Vì sao tỉnh Hải Dương xảy ra nhiều tai nạn lao động?
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 09:06, 28/03/2011
Việc thực hiện pháp luật lao động ở nhiều DN còn chưa nghiêm túc; sự quan tâm của chủ DN chưa cao, ý thức của người lao động còn thấp... là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn lao động ở mức cao.
Nhà máy gạch Bạch Đằng, Kim Thành (Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng) luôn
thực hiện vệ sinh công nghiệp sạch sẽ tại các khu vực sản xuất
Năm 2010, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với các ngành chức năng điều tra 10 vụ TNLĐ (làm 11 người chết và 5 người bị thương) trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý nhất là vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng Thành Công làm 2 người chết và 3 người bị thương. Theo biên bản điều tra của Đoàn điều tra TNLĐ liên ngành, khoảng 21 giờ 25 phút ngày 14 - 5 - 2010, trong khi một số công nhân bàn giao ca cạnh lò nung thì bị các tảng liệu trong buồng đốt đổ sập xuống, làm cho bột liệu và khí nóng trong lò phun trào ra ngoài các cửa chọc liệu phía đông và phía tây (khi kiểm tra tình trạng hoạt động của lò nung thì phải mở lò để quan sát). Các công nhân Nguyễn Văn Hiển, Dương Văn Việt, Trần Văn Sang đứng ở vị trí gần giữa cửa lò phía đông và công nhân Nguyễn Đức Tiệp, Phan Văn Bình đứng ở vị trí gần giữa lò phía tây bị khí và bụi nóng phóng vào người gây tai nạn. Ngay sau đó, các công nhân được nhanh chóng đưa đi Viện Bỏng quốc gia chữa trị nhưng do vết thương quá nặng, công nhân Nguyễn Đức Tiệp và Phan Văn Bình đã tử vong. Sau khi vụ việc xảy ra, Đoàn điều tra đã yêu cầu công ty khẩn trương kiểm tra, giám sát, phát hiện những nơi làm việc có nguy cơ xảy ra tai nạn để đề ra biện pháp bảo đảm an toàn cho người lao động, đặc biệt là giai đoạn cuối ca tại tổ lò đứng ghi quay. Chấn chỉnh những vi phạm nội quy, quy trình làm việc của người lao động, bảo đảm an toàn trong suốt quá trình tổ chức sản xuất ở từng vị trí sản xuất tại đơn vị nhằm ngăn chặn, khắc phục những mối nguy hiểm có thể dẫn đến TNLĐ. Ban Giám đốc và Công đoàn công ty phối hợp tăng cường tuyên truyền, vận động, yêu cầu mọi lao động nghiêm chỉnh thực hiện đúng các quy định của Nhà nước, đơn vị về ATVSLĐ trong quá trình làm việc để người lao động tự bảo vệ mình và bảo vệ những người cùng làm việc.
Vụ TNLĐ xảy ra tại công trường thi công nhà ở của nhân viên thuộc Công ty TNHH Vận tải - Du lịch Tiến Thành, số 364, đường Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương) cũng gây hậu quả nghiêm trọng. Khoảng 9 giờ ngày 10-5-2010, bà Nguyễn Thị Liễu (sinh năm 1955, trú tại khu 11, Đỗ Xá, phường Tứ Minh, TP Hải Dương) đang làm công việc dọn dẹp vệ sinh ở công trường thì bị tấm cốp pha sắt từ mái nhà tầng 2 rơi vào đầu gây tử vong. Đoàn kiểm tra kết luận, ông Nguyễn Văn Duyệt, chủ thầu, trong quá trình tổ chức thi công đã vi phạm pháp luật lao động; không sử dụng đầy đủ các phương tiện che chắn các bộ phận dễ gây nguy hiểm; vi phạm kỹ thuật an toàn xây dựng; vi phạm một số quy định của pháp luật lao động khác như chưa giao kết hợp đồng với người lao động, chưa tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, chưa tổ chức khám sức khoẻ, chưa trang cấp phương tiện cá nhân cho người lao động...
Vụ TNLĐ nghiêm trọng nữa xảy ra tại Nhà máy Giầy Chí Linh, đơn vị thành viên Công ty CP Giầy Thăng Long. Nạn nhân là ông Phạm Thanh Hải, sinh năm 1955, trú quán tại phường Hoàng Tân, thị xã Chí Linh. Ông Hải có nhiều điểm giống bà Liễu tại vụ TNLĐ nêu trên: là lao động tự do, hợp đồng lao động được thoả thuận miệng, BHXH được trả gộp vào lương, chưa được huấn luyện ATVSLĐ. Vào khoảng 7 giờ ngày 7 - 7 - 2010, ông Hải cùng ông Dương Văn Nết dọn kho nguyên liệu. Ông Hải ở tầng 1 xếp hàng vào bàn vận thăng và vận hành, đưa lên tầng 2 cho ông Nết. Trong quá trình vận hành, ông Hải bị ngã, đầu đập vào thiết bị vận hành gây tử vong.
Người lao động không thực hiện nghiêm chế độ bảo hộ trong sản xuất, dễ xảy ra tai nạn lao động
Nhằm khắc phục những hạn chế trên, theo đồng chí Lưu Văn Bản, Giám đốc Sở LĐTBXH, các địa phương, cơ sở, DN trên địa bàn, nhất là những DN thuộc lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, xây lắp, khai thác chế biến khoáng sản, các đơn vị chiết xuất gas... phải thực hiện nghiêm túc pháp luật lao động, ATVSLĐ - PCCN, đẩy mạnh huấn luyện kỹ thuật ATLĐ, khám bệnh định kỳ, kiểm tra, kiểm định các thiết bị, máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ. Động viên khen thưởng những cá nhân, tập thể làm tốt công tác ATVSLĐ - PCCN, đồng thời chỉ rõ những hạn chế, yếu kém của DN, người sử dụng lao động và người lao động vi phạm pháp luật lao động, ATVSLĐ, BHLĐ, đặc biệt là để xảy ra tai nạn gây chết người. Nâng cao hơn nữa chất lượng thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm ATVSLĐ, BHLĐ nhằm cảnh báo và răn đe. Mặt khác, sở đang tích cực chỉ đạo, kiện toàn cán bộ, phân công theo dõi DN nhằm nâng cao công tác quản lý nhà nước đối với DN, nhất là lĩnh vực thực hiện pháp luật lao động, ATVSLĐ, BHLĐ, PCCN và nhiều lĩnh vực khác như diễn biến lao động, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của DN và người lao động... để hạn chế thấp nhất TNLĐ và những bức xúc xảy ra trong DN.
NT - MN