Hiệu quả từ kinh tế trang trại ở Kinh Môn

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 23:39, 23/03/2011

Những năm qua, người nông dân Kinh Môn đã tích cực chuyển đổi thành những vùng sản xuất tập trung cho giá trị kinh tế cao, đưa kinh tế trang trại trở thành điểm nhấn trong phát triển nông nghiệp của huyện.


Trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Phong ở thôn Vũ Xá,
xã Thất Hùng hiện có 1.500 con gà lai chọi thời kỳ xuất bán


Nhờ chính sách ưu đãi, khuyến khích của huyện và xuất phát từ nhu cầu cần có đất để sản xuất, những năm qua, người nông dân Kinh Môn đã tích cực chuyển đổi những vùng đất hoang hóa, kém hiệu quả thành những vùng sản xuất tập trung cho giá trị kinh tế cao, đưa kinh tế trang trại trở thành điểm nhấn trong phát triển nông nghiệp của huyện.

Về thăm trang trại của ông Nguyễn Văn Phong ở thôn Vũ Xá, xã Thất Hùng, ấn tượng của chúng tôi là hàng nghìn con gà lai chọi, trọng lượng 2-3 kg và vịt super (su-pơ) trọng lượng trên 1 kg được quây thả trong vườn. Trang trại của ông có diện tích 2 ha, được cấp giấy công nhận năm 2009. Trong đó ông Phong bố trí 7 sào đất trồng màu.  Diện tích còn lại trồng ổi, nhãn, xoài và nuôi gà, vịt thả vườn. Gia đình ông Phong có một cơ ngơi khá bề thế trong làng. Thế nhưng do đất vườn hẹp, không thể phát triển chăn nuôi, năm 1991, ông đấu thầu khu sân kho bị bỏ hoang hóa lập trang trại. Sau hàng chục năm cải tạo, đắp đất, hút bùn, đầu tư tổng cộng gần 2 tỷ đồng, trang trại của ông mới được như ngày nay. Khối lượng hàng hóa sản xuất ra khá lớn, các sản phẩm của các trang trại được các đầu mối trong và ngoài tỉnh ký hợp đồng tiêu thụ. 5 năm qua, sản phẩm chăn nuôi của trang trại ông Phong không còn phải lo đầu ra, bởi các mối hàng đều biết đến uy tín của ông. Đặc biệt khi ông dùng ngô, lúa mạch lên men thay cho thức ăn chăn nuôi công nghiệp thì chất lượng thịt chăn nuôi của ông đã trở thành "thương hiệu", được thị trường ưa chuộng. Ông Phong cho biết: Sử dụng thức ăn ủ men vi sinh giúp tôi tiết kiệm được 1/3 chi phí thức ăn; gà, vịt nuôi mau lớn, ít bị bệnh, chất lượng thịt thành phẩm ngon hơn hẳn. Gà lai chọi thời gian nuôi từ 7-8 tháng, gia đình ông chỉ nuôi khoảng 5 tháng. Vịt super chỉ 50 ngày là xuất bán. Trang trại của ông Phong hiện có 30 đầu lợn thịt; 1.000 vịt super; 3.000 con gà (trong đó có 1.500 con gà lai chọi thời kỳ xuất bán). Toàn bộ số gà này đã được các chủ hàng Quảng Ninh, Hải Phòng đặt mối trước  hàng tháng. Ông Phong cũng vừa xuất 1,5 tấn gà lai chọi với giá 65 nghìn đồng/kg, cao hơn thị trường từ 5-10 nghìn đồng.   

Trang trại của ông Phong trung bình mỗi năm thu 10 tấn gà, 5-10 tấn lợn thịt, 15 tấn dưa hấu; 5 tấn hành, hàng chục tấn hoa quả, rau màu… Năm 2010, tổng thu nhập trang trại của ông trên 1 tỷ đồng; trừ chi phí lãi 300 triệu đồng. Đây chỉ là một trong số rất nhiều hộ ở Kinh Môn đã mạnh dạn đấu thầu, cải tạo những vùng đất kém hiệu quả để phát triển kinh tế theo mô hình trang trại. Dưới bàn tay, khối óc, khát vọng làm giàu của người nông dân “những vùng đất chết” đã "lột xác" trở thành những mảnh "đất vàng, đất bạc".

Nhiều trang trại ở Kinh Môn còn chủ động liên doanh, liên kết với nhau sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo dựng thương hiệu, chống ép giá. Trang trại tổng hợp nuôi chim cút, cá của anh Bùi Văn Tặng ở thôn Tống Long, xã Thăng Long, được xây dựng trên diện tích 0,6 ha. Hiện anh Tặng nuôi 2 vạn chim cút, 300 con gà và có 1 sào ao. Trung bình mỗi ngày anh thu 1,5 vạn trứng cút. Để thuận tiện trong tiêu thụ, anh và những chủ trang trại nuôi chim cút trong xã phối hợp gom hàng để đáp ứng các đòi hỏi khắt khe của đầu mối bao tiêu. Năm 2010, anh Tặng cùng các chủ trại còn thành lập HTX chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản với 8 thành viên để hỗ trợ xã viên trong chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm.

Kinh tế trang trại ở Kinh Môn cũng góp phần giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động nông thôn, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, làm cho bộ mặt nông thôn khởi sắc. Trang trại nuôi trồng thủy sản của ông Nguyễn Văn Ngũ ở thôn Vũ Xá, xã Thất Hùng có diện tích trên 1,7 ha tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động trong gia đình và 5 lao động khác với mức lương hàng triệu đồng/tháng. Trang trại của ông Phong ngoài giải quyết việc làm cho người trong gia đình còn tạo việc làm cho 4 lao động (1 lao động chuyên nghiệp lương 1,8 triệu đồng/tháng, 3 lao động thời vụ với tiền công 3 triệu đồng/tháng). Theo thống kê, các trang trại ở Kinh Môn đều tạo việc làm cho từ 3 đến hàng chục lao động. Từ trang trại, những ngôi nhà khang trang mọc lên, nhiều nông dân từ hai bàn tay trắng đã sắm được ô-tô.

Ông Nguyễn Văn Biên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Kinh tế trang trại ở Kinh Môn manh nha từ những năm 1994, sau dồn ô đổi thửa. Lúc đầu quy mô nhỏ, chủ yếu chăn nuôi lợn, cá, trồng cây lâu năm hiệu quả chưa cao. Từ năm 2006 đến nay, tốc độ phát triển trang trại ở Kinh Môn diễn ra nhanh chóng. Người nông dân không những làm chủ khoa học, kỹ thuật mà còn nhanh nhạy với   thị trường. Các loại cây, con được các chủ trang trại chọn sản xuất thuộc loại cho giá trị, hiệu quả kinh tế cao.

Hiệu quả từ kinh tế trang trại đem lại ở Kinh Môn không cần phải bàn cãi, bởi 80-85% sản lượng chăn nuôi của huyện xuất ra thị trường đều có nguồn gốc từ các trang trại. Những năm tới, Kinh Môn chú trọng phát triển kinh tế hộ, trong đó chủ đạo là kinh tế trang trại. Đây là hướng đi mang tính chiến lược trong phát triển nông nghiệp của huyện, mục đích tạo điều kiện cho người nông dân có cơ hội tích tụ ruộng đất sản xuất, đồng thời rút bớt lao động dư thừa nông thôn.

NGỌC HÙNG

Hiện toàn huyện Kinh Môn có khoảng 3.500 trang trại, gia trại, trong đó gần 100 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận, tập trung ở các mô hình: trang trại trồng trọt, trang trại chăn nuôi, trang trại nuôi trồng thủy sản, trang trại tổng hợp.