Chernobyl- Bài học còn “nóng” sau 25 năm

Bình luận - Ngày đăng : 14:12, 26/04/2011

Tưởng như thảm họa Chernobyl cách đây 25 năm đã rơi vào quên lãng, nhưng hoá ra không phải vậy. Thảm hoạ ấy và những nguy cơ mới về an toàn hạt nhân đang đặt ra nhiều thách thức đối với thế giới hiện tại.

Kết thúc hội nghị tài trợ quốc tế về Chernobyl đã thống nhất hỗ trợ 550 triệu euro giúp Ukraine xây dựng vỏ bảo vệ thứ hai cho nhà máy điện này.

Ở thời điểm hiện tại, sau 25 năm, các nghiên cứu mới cho biết, lớp vỏ bọc cũ của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đang bị xuống cấp bởi thời gian. Nguy cơ tái rò rỉ phóng xạ đang hiện hữu nếu thế giới không có những hành động cấp thiết.

Hội nghị này cùng với những hậu quả khôn lường của thảm hoạ rò rỉ hạt nhân ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) càng cho thấy tính cấp thiết của vấn đề bảo đảm an toàn điện hạt nhân toàn cầu.

Con số 550 triệu euro tuy không đạt so với mức kỳ vọng 740 triệu euro mà Ukraine mong muốn, song cũng đủ để Kiev chuẩn bị cho một kế hoạch mới xây dựng lớp vỏ bọc thứ 2 cho nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.

40 nhà tài trợ quốc tế đã nhất trí giúp đỡ Ukraine chôn lấp vĩnh viễn cơn ác mộng Chernobyl, trong đó Liên minh châu Âu (EU) cam kết sẽ hỗ trợ Kiev 110 triệu euro (156 triệu USD).

Đây là những nỗ lực mới nhất của cộng đồng quốc tế nhằm giúp Ukraine và thế giới quên đi thảm hoạ hạt nhân cách đây 25 năm, cũng như ngăn chặn một nguy cơ tái rò rỉ phóng xạ mới khi lớp vỏ bọc thứ 1 sắp hết thời hạn sử dụng.

Thảm họa Chernobyl nhắc nhở chúng ta thận trọng trong việc sử dụng nguồn điện hạt nhân (Ảnh: Getty)

Trở lại với thời điểm 25 năm trước, ngày 26-4-1986, lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã phát nổ, khiến một lượng lớn phóng xạ phát tán ngoài không khí.

Hậu quả là tất cả các khu vực nằm trong bán kính 30 km xung quanh nhà máy đã bị nhiễm phóng xạ nặng, cùng với các khu vực lân cận ở Ukraine, Nga và Belarus.

Theo đánh giá của giới khoa học, thảm hoạ Chernobyl năm ấy tương đương với vụ nổ của 500 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945.

Riêng Ukraine có hơn 3 triệu người và 50.000 km2 bị ảnh hưởng bởi chất phóng xạ từ thảm họa này.


Vị trí lò phản ứng bị nổ tại Nhà máy Điện hạt nhân Chernobyl năm 1986. Mũi tên chỉ chính xác vị trí xảy ra vụ nổ

Tại Nga, 2,6 triệu người và gần 60.000 km2 diện tích đất bị nhiễm phóng xạ. Còn tại Belarus, khoảng 1,4 triệu người và 23% tổng diện tích đất đai nước này bị nhiễm xạ. Đã có 500.000 người tử vong. Song, nguy cơ lớn hơn là những hậu quả lâu dài mà sự cố này để lại khi số người mắc các căn bệnh nguy hiểm như ung thư, các bệnh về máu, biến đổi gen, đặc biệt là tỷ lệ trẻ em sinh ra bị khuyết tật hoặc bị rối loạn gen vẫn ngày càng tăng.

Để ngăn chặn thảm hoạ, với sự hỗ trợ của Nga, lúc ấy, chính quyền Ukraine đã cho xây dựng vỏ bọc trùm kín lò phản ứng và nhà máy Chernobyl. Tuy nhiên theo thiết kế, lớp vỏ bọc này chỉ được 30 năm và đang bị xuống cấp vì sắp hết hạn sử dụng. Để ngăn chặn nguy cơ tái rò rỉ phóng xạ, Ukraine đã quyết định xây dựng lớp vỏ bọc mới thứ 2 nhằm bảo đảm an toàn hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ít nhất trong vòng 100 năm tới. Và đây chính là lý do hội nghị quốc tế tài trợ xây dựng lớp vỏ bọc mới cho nhà máy điện này.

So sánh câu chuyện Chernobyl 25 năm trước và những sự cố hạt nhân hiện tại, mà trong đó mới nhất là thảm hoạ kép tại Nhật Bản ngày 11-3 mới thấy rõ được tính nghiêm trọng của vấn đề.

Trong bối cảnh năng lượng hóa thạch ngày càng khan hiếm thì năng lượng hạt nhân là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa mới cho việc bảo đảm an ninh năng lượng. Tuy nhiên điều đáng nói là có rất nhiều rủi ro khi vận hành các nhà máy điện hạt nhân. Làm thế nào bảo đảm an toàn hạt nhân cho nhân loại, tiếp tục là một câu hỏi khó.

Sự cố rò rỉ hạt nhân tại nhà máy Fukushima Nhật Bản tháng trước, tuy chưa thể so với mức độ nghiêm trọng của thảm hoạ Chernobyl cách đây 25 năm, song nó bộc lộ những “lỗ hổng” mà con người không thể chủ quan. Điều này lý giải tại sao đã có nhiều hội nghị quốc tế lớn, nhỏ về điện hạt nhân được tổ chức liên tiếp trong những ngày qua, cũng như khiến nhiều quốc gia phải đắn đo suy tính trước khi triển khai những kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới.

Không chỉ có vậy, nhìn từ hai góc độ Chernobyl và Fukushima, việc sử dụng năng hạt nhân làm sao cho an toàn một lần nữa xới lên những tranh luận từ nhiều phía. Nhu cầu thực sự về năng lượng điện hạt nhân của thế giới đến đâu? Đâu là ngưỡng quy chuẩn an toàn khi tìm kiếm những nguồn năng lượng mới? Người ta cân nhắc thế nào trước ranh giới mỏng manh với một bên là nhu cầu và một bên là hiểm họa…?

Rõ ràng, những câu hỏi này gợi lên không ít xáo trộn trong đời sống chính trị ở nhiều quốc gia, mà những tranh cãi ở Đức, ở Pháp, ở Italy hay những quốc gia khác sở hữu công nghệ điện hạt nhân là ví dụ cho thấy điều đó.

Tưởng như sự cố hạt nhân Chernobyl cách đây 25 năm đã rơi vào quên lãng, nhưng hoá ra không phải vậy. Thảm hoạ ấy và những nguy cơ mới về an toàn hạt nhân đang đặt ra nhiều thách thức đối với thế giới hiện tại.

(Nguồn: VOV)