Nét mới ở Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao dưới nước

Trong nước - Ngày đăng : 05:28, 29/01/2011

Nằm ở đường Thanh Niên, trong Công viên Bạch Đằng (TP Hải Dương), Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao dưới nước (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có nhiều lợi thế để phát triển.


“Ngày hội xuống nước” được tổ chức hằng năm ở Trung tâm
Đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao dưới nước


Vào một ngày cuối năm, chúng tôi đến trung tâm để tìm hiểu hoạt động của đơn vị. Dù trời giá rét nhưng không khí luyện tập vẫn sôi nổi, các huấn luyện viên (HLV) đang say sưa hướng dẫn học trò tập luyện để chuẩn bị cho những đợt thi đấu mới. Nội dung hoạt động thể thao dưới nước ngày càng phát triển. Với 6 môn thi đấu, nhiều nội dung, kỹ thuật khác nhau như: bơi ếch, bơi bướm, bơi ngửa, bơi trong bể, bơi vượt sông, biển, bơi nghệ thuật, bơi chải, đua thuyền ca-nô-ing, rô-ing, lặn, lướt ván, nhảy cầu... các môn thi đấu dưới nước đã thu hút nhiều người đến luyện tập. Từ những lợi thế đó, trung tâm đã tham mưu cho các ban chuyên môn và lãnh đạo sở tiếp tục đầu tư cả về nhân lực lẫn cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho một số nội dung thế mạnh của môn bơi vượt lên và phát triển. Do được tuyển chọn và huấn luyện tốt, trung tâm gặt hái thành công ở một số nội dung bơi, các vận động viên (VĐV) đã mang về nhiều Huy chương vàng cho thể thao tỉnh nhà, ở các giải quốc gia cũng như quốc tế, như các VĐV Đặng Thị Thắm, Nguyễn Thị Vân, Nguyễn Thị Hựu, Trịnh Thị Nga, Phạm Văn Quyền... (thuyền rô-ing, ca-nô-ing) tham dự ở các giải quốc gia và quốc tế. Năm 2010, các VĐV tỉnh ta đã tham dự 8 giải thể thao toàn quốc. Các VĐV tỉnh ta đã xuất sắc giành 38 HCV, 26 HCB, 20 HCĐ. Trong đó, có 7 HCV môn đua thuyền quốc tế và 1 HCV môn nhảy cầu. Môn thể thao mũi nhọn - môn đua thuyền quốc tế đem về nhiều huy chương nhất. Đặc biệt, tại Asiad 16, Quảng Châu (Trung Quốc), 2 VĐV Thắm và Hựu đã xuất sắc giành HCB. Đồng thời, được sự quan tâm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự hỗ trợ của các HLV giỏi, có kinh nghiệm của Trung ương, TP Hà Nội, sự chỉ đạo của lãnh đạo trung tâm, các VĐV đang ở "độ chín" như Đặng Thị Thắm (năm tới sẽ chuyển sang làm HLV), Nguyễn Thị Hựu, Nguyễn Thị Vân, Phạm Văn Quyền... đã càng ngày càng tiến bộ. Các lực lượng trẻ kế cận năm nay tiến bộ hơn (trước đây chưa đạt giải) cũng đã giành huy chương. Mặt khác, sở cũng đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm những thuyền mới loại tốt để các VĐV chủ động được thời gian tập luyện  nên ý thức của các VĐV cũng tốt hơn. Chế độ đãi ngộ VĐV được cải thiện, UBND tỉnh, sở và trung tâm cũng khen thưởng kịp thời những VĐV đạt thành tích cao tham gia các giải.

Cùng với hoạt động trên, trung tâm còn có nhiệm vụ hướng dẫn viên tới các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, tổ chức các lớp bơi nghiệp dư. Cũng từ lớp học trên, các học viên về cấp xã hướng dẫn cho nhiều người biết bơi. Đặc biệt, tại trung tâm ngoài tập huấn cho các VĐV đội tuyển, xoá mù bơi cho những đối tượng chưa biết bơi..., vào các buổi sáng, buổi chiều, trung tâm còn mở lớp bơi cho người khuyết tật. Sau thời gian ngắn được học bơi, những VĐV khuyết tật được xoá mù bơi. Đặc biệt, chú trọng đến hoạt động phong trào, trung tâm còn có nhiệm vụ tổ chức "Ngày hội xuống nước" toàn tỉnh vào dịp hè hằng năm; tổ chức các giải bơi trẻ thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh nhằm phát hiện, tuyển chọn những VĐV trẻ kế cận; tổ chức giải bơi đua thuyền chải toàn tỉnh Côn Sơn - Kiếp Bạc, mời các tỉnh, thành phố có phong trào mạnh tham gia. Tổ chức các giải bơi, đua thuyền chải thi đấu trong chương trình Đại hội Thể dục thể thao toàn tỉnh với hàng trăm VĐV tham gia và hàng vạn người đến dự và cổ vũ...

NGỌC TUÂN