Bốn trọng tâm của công tác dân vận
Tin tức - Ngày đăng : 20:59, 22/02/2011
Đồng chí Trương Tấn Sang phát biểu tại Hội nghị |
Ngày 22-2, Ban Dân vận Trung ương đã tổ chức Hội nghị toàn quốc công tác dân vận, tổng kết năm 2010 và triển khai nhiệm vụ năm 2011.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã biểu dương các cấp ủy đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và đội ngũ làm công tác dân vận của cả hệ thống chính trị về những thành tích quan trọng đã đạt được trong năm qua.
Công tác dân vận phải bám sát tình hình thực tế
Đồng chí chỉ rõ, trong bối cảnh hiện nay, công tác dân vận của Đảng cần bám sát diễn biến tình hình, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, nhất là cần nắm bắt diễn biến tư tưởng của nhân dân và đổi mới công tác dân vận, tăng cường công tác dân vận của chính quyền, lực lượng vũ trang, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới do Đại hội XI của Đảng đề ra. Đó là tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Bên cạnh những thành tích, tiến bộ, đồng chí Trương Tấn Sang chỉ rõ, công tác dân vận còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém.
“Chúng ta nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ, nói đúng sự thật là, một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thật sự quan tâm đầy đủ đối với công tác dân vận, còn xem nhẹ công tác dân vận quần chúng, chưa thật sự đầu tư thỏa đáng cho công tác dân vận, chưa cử được nhiều cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt để làm công tác dân vận, chậm đổi mới nội dung, tập hợp quần chúng trong tình hình mới, chưa thực sự dựa vào dân để xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh”, đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh.
Bốn trọng tâm của công tác dân vận hiện nay
Cơ bản nhất trí với những ưu điểm, hạn chế khi đánh giá công tác dân vận thời gian qua, đồng chí Trương Tấn Sang cũng chỉ rõ bốn vấn đề cần quán triệt nhằm thực hiện tốt hơn công tác dân vận.
Một là, tiếp tục nhận thức sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Theo đó, công tác dân vận là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Hai là, công tác dân vận phải thực sự tham gia, đóng góp vào quá trình phát triển, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm, thực hiện xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Ba là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân trong công tác dân vận, tập hợp quần chúng. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận phù hợp với tình hình mới. Hướng mạnh về cơ sở, bám sát địa bàn, bám dân, tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân.
Bốn là, xác định rõ công tác dân vận là một nhiệm vụ đặt biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong sạch, vững mạnh, có liên quan đến sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.
Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng phải nhạy bén, kiên quyết, sáng tạo, bám sát thực tiễn của đất nước, kịp thời đề ra các giải pháp phù hợp với tình hình mới, tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Kiên quyết không bố trí những người không đủ năng lực, trình độ và không có uy tín làm công tác dân vận.
Thực chất của công tác dân vận trong thời kỳ mới là xây dựng mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, tạo ra sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Ông Nguyễn Thế Trung – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương cho biết, từ kết quả công tác năm 2010, phương hướng công tác dân vận năm 2011 là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của Đảng và của cả hệ thống chính trị, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng và nhân dân, phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, tăng cường quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh, thiết thực đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đi vào cuộc sống.
(Nguồn: Chinhphu)