trù truyền thống nên cụ được theo ông cha đi hát khi còn nhỏ. Từ người ông truyền nghề cho cha rồi truyền lại cho các con. Dòng họ Nguyễn Phú lập giáo phường đi biểu diễn khắp nơi. Giáo phường thu hút đông đảo con cháu thôn Cao La tham gia, lúc đông nhất có hơn 100 người, làm không hết việc. Giáo phường của gia đình có thời gian dài hoạt động ở phố Khâm Thiên (Hà Nội).

Tiếp tục được bảo tồn và phát huy    

Từ sau Cách mạng Tháng Tám, nghệ thuật ca trù chìm vào quên lãng, vắng mặt trong đời sống tinh thần của nhân dân. Các đào kép, ca nương ẩn mình trong cuộc sống đời thời. Ca trù tưởng như sẽ bị mai một. Nhưng, đến những năm 90 của thế kỷ trước, nghệ thuật ca trù xứ Đông cũng như của cả nước được khôi phục và hoạt động trở lại. Được sự dìu dắt của những bậc tiền bối đi trước, lớp trẻ đang tiếp tục bảo tồn và phát huy di sản tinh thần vô giá của ông cha. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có 5 CLB ca trù với 58 nghệ nhân. Các CLB thường xuyên tổ chức biểu diễn vào những ngày lễ.

Cụ Nguyễn Phú Đẹ tuy tuổi cao, sức yếu nhưng nhiều năm nay vẫn miệt mài truyền dạy từng điệu đàn, lời ca cho con cháu tiếp nối nghề tổ. Đa phần những kép đàn của tỉnh đều có công lớn dìu dắt của cụ. Cụ không tham gia đào tạo tại nhiều CLB ca trù ở Hà Nội, Hải Phòng.

Thời gian qua, ngành văn hóa tỉnh đã sưu tầm được 28 bài hát ca trù cổ. Tại buổi lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh ca trù là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, tỉnh ta đã thông qua chương trình hành động bảo vệ di sản ca trù giai đoạn 2010 – 2020. Chương trình hành động tập trung vào một số việc như: Tổ chức kiểm kê ở 12 huyện, thị xã, thành phố tiến hành phân loại, hệ thống hóa các tư liệu, hiện vật liên quan đến ca trù. Điều tra, sưu tầm, tuyển chọn, biên soạn, xuất bản “Tuyển chọn các bài hát ca trù” được các ca nương và kép đàn của tỉnh lưu giữ ; xuất bản đĩa nhạc “Ca trù xứ Đông”. Nghiên cứu, xây dựng giáo trình đào tạo ca trù nhằm đưa nghệ thuật ca trù vào giảng dạy trong nhà trường. Phối hợp với Viện Âm nhạc tổ chức lớp truyền dạy ca trù chuyên nghiệp sâu tại tỉnh để trao truyền 30 thể cách hát và 8 thể cách múa ca trù cho lớp trẻ. Tổ chức liên hoan ca trù tỉnh và khu vực. Xây dựng chính sách hỗ­­ trợ, khuyến khích các nghệ nhân cao tuổi được Nhà nước phong tặng danh hiệu và các chính sách hỗ trợ đào tạo nghệ nhân ca trù.

DANH TRUNG