Cây na ở Hoàng Tiến

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 15:08, 09/02/2011

Tính đến hết năm 2010, xã Hoàng Tiến (thị xã Chí Linh) có 90ha trồng na, chiếm 23,4% diện tích cây ăn quả toàn xã. Nhiều hộ nông dân trồng na cho giá trị kinh tế đạt hơn 100 triệu đồng/ha/năm.


Xã Hoàng Tiến có 90 ha trồng na chiếm 23,4% diện tích cây ăn quả toàn xã

Chất đất canh tác ở xã Hoàng Tiến (Chí Linh) phù hợp để trồng cây na. Vì vậy, nhiều năm trước đây người dân Hoàng Tiến đã lấy giống na ngon nổi tiếng ở xã Việt Dân (Đông Triều, Quảng Ninh) về trồng ở địa phương. Ban đầu, na được trồng xen kẽ với cây vải, nhãn, cây lấy gỗ. Phương thức canh tác chủ yếu là quảng canh, sản lượng và hiệu quả kinh tế thấp. 5 năm trở lại đây, quả na bán được giá, nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư cải tạo vườn tạp, chuyển diện tích vải, cây lấy gỗ có hiệu quả thấp sang trồng na. Hai giống na được trồng nhiều nhất là na dai và na bở, trong đó na dai có chất lượng ngon hơn chiếm khoảng 90% diện tích. Tính đến hết năm 2010, Hoàng Tiến có 90ha trồng na, chiếm 23,4% diện tích cây ăn quả toàn xã. Nhiều hộ nông dân trồng na cho giá trị kinh tế đạt hơn 100 triệu đồng/ha/năm.

Anh Lê Đức Hiểu, 47 tuổi ở thôn Hoàng Gián có trang trại 2ha trồng na tập trung lớn nhất xã, bao gồm 1.600 cây na từ 5-7 tuổi. Trang trại nằm gọn trên sườn đồi được quy hoạch vuông vắn. Những cây na đang độ tuổi trưởng thành có chiều cao và tán lá rộng 4-6m.

Năm 1998, anh Hiểu mua 2ha vườn đồi trồng bạch đàn. Những năm sau đó, anh cải tạo vườn để trồng vải thiều. Do vải thiều có giá bán rẻ, hiệu quả kinh tế thấp nên năm 2005 anh lấy giống na ở xã Việt Dân về trồng. Cây na phù hợp chất đất, trụ vững trên thị trường, giá bán cao nên anh Hiểu quyết định cải tạo vườn vải để trồng na. Ban đầu, việc trồng na gặp không ít khó khăn. Việc chăm sóc, thụ phấn, phòng, trừ sâu, bệnh cho cây na có nhiều bỡ ngỡ, anh Hiểu phải tìm đọc sách, báo, học hỏi kỹ thuật của người dân xã Việt Dân. Đến nay, anh đã làm chủ được kỹ thuật thụ phấn cho na, điều chỉnh để na ra quả sớm hoặc muộn. Anh bật mí: “Na là cây ra hoa lưỡng tính, nếu để tự thụ phấn thì năng suất sẽ thấp. Do vậy, con người dùng phương tiện để thụ phấn cho na sẽ giúp cây có tỷ lệ đậu quả, năng suất cao hơn. Việc điều chỉnh thời vụ cho na ra quả sớm hoặc muộn cũng giúp quả na bán được giá hơn trên thị trường”. Hiện nay, toàn bộ 2ha vườn đồi của anh Hiểu đã chuyển đổi hoàn toàn sang trồng giống na dai. Mỗi cây na thường cho 100-150 quả na. Vụ na năm 2010 thu hoạch vào tháng 7, tháng 8 vừa qua, anh Hiểu thu 24 tấn quả, giá bán trung bình đạt khoảng 14 nghìn đồng/kg, giá trị thu được gần 340 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư, anh thu lãi hơn 200 triệu đồng/2ha trồng na. Hiệu quả kinh tế từ cây na mang lại gấp nhiều lần trồng vải và cây lấy gỗ trước đây.

Hoàng Tiến có 90ha na, nhưng số hộ trồng tập trung để đầu tư thâm canh với quy mô khá lớn không nhiều. Việc trồng na xen kẽ với các vườn vải, nhãn, cây khác là chủ yếu. Việc chặt vải, cây lấy gỗ để chuyển sang trồng na cũng còn mang nặng tính tự phát, thiếu quy hoạch và tính toán cụ thể. Nhiều nông dân lo lắng nếu tiếp tục chặt vải sang trồng na lại rơi vào tình cảnh “được mùa, mất giá” hoặc “mất mùa, được giá” như từng xảy ra với cây vải. Trong khi đó, na thường chín và thu hoạch tập trung từ tháng 7 đến tháng 8, việc bảo quản quả chín có rất nhiều khó khăn. Nông dân trồng, chăm sóc na chủ yếu dựa trên kinh nghiệm bản thân, chưa áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. “Mong các cơ quan cấp trên sớm có định hướng phát triển cho cây na, quy hoạch thành vùng chuyên canh, chuyển giao khoa học kỹ thuật để người dân yên tâm trồng na mang lại hiệu quả kinh tế cao”, ông Đặng Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Tiến đề nghị.

NINH TUÂN