Cuộc sống con người...
Bạn đọc viết - Ngày đăng : 05:43, 13/03/2011
Cũng giống như ngoại hình, tính tình của mỗi con người không ai giống ai, nhưng lại có những điểm giống nhau như: vui thì cười, buồn thì khóc, đau thì kêu… Từ đó mà suy ra tâm lý chung của con người. Tại sao ngày xưa các cụ nói: “Lòng trâu cũng như dạ bò”. Câu nói có hàm ý sâu xa về cách đối nhân xử thế giữa con người với nhau. Tuy không nói ra nhưng chúng ta ai cũng ngầm hiểu một điều rằng: Cái mà ta thích thì người khác cũng thích; cái mà ta không thích thì người khác họ cũng không thích. Vậy đừng bao giờ mang cái gì mà mình không thích áp đặt cho người khác. Trong cuộc sống, bản thân chúng ta không thích ai đó vạch những cái sai, những khiếm khuyết thiếu sót của ta ra trước mặt mọi người, mà thích người ta nhỏ nhẹ trao đổi với ta. Như vậy, vừa giữ được thể diện cho ta, mà ta cũng có cơ hội sửa lại những sai lầm khiếm khuyết đó tốt hơn. Ta cũng không thích ai đó đem chuyện riêng tư của ta ra mà làm trò đùa giữa đám đông, ta coi hành động đó là sự xúc phạm đến lòng tự trọng. Vậy tại sao ta lại đi mỉa mai chế giễu, xoi mói cá tính, điểm yếu của người khác trước mặt mọi người cốt để cho “sướng miệng”. Trong cuộc sống tình bạn, tình đồng chí... nếu ta xử sự không khôn khéo cẩn thận, không biết điều, không hợp lý, thì sớm muộn ta cũng sẽ mất hết mọi thứ tình cảm, thậm chí còn gây thù, chuốc oán vào thân. Còn khi nói đến quyền lợi cá nhân của ta có liên quan đến người khác thì không nên vụ lợi cá nhân, ta hơn một tý mà để người khác thiệt một tý, làm như vậy hóa ra “được lòng ta mà xót xa lòng người” đó sao, làm như vậy thật chẳng nên chút nào. Lòng thù hận, sự ghen ghét, đố kỵ cũng xuất phát từ việc sống không công tâm, công minh với nhau mà dẫn đến hậu quả khôn lường. Người xưa đã răn dạy chúng ta: “Ghen vợ, ghen chồng không nồng bằng ghen ăn”, từ “ăn” ở đây ta không nên hiểu theo nghĩa hẹp mà bao hàm quyền lợi vật chất…
Tóm lại, trong cuộc sống, việc đối nhân xử thế là phải suy xét từ ta mà ra người, hãy xem xét thấu đáo mọi nhẽ. Nếu có ai đó ghét ta thì ta nên xem xét lại mình trước đã (tiên trách kỷ), rồi mới được trách người khác (hậu trách nhân). Đó là hệ quả rút ra từ câu châm ngôn “lòng trâu cũng như dạ bò” hay “lòng vả cũng giống lòng sung” để chúng ta có một mối quan hệ tốt hơn giữa con người với con người trong cuộc sống nhằm giúp nhau cùng tiến bộ.
HOÀNG BÍCH HÀ