Lộn xộn kiến trúc nhà ở nông thôn
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:06, 21/02/2011
Một góc khu dân cư Ngọc Uyên, phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) |
Thôn Đỗ Thượng, xã Phạm Kha (Thanh Miện) là địa phương thuần nông với lúa và rau màu là cây trồng chủ đạo. Những năm gần đây, nhiều người dân trong thôn chuyển sang kinh doanh buôn bán, nên kinh tế của thôn có sự thay đổi đến chóng mặt. Bây giờ, khi đi vào con đường trung tâm của thôn, nếu không được giới thiệu chắc chắn nhiều người sẽ lầm tưởng đây là một khu phố nào đó. Dọc đường vào thôn, nhà cao tầng, hàng quán mọc lên san sát. Người dân đua nhau ra mặt đường để buôn bán, kinh doanh khiến giá đất tăng lên vùn vụt. Và một điều hiển nhiên là những ngôi nhà truyền thống đã được thay thế bằng nhiều ngôi nhà hình ống, với mặt tiền nhỏ, hẹp bám sát mặt đường. Điều đáng bàn là người dân trong thôn xây dựng nhà ở không tuân theo bất cứ một quy tắc nào. Người có nhiều tiền thì xây nhà to, cao tầng, người ít tiền xây nhà nhỏ. Kiến trúc của những ngôi nhà này vô cùng đa dạng, cùng những màu sắc khác nhau tuỳ theo cảm hứng và sở thích của chủ nhân. Ở đây, rất dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều ngôi nhà cũ nằm lọt thỏm giữa những toà nhà cao 3 - 4 tầng, với chóp nhọn và cửa kính kín mít, hoặc những ngôi biệt thự kiểu Pháp hào nhoáng nằm “vô duyên” bên cạnh những ngôi nhà ngói lụp xụp, cũ kỹ. Đường làng ngõ xóm thì chật chội...
Khu dân cư Trạm Bóng, xã Quang Minh (Gia Lộc) đã thay đổi đến chóng mặt từ khi quốc lộ 38B được cải tạo, mở rộng. Đất ở đây ngày càng có giá. Vì vậy, diện tích đất ở ngày càng bị thu hẹp lại. Để tận dụng, các gia đình đua nhau vươn lên cao và lấn ra tận mép đường. Rất dễ dàng nhận ra những ngôi nhà cao lênh khênh, màu sắc sặc sỡ và “mở cửa” là tới đường. Người dân xây nhà không thiết kế, không giấy phép mà căn cứ vào sở thích của mỗi người. Kiến trúc ở đây cũng vô cùng phong phú với chóp nhọn, chóp bằng, chóp “củ hành”, “củ tỏi”... và màu sắc thì sặc sỡ.
Thôn Đỗ Thượng, khu dân cư Trạm Bóng là những hình ảnh tiêu biểu của quá trình đô thị hoá đã len lỏi vào các vùng nông thôn, tác động sâu sắc đến kiến trúc của ngôi nhà truyền thống. Đi khắp các làng quê trong tỉnh, thật khó để tìm thấy hình ảnh những ngôi nhà mái ngói nằm ẩn mình sau những luỹ tre hoặc vườn cây ăn quả sum suê. Thay vào đó là những ngôi nhà hình ống với mặt tiền rộng từ 4 - 5m, chạy dài 20 - 25m, không sân, không vườn được che kín bởi các loại kính, giống hệt như những ngôi nhà ở các đô thị. Những hoạt động sản xuất nông nghiệp như tuốt lúa, phơi thóc, rơm rạ... đều được làm ở ngoài đường.
Giải pháp nào cho kiến trúc nhà ở nông thôn?
Ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch đô thị và nông thôn Hải Dương cho rằng: Khi nền kinh tế thuần nông không bảo đảm cuộc sống cho người dân, họ buộc phải làm thêm những nghề khác như kinh doanh, buôn bán hoặc đi làm thuê, làm mướn. Và lúc đó, nhu cầu về một không gian rộng rãi với vườn, ao, chuồng như trước kia không còn cần thiết nữa. Bên cạnh đó, dân số ngày càng tăng nhanh kéo theo đó là nhu cầu rất lớn về đất ở. Nhưng quỹ đất ở có hạn và ngày càng đắt đỏ, vì vậy những khuôn viên rộng lớn trước kia đã được chủ nhân chia nhỏ cho các thành viên trong gia đình. Đồng thời, tận dụng các trục đường liên thôn, liên xã, chính quyền địa phương cũng bán đất theo kiểu chia lô, bán nền góp phần hình thành nên những tuyến dân cư chạy dài theo các trục đường. Cảnh quan nông thôn truyền thống đã bị phá vỡ hoàn toàn. Nhà ở nhưng không có sân, không có vườn mà tiến ra sát mặt đường và vươn lên thật cao. Những vật liệu hiện đại chỉ phù hợp với việc xây dựng các văn phòng làm việc như nhôm, kính cùng những màu sắc loè loẹt cũng được sử dụng tối đa, không phù hợp với khí hậu cũng như phong cách sống truyền thống của người dân nông thôn.
Xây dựng không gian sống tiện lợi, hoà hợp với môi trường nông thôn hiện nay là điều vô cùng khó khăn, bởi sự phát triển mạnh mẽ nền kinh tế kéo theo rất nhiều hệ lụy. Việc thiết kế những mẫu nhà phù hợp với tâm lý, tập quán từng vùng để người dân lựa chọn là điều cần thiết. Điều quan trọng là phải dần nâng cao ý thức của người dân trong việc tạo dựng không gian sống phù hợp. Trong tương lai, diện tích đất ở bình quân cho mỗi gia đình sẽ ngày càng bị thu hẹp. Vì thế, các gia đình phải tính toán xây dựng cho phù hợp, với một kiến trúc đẹp, hài hoà với cảnh quan và môi trường xung quanh. Các cơ quan chuyên môn cần tăng cường kiểm soát các hoạt động xây dựng, nhất là giấy phép và thiết kế xây dựng, để mỗi ngôi nhà là một tác phẩm kiến trúc hoàn chỉnh, góp phần làm đẹp cảnh quan truyền thống ở nông thôn và tiện lợi cho người dân.
VỊ THỦY
Tỉnh ta nằm trong vùng đồng bằng Bắc Bộ, chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa “nắng lắm, mưa nhiều”, nhiều năm qua sản xuất nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo. Với khí hậu và nền kinh tế ấy, ngay từ xa xưa, ông cha ta đã biết xây dựng và bố trí một không gian sống phù hợp và tiện lợi. Mỗi gia đình thường có diện tích đất ở trung bình từ 300 – 500m2, không gian sống được bố trí thành những khu vực riêng biệt nhưng lại có mối quan hệ hữu cơ gắn kết với nhau gồm nhà chính dùng để ở, thường là nhà 3 gian 2 chái hoặc 5 gian 2 chái, 7 gian 2 chái; nhà phụ dùng để đựng đồ dùng sinh hoạt và sản xuất; sân phơi; khu chăn nuôi, vệ sinh; khu vườn, ao. Thông thường, ngôi nhà truyền thống của người dân nông thôn thường quay hướng nam hoặc đông nam, sử dụng những loại vật liệu có sẵn như tre, nứa, rơm, rạ... Sau này, khi kinh tế có bước phát triển, thì gạch và ngói ta được sử dụng nhiều hơn. Việc bố trí nhà ở và các công trình phụ trợ cũng như sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường là kết quả của quá trình tích luỹ kinh nghiệm hàng nghìn năm, đến nay những ngôi nhà kiểu này vẫn tỏ ra rất phù hợp. |