Lão Hảo điên

Truyện ngắn - Ngày đăng : 07:53, 03/04/2011



Làng Võ Xa nhỏ bé đang yên vui làm ăn, người ra đồng, kẻ chạy chợ, ai việc nấy, bận bịu, xoay xỏa lo cho đời sống thường nhật. Mệt nhoài sau mỗi ngày, mỗi buổi. Trưa, tối, làng xóm đều muốn ngủ, nghỉ cho lại sức. Ấy vậy mà, có bao giờ được yên đâu. Lúc thì điên đảo với tiếng nhạc xập xình, gào thét ở mấy cái quán karaoke, đến khi dẹp được yên thì lại bị lão Hảo “tra tấn” vì màn tập thổi kèn đám ma của lão. Ai mà thưởng thức được suốt ngày loại nhạc ấy. Khổ nhất là cứ nhè lúc mọi người nghỉ là lão tập thổi kèn. Tiếng kèn lúc rít lên ken két, lúc nỉ non não nề. Đã vậy, cái kèn lúc nào cũng như dính vào lão. Mấy tháng rồi, trong làng có đám hiếu nào, người ta lại thấy lão cứ xán vào đám thợ kèn, mồm há hốc ra xem họ thổi. Nhiều đêm, đã khuya rồi, tiếng kèn đám bất chợt vóng lên làm cả làng nháo nhác, xô ra hỏi nhau xem có ai vừa nằm xuống… Hóa ra, lão Hảo dở hơi tập thổi kèn.

Chịu không nổi, mấy ông cao tuổi trong làng góp ý, lão Hảo ôm kèn ra đồng tập thổi. Cả làng bảo lão điên thật rồi. Đám thanh niên thì bậy bạ nói:

- Ngoài sáu chục tuổi đầu còn sinh tật. Có cô con gái, nghe nói cũng tiến sĩ tiến xiếc gì đấy, “đầu băm” rồi mà vẫn “chống ề”. Sao lão không tấu kèn tống tiễn con ma cô đơn đi để con lão kiếm được tấm chồng.
Có người mạnh dạn đến tận nhà, bảo lão:
- Ông có tự thổi được kèn cho ông đâu mà tập. Lúc ông cần nghe, làng xóm sẽ khắc lo cho ông nghe. Hãy để cho làng xóm được yên.
Lão chỉ lặng yên không cãi mà lại còn rót rượu ra mời, thế lão mới… điên chứ.

Bặt, mấy hôm không ai còn phải nghe tiếng kèn tra tấn của lão Hảo nữa. Lão bỏ làng đi rồi. Lão đi đâu, chẳng ai biết. Mà lão đi, nhiều người thấy nhẹ nhõm.
Vợ lão nghĩ lão lên Hà Nội với con, nhưng gọi điện, rồi tìm kiếm vẫn chẳng thấy tăm hơi lão. Bà vợ vật vã khóc lóc suốt ngày đêm.

Chuyện lão Hảo điên bỗng trở thành “ thời sự” nhất làng. Người ta kháo nhau đủ chuyện về đời tư, tung tích của lão. Lão Hiền, bạn đánh đáo, đánh khăng của lão Hảo bỗng trở thành nhân vật bị “phỏng vấn” nhiều nhất.
- Này, ông Hiền, thế có phải ông với lão Hảo cùng nhập ngũ một ngày không? Thế ông với lão ở cùng đơn vị với nhau có lâu không?
- Chúng tôi chỉ ở cùng đơn vị vài tháng thôi. Khi tập xong “cơ bản”, tôi được điều lên biên giới, còn ông Hảo thì được điều về trại giam làm quản giáo, đâu như ở Thái Nguyên hay Bắc Cạn gì đấy. Mà ông ấy về hưu với lon đại úy thì cả làng ai chả biết đấy thôi.
- Nghe nói, lúc làm cai tù, lão ác lắm nên giờ bị ma tù ám vào trả thù phải không?
Thế là đủ chuyện được dựng lên về lão Hảo lan truyền khắp làng trên xóm dưới. Người làng càng tin lão bị điên thật.
Sôi lên xình xịch, “nở như gạo rang” đến khi đã nhạt thì rồi chuyện lão Hảo điên cũng ắng đi nhường chỗ cho những lo toan, cơm, áo, gạo, tiền.

   ***

Chiều nay, cánh lực điền trong làng bất ngờ thấy lão Hảo điên vung vẩy cái ô thâm, tay nải thung thăng về làng. Thế là cái ngòi của quả bom thời sự lại về làng. Mọi người lại bàn, lại kháo:

- Chắc lão ở nhà thương điên về.

- Lão đi viện một mình vì lão có bảo hiểm y tế. Mà lão chỉ điên thôi chứ lão khỏe như trâu, không cần người chăm sóc.
Lên đèn đã một lúc, bỗng tiếng loa truyền thanh của làng rọt rẹt kêu, rồi thấy giọng ông trưởng thôn mời ông Tần bí thư, ông Điền cao tuổi, ông Hiệp chủ nhiệm hợp tác xã đến nhà lão Hảo có việc. Lạ chưa, ai đời “dân đen” lại dám mời “chức sắc” của làng đến nhà mình để bàn việc.

Lạ thế nên các ông “chức sắc” hỏi nhau rồi cũng đến đầy đủ. Lão Hảo trịnh trọng pha trà, kéo ghế mời mọi người ngồi. Vợ lão bê ra đĩa lạc rang với chai “quốc lủi”. Lão rót rượu mời từng người, rồi nói:
- Xin có chén rượu nhạt mời các bác để gọi là tạ lỗi với dân làng cái đận tôi tập thổi kèn làm mất “an ninh trật tự”. Nói rồi, lão ngửa cổ tu đánh ực hết chén rượu. Lão cười ngượng, mời mọi người tự nhiên, rồi lão lại nói:

- Tôi xa quê mấy chục năm, nghỉ hưu thấy còn sức nên cũng muốn làm cái gì đấy giúp làng xóm, quê hương mà nghĩ mãi chẳng biết làm gì.
Ngừng một lát như để đắn đo, rồi lão nói tiếp:
- Năm vừa rồi, tôi thấy làng mình có mấy đám hiếu tốn kém quá. Nhất là khoản nhạc hiếu như đám cụ Tuyển, cụ Tạo đều phải mời phường kèn của xã khác đến, tốn kém 2-3 triệu đồng. Lại còn ăn uống, đưa rước phiền phức. Mà dân mình còn nghèo. Có nhà, con cái phải vay lãi mới có tiền lo đám cho cha mẹ. Mà nhạc hiếu của các phường kèn bây giờ toàn nhạc đời mới, ai đời đám hiếu lại thổi kèn bài “Người ơi, người ở đừng về”…
Mấy ông “chức sắc” cùng cười ồ.

Lúc này, lão Hảo mới nói như đã nghiền ngẫm lâu rồi. Lão bảo, lão thấy trong làng có một số anh em có thể tập trung lại thành một phường kèn. Có người làm được việc này như chú Thoàn, chú Tâm đều là văn công về hưu, biết đánh trống, thổi kèn, đã học nhạc lý. Chỉ có điều, do không có người tổ chức nên các chú ấy phải đi theo các phường kèn khác kiếm sống. Rồi lão Hảo bất chợt đề nghị:

- Tôi xin nhận tổ chức làm việc này. Tôi làm không vì đồng tiền đâu. Chả giấu gì các bác, hồi còn công tác tôi cũng học được một ít nhạc nhẽo do một người tù dạy cho. Mấy tháng trước, do tập kèn làm ầm ĩ làng xóm, tôi đã đi theo một phường kèn bên Đa Hưng để học. Nay cũng học được cách làm của họ nên tôi xin về để phục vụ làng xóm. Vừa gần gặn, vừa tiết kiệm cho bà con lại giữ được tình làng nghĩa xóm.
Tiếng cụng chén vang lên lách cách, ai nấy đều hỉ hả.
- Thế là bác gái yên tâm rồi nhé. Không sợ mất chồng nhé.
Ông Tần, bí thư nâng chén rượu lên cao, trịnh trọng nói:
- Xin cảm ơn lão. Thay mặt dân làng, tôi xin giao cho lão việc này, chúng tôi sẽ “ hậu thuẫn” cho lão.

                       ***

Trên đường về, ông Tần trầm ngâm: Giá mà có nhiều người “điên” như lão Hảo thì dân làng mình được nhờ!

Truyện ngắn của PHẠM LAM HÀ