Tái khởi động dự án khu du lịch sinh thái sông Hương

Du lịch - Ngày đăng : 06:17, 08/01/2011

Sau nhiều năm chìm lắng, Dự án “Đánh giá tiềm năng và định hướng phát triển du lịch sinh thái vùng dọc sông Hương, huyện Thanh Hà” lại được đề cập trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 của tỉnh ta.


Khu du lịch sinh thái sông Hương lại được đề cập tới trong kế hoạchphát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2011

Sau nhiều năm chìm lắng, Dự án “Đánh giá tiềm năng và định hướng phát triển du lịch sinh thái vùng dọc sông Hương, huyện Thanh Hà” lại được đề cập trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 của tỉnh ta. Tuy nhiên, để dự án sớm triển khai vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Được UBND tỉnh phê duyệt năm 2004, Dự án “Đánh giá tiềm năng và định hướng phát triển du lịch sinh thái vùng dọc sông Hương”, có tổng vốn đầu tư 186 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (2004-2010) đầu tư gần 53 tỷ đồng, giai đoạn 2011-2020 đầu tư gần 134 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là hình thành vùng du lịch sinh thái hấp dẫn: sông nước, sinh thái miệt vườn, di sản vật thể và phi vật thể, ẩm thực, nhằm tạo ra một lĩnh vực mới về phát triển kinh tế du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần nâng cao vị thế của địa phương với bạn bè trong, ngoài nước. Trên cơ sở dự án được duyệt, từ năm 2005 đến nay, UBND huyện Thanh Hà đều đưa vào nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của huyện; tích cực phối hợp với các sở, ngành, các đơn vị tư vấn quảng bá, kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào triển khai các dự án thành phần. Qua hơn 5 năm triển khai, huyện Thanh Hà đã kêu gọi được một số doanh nghiệp, nhà đầu tư về thăm địa điểm, tìm hiểu đầu tư nhưng chưa có kết quả.

Nguyên nhân dự án chậm triển khai theo UBND tỉnh là do nguồn vốn đầu tư từ ngân sách còn hạn chế, chưa thể cân đối. Ngoài ra, vùng cây vải thiều đặc sản Thanh Hà là mục tiêu chủ đạo để hình thành vùng du lịch sinh thái sông Hương, trong những năm gần đây bị mất mùa, mất giá, thu nhập từ cây vải sụt giảm mạnh, nhiều hộ dân đã chuyển từ trồng vải sang trồng những loại cây ăn quả khác, vì thế số lượng khách đến tham quan vùng vải cũng giảm nhiều. Mặt khác, sông Hương được ngăn cách với sông Rạng bởi hệ thống thuỷ lợi sông Hương, nước sông theo thuỷ triều bị hạn chế. Đồng thời, vùng cũng có nguy cơ bị ô nhiễm do nước thải khu công nghiệp Nam Sách và khu chăn nuôi hai bên bờ sông đổ vào, gây tâm lý e ngại cho nhà đầu tư.
Thời gian tới, để tiếp tục triển khai Dự án du lịch sinh thái sông Hương, UBND tỉnh chỉ đạo huyện Thanh Hà tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, các đơn vị liên quan tăng cường công tác quảng bá, kêu gọi đầu tư, đề xuất những chính sách thông thoáng, ưu đãi đối với dự án. Huyện cần có các giải pháp cụ thể bảo vệ sinh thái sông Hương trước tác động của ô nhiễm môi trường, khuyến cáo nhân dân chăm sóc bảo vệ thương hiệu đặc sản vải thiều Thanh Hà, mở rộng các loại cây ăn quả khác; tạo môi trường tốt cho hệ sinh thái miệt vườn… để tạo điểm nhấn, thu hút đầu tư vào dự án, đem lại lợi ích cho địa phương, doanh nghiệp và nhân dân.

TRẦN TIẾN DUẨN