Nghề mộc ở Ngô Đồng tạo nhiều việc làm

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:14, 27/01/2011

Bàn tay khéo léo của những người thợ mộc Ngô Đồng đã làm đẹp cho bao ngôi nhà, bao nhiêu công trình ở khắp nơi trong huyện, ngoài tỉnh. Chính từ đây, từng ngôi nhà và cả làng Ngô Đồng ngày thêm đổi mới.


Ảnh minh họa
Những ngày cuối năm, chúng tôi về Ngô Đồng - một làng mộc ở xã Nam Hưng (Nam Sách). Không khí lao động hối hả khẩn trương với những tiếng máy ầm vang, rộn rã ­­­như xua tan đi cái lạnh buốt của tiết Đại hàn. Mọi người ai nấy cùng cố gắng cao để hoàn thiện đơn đặt hàng trước năm mới Tân Mão.

Nơi chúng tôi tới thăm đầu tiên là Công ty TNHH Đồ mộc Đại An của giám đốc trẻ Nguyễn Huy Tuyên. Lúc cao điểm cuối năm này, tại đây có tới 30 nhân công được huy động. Trong tiếng máy cưa xẻ, máy tiện, máy bào ầm ầm, mọi người đều hối hả với công việc của mình, người đứng máy, người đánh giấy ráp, người sơn đánh bóng hoàn thiện sản phẩm. Với những sản phẩm chủ yếu như cửa, cầu thang, ốp trần, hàng của công ty đã chiếm lĩnh  thị trường đồ mộc trong huyện. Năm 2010, doanh thu của công ty đạt trên 5 tỷ đồng, sau khi nộp đủ ngân sách nhà nước và trừ mọi chi phí, trả lương cho nhân công từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người/ tháng, công ty còn lãi 500 triệu đồng.

Xưởng mộc của anh Nguyễn Văn Trình là một trong những xưởng đầu tiên được mở trong thôn với những sản phẩm phục vụ đa dạng nhu cầu của khách hàng. Xưởng của anh tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động. Sự phát triển ổn định của cơ sở mộc không chỉ được quyết định bởi doanh thu và lợi nhuận mà điều quan trọng là tạo sự đoàn kết gắn bó của mỗi người thợ để cùng làm nên sản phẩm có uy tín chất lượng, khẳng định thương hiệu của mộc Ngô Đồng.

Không chỉ đi vào những mặt hàng phục vụ công trình, đồ nội thất mà ở Ngô Đồng đã bắt đầu xuất hiện những sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp. Sau khi học được nghề làm đồ mộc hoa sen tại Hà Tây cũ – nơi "bách nghệ trăm nghề", anh Nguyễn Huy Hanh – một thanh niên trẻ đã trở về quê và mạnh dạn đi vào sản xuất mặt hàng đồ mộc hoa sen bán cho thị trường Hà Nội và xuất khẩu. Chỉ với một góc nhỏ sản xuất, không cần tốn nhiều vốn, song với sự cần mẫn, khéo léo và kiên trì, mỗi tháng, hai vợ chồng anh Hanh đã tạo ra được 50 bộ hoa sen với giá thành phẩm từ 22 đến 25 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 12 đến 13 triệu đồng. Quy mô sản xuất còn nhỏ không đủ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Dự định sang năm mới, anh sẽ đào tạo nghề, mở rộng sản xuất để phát triển mạnh sản phẩm đồ mộc cao cấp này.

Nghề mộc Ngô Đồng bắt đầu phát triển từ trước những năm 2000 và đặc biệt phát triển mạnh trong những năm gần đây. Toàn thôn hiện có 130 hộ sản xuất nghề mộc, trong đó có 20 cơ sở lớn và vừa. Số lao động được thu hút vào nghề mộc chiếm 60% số lao động của toàn thôn với 520 người. Uy tín, chất lượng, thương hiệu đồ mộc Ngô Đồng ngày càng được khẳng định. Riêng sản phẩm đồ mộc phục vụ công trình như cầu thang tay vịn, trần, cửa gỗ các loại do những người thợ mộc làng Ngô Đồng sản xuất và lắp đặt được khách hàng đánh giá cao bởi sự bền đẹp, khéo léo và tinh tế. Năm 2010, nghề mộc Ngô Đồng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tạo nên giá trị sản xuất 12,5 tỷ đồng, chiếm 78% giá trị sản xuất của thôn và chiếm trên 90% giá trị sản xuất tiểu, thủ công nghiệp của toàn xã Nam Hưng. Thu nhập bình quân của một lao động sản xuất mộc đạt 24 triệu đồng/năm, cao hơn 2,4 lần so với thu nhập bình quân chung của lao động trong thôn. Và tiềm năng của nghề mộc sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa khi Ngô Đồng được công nhận là làng nghề vào năm 2011 này như mục tiêu huyện Nam Sách đã đề ra.

Bàn tay khéo léo của những người thợ mộc Ngô Đồng đã làm đẹp cho bao ngôi nhà, bao nhiêu công trình ở khắp nơi trong huyện, ngoài tỉnh. Và cũng chính từ đây, từng ngôi nhà và cả làng quê Ngô Đồng ngày thêm đổi mới. Đi cùng với sự phát triển nghề mộc là sự phát triển đi lên của làng văn hoá Ngô Đồng. Những ngôi nhà mái bằng, cao tầng kiểu dáng kiến trúc, biệt thự mọc lên san sát làm cho Ngô Đồng hôm nay hệt như một khu đô thị mới. Đời sống văn hoá, tinh thần của người dân được nâng cao.

NGUYỄN NHƯ HUẾ