Làm gì để phát triển thương hiệu hàng xuất khẩu?
Kinh tế - Ngày đăng : 14:21, 05/05/2011
Để nâng cao giá trị hàng hoá xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu của thị trường, các doanh nghiệp xuất khẩu cần quan tâm hơn nữa trong việc phát triển thương hiệu hàng xuất khẩu.
Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tỉnh ta gặp khó khăn trên thị trường quốc tế do
chưa xây dựng được thương hiệu mạnh để cạnh tranh với nông sản các nước khác
Những năm qua, tăng trưởng xuất khẩu đã đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh ta. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị hàng hoá xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu của thị trường, các doanh nghiệp xuất khẩu cần quan tâm hơn nữa trong việc phát triển thương hiệu hàng xuất khẩu.
Mỗi năm, Công ty TNHH Rượu Phú Lộc sản xuất gần 200 nghìn lít rượu các loại. Sản phẩm rượu Phú Lộc đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Tuy nhiên, để xuất khẩu, sản phẩm này vẫn phải mang chiếc “áo khoác” của Công ty CP Rượu Hapro Hà Nội. Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Rượu Phú Lộc cho biết: “Sản phẩm rượu Phú Lộc hiện có mặt ở nhiều nước trên thế giới, nhưng người tiêu dùng khó có thể tìm thấy sản phẩm mang thương hiệu Phú Lộc. Đơn giản là do doanh nghiệp chưa đăng ký thương hiệu nên việc xuất khẩu sang thị trường các nước trên thế giới phải thông qua thương hiệu của Công ty CP Rượu Hapro Hà Nội. Khi xuất khẩu qua khâu trung gian, lợi nhuận của công ty chỉ là “lấy công làm lãi”. Thương hiệu quả là tài sản lớn của doanh nghiệp khi bước ra thị trường quốc tế nhưng xây dựng được thương hiệu hàng hoá để xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn”.
Các doanh nghiệp sản xuất hàng nông sản xuất khẩu của tỉnh ta như: Công ty TNHH Việt Thành (Ninh Giang), Công ty CP Chế biến nông sản xuất khẩu Hải Dương... cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu đủ mạnh để cạnh tranh với hàng nông sản chế biến của Trung Quốc, Thái Lan và một số nước châu Mỹ...
Ở tỉnh ta, số lượng hàng hoá xuất khẩu phải qua khâu trung gian dưới dạng thô hoặc gia công cho các hãng nổi tiếng của nước ngoài dưới một thương hiệu khác chiếm số lượng lớn, chủ yếu là các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản, hoặc gia công may mặc... Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lại ngại đăng ký thương hiệu bởi thủ tục rườm rà. Bên cạnh đó, những trở ngại trong việc đăng ký về bảo hộ, chỉ dẫn địa lý đã khiến các doanh nghiệp chấp nhận xuất khẩu dựa vào danh tiếng của một doanh nghiệp khác. Mặt khác, nhiều sản phẩm xuất khẩu của tỉnh ta đã xây dựng được thương hiệu nhưng để xuất sang thị trường nước ngoài lại gặp nhiều trở ngại như: nhãn hiệu khó đọc, khó nhớ, lô-gô không hấp dẫn, chưa gây chú ý đối với người tiêu dùng, thậm chí còn trùng với thương hiệu sản phẩm đã bảo hộ. Ngoài ra, chủng loại hàng hoá để xuất khẩu khá dồi dào nhưng còn thiếu tính sáng tạo và chưa bắt nhịp kịp thời với sự biến đổi của thị trường thế giới. Thời gian qua, việc tìm ra những sản phẩm xuất khẩu có tính sáng tạo, mang đặc trưng khác biệt của Hải Dương so với các tỉnh khác và phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng vẫn là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ở tỉnh ta chưa làm được.
Để xây dựng thương hiệu cho hàng hoá xuất khẩu và nâng cao sức cạnh tranh của hàng Hải Dương trên thị trường quốc tế, ông Mai Xuân Hội, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Năm qua, kim ngạch xuất khẩu tỉnh ta đạt kỷ lục hơn 1 tỷ USD, nhưng thực tế các doanh nghiệp chưa xây dựng được thương hiệu. Việc xây dựng thương hiệu hàng xuất khẩu hiện không chỉ dựa vào ưu thế về chất lượng, giá cả mà còn phải tạo được ấn tượng về sản phẩm thông qua những chiến dịch quảng bá có hiệu quả. 5 năm qua, Sở Công thương đã tổ chức được gần 50 hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế. Nhiều sản phẩm như bánh đậu xanh Quê Hương, gốm Chu Đậu, mộc Đông Giao, mỹ nghệ Xuân Thép... đã tìm được các hợp đồng xuất khẩu lớn, khẳng định được thương hiệu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, việc phát triển thương hiệu những mặt hàng này cần sự hỗ trợ đắc lực của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, nhanh nhạy đáp ứng nhu cầu thị trường. Tích cực tham gia các hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ những doanh nghiệp xuất khẩu mạnh.
Hiện nay, khi ngày càng hội nhập sâu hơn với nền kinh tế thế giới, hàng hoá tỉnh ta sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh với nhiều nước trên thế giới, nhất là hàng hoá của Trung Quốc trên những thị trường xuất khẩu chủ lực như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... do yếu tố tương đồng về sản phẩm xuất khẩu. Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu cho hàng hoá xuất khẩu là biện pháp tốt nhất để doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh và tạo dựng được niềm tin của người tiêu dùng.
LAN ANH