Bác Hồ với Đền Hùng
Tin tức - Ngày đăng : 12:27, 10/04/2011
Khu di tích lịch sử Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) là nơi thờ tự các Vua Hùng, cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Đây là khu di tích rất quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân chăm lo, gìn giữ.
Bác Hồ nói chuyện với các chiến sĩ tại Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ
Trong cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần về thăm khu di tích này.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Phó Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, cho biết, ngày 19-9-1954, trên đường về tiếp quản Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn Đền Hùng làm nơi gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong. Cuộc gặp của Bác với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong không phải là sự tình cờ, mà là chủ đích của Người. Lần đầu tiên, cả chặng đường dài mấy ngàn năm của lịch sử dân tộc được Người tổng kết trong một câu nói nổi tiếng:
Các Vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nhiệm vụ lịch sử và nhiệm vụ cách mạng của dân tộc ta là dựng nước đi đôi với giữ nước. Qua đó, Bác khẳng định thời đại Hùng Vương là có thật trong tiến trình lịch sử của dân tộc, các Vua Hùng đã khai sinh ra đất nước Việt Nam. Sự khẳng định quy luật dựng nước và giữ nước của Bác tại Đền Hùng không những có ý nghĩa giáo dục lớn, mà còn là sự quan tâm và ý thức tôn vinh tổ tiên của người đứng đầu Nhà nước thời hiện tại. Sự nghiệp cách mạng rất đỗi vẻ vang nhưng còn nhiều gian khổ, đòi hỏi những hy sinh vô cùng to lớn, niềm tự hào vững chắc về tổ tiên dựng nước là nguồn cổ vũ hết sức lớn lao đối với nhân dân cả nước. Chọn Đền Hùng để khẳng định nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, Hồ Chủ tịch đã tôn vinh Đền Hùng lên một tầm cao mới của lịch sử.
Trong lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Các Vua Hùng đã có công dựng nước", Người đã viện dẫn đến những con người có thật trong buổi đầu của lịch sử dân tộc, đồng thời cũng là một biểu tượng cao quý mà các thế hệ con cháu người Việt Nam đời này qua đời khác trân trọng tôn thờ. Nói về các Vua Hùng ngay tại nơi thiêng liêng mà bao đời người Việt trở về trong tâm thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi gợi cho chúng ta ý thức tự hào dân tộc, luôn nhớ về cội nguồn. Tất yếu của sự phát triển là nhiệm vụ tiếp tục dựng nước và giữ nước của các thế hệ con cháu người Việt Nam, do đó Người căn dặn: "Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".
Năm 1962, đế quốc Mỹ chuẩn bị cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc. Một lần nữa, Đền Hùng lại đón Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19-8-1962. Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Hạnh cho biết: Trong hồ sơ Di tích lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng có ghi lời dặn của Người: "Đã đi là phải tới đích, leo núi là phải lên đến đỉnh, cũng như người làm cách mạng không được bỏ dở chừng". Người còn dặn: "Chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, cây cối để xây dựng Đền Hùng trở thành một công viên lịch sử cho con cháu sau này tới thăm viếng".
Nhân dân ta vốn coi trọng nguồn gốc, một dân tộc có truyền thống "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây", Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đền Hùng, viện dẫn đến "Các Vua Hùng đã có công dựng nước", chính là để ca ngợi sự cố gắng, quyết tâm dựng nước và giữ nước trong thời đại mới, từ đó khơi dậy những tình cảm thiêng liêng của dân tộc, để từ truyền thống lịch sử tạo sức mạnh và nguồn sinh lực mới để đất nước hoàn thành nhiệm vụ của cách mạng, đi đến mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ cho chúng ta cần quan tâm xây dựng, tôn tạo và gìn giữ Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Hiện nay, người lao động cả nước được nghỉ ngày 10-3 âm lịch. Đó là điều kiện thuận lợi để đồng bào cả nước về thăm viếng Đền Hùng, thắp hương tưởng nhớ các Vua Hùng, tri ân công đức tổ tiên, tôn vinh tinh thần yêu nước, gắn kết khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đền Hùng từ bao đời nay không chỉ là nơi tưởng nhớ công ơn các Vua Hùng mà còn là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn muôn đời ghi nhớ ơn đức tổ tiên, gìn giữ và dựng xây đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh.
TRƯƠNG VĂN QUÂN