Tham luận tại Đại hội XI

Tin tức - Ngày đăng : 05:28, 16/01/2011

Phát huy tinh thần dân chủ và trách nhiệm, các đại biểu đã phát biểu ý kiến, bày tỏ sự quan tâm và nhấn mạnh những vấn đề trọng tâm, quan trọng của các văn kiện, tạo nên không khí sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ.


­Các đại biểu trong phiên thảo luận các văn kiện trình Đại hội.Ảnh: TTXVN


Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới hệ thống chính trị (Trích tham luận của đồng chí Đỗ Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam)

…Xuất phát từ yêu cầu giải quyết tốt hơn, hiệu quả hơn mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị trong giai đoạn phát triển đất nước 2011 – 2020, cần tập trung giải quyết tốt một số vấn đề cơ bản sau:

1. ... Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đòi hỏi một hệ thống chính trị tôn trọng những quy luật khách quan của thị trường, quan tâm đến sự bình đẳng về cơ hội phát triển và nâng cao năng lực để đón bắt các cơ hội phát triển cho tất cả mọi người dân và cho mọi vùng của đất nước, gắn kết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc, tôn trọng sự bình đẳng và tạo cơ hội thuận lợi cho tất cả các chủ thể kinh tế đều phát triển, hợp tác và cạnh tranh bình đẳng theo luật định. Nền kinh tế này cũng còn đòi hỏi một hệ thống chính trị không quan liêu, có quyết tâm chính trị và giải pháp hữu hiệu đẩy lùi tham nhũng, thất thoát và lãng phí các nguồn lực phát triển của xã hội.

2. Yêu cầu phù hợp và đồng bộ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị trong giai đoạn 2011- 2020 đòi hỏi đổi mới kinh tế phải kiên định, triệt để, mạnh mẽ và đồng bộ, vững chắc hơn theo định hướng thị trường, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế và cải cách nền hành chính công, sớm hình thành một nền kinh tế thị trường đầy đủ, giảm hợp lý đầu tư công và nâng cao hiệu quả của đầu tư công, đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại khu vực kinh tế nhà nước trên nguyên tắc thị trường, cạnh tranh, công nghệ mới và hiệu quả.

3. …Để thúc đẩy đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị, giải quyết tốt quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị trước hết Đảng phải tiếp tục tự đổi mới toàn diện, đồng bộ và hài hòa cả nội dung lẫn phương thức lãnh đạo. Nội dung lãnh đạo, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế có nhiều điểm mới và chưa có tiền lệ đối với Đảng, đòi hỏi Đảng phải tự giải đáp từ tổng kết thực tiễn đổi mới, trên cơ sở đó tiếp tục nâng cao trí tuệ, tầm nhìn và tư duy khoa học, từng bước hình thành những quan điểm lý luận chỉ đạo thực tiễn và từ tham khảo kinh nghiệm quốc tế… chứ không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm đã có. Nội dung lãnh đạo của Đảng được thể hiện thông qua Cương lĩnh chính trị, đường lối, chiến lược và chính sách phát triển 5 năm và hàng năm của Đảng. Nâng cao nội dung lý luận và thực tiễn của các văn bản này là điều kiện tiên quyết để nội dung lãnh đạo của Đảng được dựa trên những luận cứ khoa học và chỉ có trên cơ sở này, sự cầm quyền của Đảng mới được thực hiện một cách khoa học. Cầm quyền vì dân và dựa vào dân, cầm quyền theo Hiến pháp và pháp luật, cầm quyền một cách khoa học, cầm quyền dân chủ sẽ tạo những nền tảng bền vững để Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền trường tồn và lãnh đạo tốt quá trình đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị. Nếu vi phạm nghiêm trọng thì Đảng sẽ mất vai trò cầm quyền và lãnh đạo.

4. Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ trên cơ sở triệt để công khai, công bằng, công tâm và dân chủ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp của hệ thống chính trị có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên nghiệp và hiện đại, trong sạch, đáp ứng tốt những yêu cầu của đổi mới và phát triển đất nước trong giai đoạn 2011-2020...


Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
(Trích tham luận của đồng chí Hoàng Tuấn Anh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

…Từ nội dung cơ bản của dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội Đảng lần thứ XI bổ sung và phát triển, căn cứ vào Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội năm 2011-2020 trình bày tại Đại hội, để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy mạnh mẽ sức mạnh nội sinh quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, chúng tôi đề xuất một số giải pháp:

1) Xây dựng “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển”. Lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã chứng minh con người là sức mạnh lớn nhất của dân tộc ta. Chính vì vậy, nhiệm vụ chủ yếu của văn hóa là tập trung mọi nỗ lực nhằm “Xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe lao động giỏi, có văn hóa; có tinh thần quốc tế chân chính”.

2) Đồng thời với việc hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

3) Vấn đề phát triển văn hóa và xây dựng con người có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau, vì vậy, cần thiết phải quan tâm đến lĩnh vực văn học nghệ thuật – lĩnh vực nhạy cảm của văn hóa, tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm của nhân dân theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ-TW ngày 16-6-2008 của Bộ chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.

4) Giữ gìn và phát huy tài sản văn hóa của 54 dân tộc anh em là nhiệm vụ có ý nghĩa về văn hóa và chính trị to lớn trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

5) Quan tâm phát triển ngành công nghiệp văn hóa (như xuất bản sách báo, sản xuất phim ảnh, băng đĩa hình, băng đĩa nhạc….) theo đúng định hướng của Đảng nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhân dân.

6) Thực hiện đồng bộ các giải pháp của các cấp, các ngành, hoàn thiện thể chế văn hóa, xây dựng các thiết chế văn hóa từ Trung ương đến cơ sở, tăng cường hiệu quả các mối quan hệ phối hợp liên ngành. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp và các chính sách văn hóa. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho văn hóa ở trong nước và ở nước ngoài. Tăng cường và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và phương tiện cho hoạt động văn hóa, cho việc xây dựng đầy đủ cơ sở hạ tầng văn hóa, đặc biệt coi trọng nguồn lực xã hội hóa. Chủ động, tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, giới thiệu các giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc với bè bạn năm châu, góp phần tuyên truyền quảng bá hình ảnh đất nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để đông đảo nhân dân được hưởng thụ tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm đời sống văn hóa dân tộc.

7) Giải pháp mang tính quyết định là nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước trên các lĩnh vực văn hóa, có chủ trương, đường lối, nhân sự chủ chốt, phân công, phân nhiệm rõ ràng, tránh bao biện làm thay; phát huy trách nhiệm tập thể và cá nhân, phát huy tối đa sức mạnh sáng tạo của toàn dân đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa.

Giải pháp quan trọng để rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên(Trích tham luận của PGS. TS. Vũ Văn Phúc, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương)

...Căn cứ thực tiễn của Cuộc vận động và những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn đó, đặc biệt xuất phát từ những yêu cầu đặt ra của thời kỳ mới, Ban Tuyên giáo Trung ương đề xuất phương hướng và những giải pháp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả Cuộc vận động như một giải pháp quan trọng để rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong những năm tới như sau:

Một là, tiếp tục khẳng định chủ trương "'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Gắn chặt hơn nữa đạo đức Hồ Chí Minh với tư tưởng Hồ Chí Minh để góp phần khẳng định và củng cố vững chắc nền tảng tinh thần và đạo đức của Đảng và của chế độ ta. Cần tạo ra được sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, trước hết là trong cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở tất cả các cấp, các ngành về mục đích, ý nghĩa chiến lược, tính chất lâu dài của Cuộc vận động. Cần đầu tư suy nghĩ để xây dựng và phát triển nội dung Cuộc vận động phù hợp và đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Sau Đại hội XI, đề nghị Trung ương tổ chức quán triệt trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị về Cuộc vận động gắn với học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XI.

Hai là, trong tư tưởng chỉ đạo, cần khắc phục tư tưởng nóng vội, giản đơn và tư tưởng do dự, thụ động, thiếu tích cực và quyết tâm trong tổ chức triển khai thực hiện. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo cần chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ, thường xuyên và kiên trì; đảm bảo sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp uỷ Đảng; chú trọng sự phối hợp và phân công trách nhiệm giữa các cơ quan trong toàn bộ hệ thống chính trị, từ đó chuyển hoá Cuộc vận động thành công việc và hoạt động thường xuyên của các tổ chức Đảng, từng cán bộ, đảng viên. Phải coi đó là yêu cầu cao nhất của Cuộc vận động. Cần phải tìm ra những phương thức hoạt động mới để thực hiện bằng được mục tiêu này. Do vậy, về tổ chức, không duy trì Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp. Ban Thường vụ cấp ủy các cấp xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo Cuộc vận động là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên.

Ba là nghiên cứu để sớm ban hành chương trình toàn khoá XI của Cuộc vận động, gắn với nhiệm vụ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Hướng dẫn các ngành, địa phương tiếp tục hoàn chỉnh các tiêu chí đạo đức phù hợp với điều kiện, đặc điểm cụ thể của ngành, địa phương để khẩn trương ban hành và tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát.

Kết hợp đẩy mạnh vận động tự giác học tập và tích cực làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phát huy vai trò nêu gương, bắt đầu từ cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp, từ trong Đảng ra ngoài xã hội với thực hiện nghiêm các quy định của tổ chức Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị và sự giám sát của nhân dân.

Bốn là, để kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống trong thực hành đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cần sớm ban hành quy chế phối hợp thực hiện nội dung Cuộc vận động với Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cùng cấp và hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội về đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước. Cần kết hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa công tác tư tưởng với công tác tổ chức, cán bộ trong Cuộc vận động, đặc biệt trong  việc đánh giá, nhận xét, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ và đảng viên.

Năm là, chú trọng phát huy vai trò của tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền về các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Sáu là, phát huy dân chủ trong Đảng và trong xã hội, huy động sự tham gia rộng rãi của quần chúng nhân dân trong công tác xây dựng Đảng, tạo cơ sở quần chúng và động lực cho việc triển khai mạnh mẽ, hiệu quả Cuộc vận động.