Giáo dục con cháu bằng việc
Bạn đọc viết - Ngày đăng : 14:37, 10/02/2011
Bằng việc làm, con cháu có thể bộc lộ những tiềm năng, sở trường, năngkhiếu của bản thân để ông bà, cha mẹ thấu hiểu, quan tâm, tạo điều kiệncho quá trình thực hiện hoài bão, ước mơ của bản thân.
Một gia đình truyền thống. Ảnh minh họa
Giáo dục bằng việc làm là cách giáo dục tốt nhất vì thông qua việc làm thanh thiếu niên sẽ hình thành được những khái niệm, kỹ năng cần thiết. Bằng phương thức làm ra sản phẩm từ chính bàn tay của mình, trẻ sẽ hiểu được bản chất của sự vật, hiện tượng một cách thấu đáo. Trong mỗi gia đình, mỗi cháu làm được những gì, làm được bao nhiêu, điều đó phụ thuộc vào khả năng hoạt động của các cháu, đồng thời cũng phụ thuộc vào sự giáo dục của gia đình mà các cháu được hưởng. Ông bà, cha mẹ phải xác định cho con cháu rằng: Muốn làm giàu trí tuệ của mình, con đường duy nhất đúng đối với các cháu là phải hoạt động. Vì hoạt động là một phương pháp đặc thù của con người quan hệ với thế giới xung quanh, nhằm cải tạo thế giới theo hướng phục vụ cuộc sống của mình.
Hoạt động của con người thường chia thành hai loại: Hoạt động hướng ngoại nhằm cải tạo thiên nhiên và xã hội; hoạt động hướng nội nhằm cải tạo chính bản thân con người. Hai hoạt động này luôn gắn bó chặt chẽ với nhau vì con người chỉ có thể cải tạo mình trong quá trình cải tạo thiên nhiên và xã hội.
Trong hoạt động có hai hình thái: hình thái bên ngoài là những hành vi, cử chỉ, thao tác của các cơ bắp tay chân; hình thái bên trong là các thao tác tư duy: phân tích, tổng hợp, so sánh, khái quát hóa... Giữa hai hình thái này có quan hệ mật thiết với nhau. Điều quan trọng đối với các cháu là làm thế nào để có thể chuyển được những nội dung từ hình thái bên ngoài vào hình thái bên trong, từ lực lượng vật chất thành các yếu tố tinh thần, trí tuệ. Chuyển vào trong là các quá trình có hình thái bề ngoài, các đối tượng vật thể ở ngoài được cải tổ thành các quá trình diễn ra trong chương trình trí tuệ, chương trình ý thức. Để làm được việc đó, các cháu phải sử dụng cơ chế lĩnh hội. Đó là phương thức tiếp thu kinh nghiệm lịch sử - xã hội chủ yếu của mỗi cá nhân nói chung, mỗi cháu nói riêng. Trong quá trình lĩnh hội, các cháu sẽ nắm bắt được nội dung và ý nghĩa xã hội của các vật thể, cách thức hành động, cơ sở hành vi đạo đức, lối sống, các phẩm chất của nhân cách và hình thức giao tiếp với người khác.
Vai trò của lĩnh hội được thể hiện trước hết ở chỗ nắm bắt hoạt động theo hướng xác lập ý nghĩa mới của đối tượng. Hiệu quả quá trình lĩnh hội của các cháu phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: tính đầy đủ của cơ sở định hướng hành động, sự phong phú về nội dung, tính hấp dẫn của điều cần lĩnh hội, sự khéo léo của người điều khiển quá trình lĩnh hội... Tổ chức cho con cháu thực hiện tốt các việc làm chính là tổ chức quá trình lĩnh hội của các cháu. Chỉ qua việc làm các cháu mới có thể lĩnh hội và biến đổi một bộ phận của nền văn hóa thành tài sản riêng của bản thân, nhờ đó mà hình thành và phát triển những năng lực, nhu cầu của mình. Người lớn nói chung, ông bà, cha mẹ nói riêng không nên chống lại xu hướng phát triển tự nhiên ấy mà nên ủng hộ, tạo điều kiện, tổ chức, hướng dẫn quá trình phát triển ấy ngay từ khi trẻ còn ở trong độ tuổi ấu thơ.
Giáo dục bằng việc làm, đó là bí quyết của nền giáo dục hiện đại. Muốn hình thành cho con cháu những phẩm chất đạo đức, những hành vi văn hóa, những kỹ năng cuộc sống hằng ngày thì ông bà, cha mẹ phải hiện thực hóa được những phẩm chất, hành vi, kỹ năng ấy thành những việc làm thông qua việc thiết kế các hành động và thao tác, trên cơ sở đó tổ chức cho các cháu thực hiện. Từ phương thức giáo dục bằng lời, chuyển sang phương thức giáo dục bằng việc làm là cả một quá trình phức tạp mang tính chất cách mạng trong giáo dục. Mọi sản phẩm góp phần làm nên nhân cách con cháu đều đọng lại từ việc làm của chính chúng. Bằng việc làm, con cháu có thể bộc lộ những tiềm năng, sở trường, năng khiếu của bản thân để ông bà, cha mẹ thấu hiểu, quan tâm, tạo điều kiện cho quá trình thực hiện hoài bão, ước mơ của bản thân.
TS. PHẠM TRUNG THANH(Phó hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đông)