Phát hiện mới về Tuệ Tĩnh
Danh nhân - Ngày đăng : 07:05, 08/05/2011
Tuệ Tĩnh đỗ học vị đệ nhị giáp tiến sĩ (hoàng giáp); đi sứ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; tài năng chữa bệnh ở trong và ngoài nước vào bậc thánh sư.
Lương y Nguyễn Bá Trư ở làng Nghĩa Phú, thông hiểu chữ Hán Nôm, là hậu duệ của Tuệ Tĩnh. Năm 2006, ông cho chúng tôi xem cuốn gia phả 74 trang viết bằng chữ Hán Nôm trên nền giấy dó của dòng họ Nguyễn Bá. Ông cho biết, dòng họ ông 6 đời mang họ Phạm. Thời gian này có cụ Tuệ Tĩnh là vị thánh thuốc Nam. Cụ Tuệ Tĩnh ghi trong văn bia ở chùa Giám là người cùng tên nhưng không phải người dòng họ ông.
Nguyễn Danh Nho, người làng Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng), người mang tấm bia về Đại danh y Tuệ Tĩnh từ Trung Quốc về đến địa phận giáp giới giữa Văn Thai và Nghĩa Phú thì thuyền chở bia bị đắm. Nhân dân cho là đắc địa nên dựng bia tại nơi bia bị chìm. Trong ảnh: Nhà bia ghi lại sự tích hình thành Đền Bia. Ảnh: Mai Anh |
Từ gợi ý này, chúng tôi tìm trong các sách đăng khoa lục, văn bia, sắc phong thần, câu đối, chuyện kể, sách chuyên đề ghi chép liên quan đến Tuệ Tĩnh, người đỗ hoàng giáp, được người dân suy tôn, triều đình phong là vị thánh thuốc Nam.
Đền Bia ở xã Cẩm Văn, đền Xưa (đền thờ Tuệ Tĩnh) ở thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) đều có câu đối viết bằng chữ Hán phản ánh 3 nội dung: Tuệ Tĩnh đỗ học vị đệ nhị giáp tiến sĩ (hoàng giáp); đi sứ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; tài năng chữa bệnh ở trong và ngoài nước vào bậc thánh sư. Câu đối ở đền Xưa ghi:
Nguyên văn:
Khoa danh đứng đầu đệ nhị giáp, xem trong sách khoa bảng, sách lịch sử về đời Trần.
Sứ mệnh vẹn tròn, trổ tài y học nổi tiếng ở đất Bắc.
Qua giám định văn bản học, câu đối này viết vào khoảng năm 1920.
Sách Tuệ Tĩnh toàn tập (bao gồm 2 tác phẩm: Nam dược thần hiệu, Hồng nghĩa giác tư y thư) Hội Y học dân tộc TP Hồ Chí Minh tái bản năm 1990 ghi: tương truyền ông đỗ hoàng giáp, lại giỏi làm thuốc, bị bắt đi cống cho nhà Minh, chữa bệnh cho Tống vương phi (vợ vua Minh) khỏi bệnh hậu sản được phong là Đại y thiền sư. Những thông tin trên không ghi năm Tuệ Tĩnh thi đỗ hoàng giáp. Có nhiều tài liệu là sách in, văn bia, báo chí, biên bản ghi năm đỗ nhưng lại thiếu thống nhất. Bản kê khai của chính quyền cơ sở báo cáo triều đình về tiểu sử Tuệ Tĩnh được phong làm thành hoàng làng Nghĩa Phú năm 1938 ghi ông đỗ năm 1376. Tỉnh Hải Dương biên soạn sách địa chí, ghi Tuệ Tĩnh đỗ đệ nhị giáp thái học sinh năm Ất Dậu niên hiệu Thiệu Phong thứ 5 (1345) triều Trần Dụ Tôn.
Những thông tin trên thiếu độ tin cậy bởi không dẫn nguồn tư liệu ghi về khoa thi. Học vị đệ nhị giáp thái học sinh chưa từng gặp trong các sách lịch sử khoa bảng Nho học. Thời Trần thi đại khoa (sách sử ghi là thi thái học sinh), người trúng tuyển thi hội được vào thi đình để chọn thứ bậc đỗ, có học vị đệ nhất giáp (còn gọi là tam khôi: trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa lang), học vị đệ nhị giáp (gọi là hoàng giáp từ năm 1304), học vị đệ tam giáp. Không có học vị đệ nhị giáp thái học sinh.
Tại biên bản hội nghị ngày 26 - 4 - 1979, thảo luận về thân thế, sự nghiệp Tuệ Tĩnh ghi: Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho, người làng Nghĩa Phú sau lần đi sứ về nước đã đề xướng với địa phương xây lại đền thờ Tuệ Tĩnh và lập văn chỉ ghi các vị tiến sĩ của Nghĩa Phú. Ghi về Tuệ Tĩnh trong văn bia như sau: Trần triều tứ Tân Mão khoa, đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân Nguyễn Bá Tĩnh (triều Trần ban cho Tuệ Tĩnh học vị đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, khoa thi năm Tân Mão - 1351). Năm 1960, có kẻ giả mạo danh nghĩa bài trừ di tích phong kiến, đã phá huỷ tất cả các tấm bia trong xã đem nung vôi, trong đó có cả văn bia ở văn chỉ nói trên. Nguồn tư liệu này đề cập đến 1 chi tiết hết sức quan trọng, văn bia ghi, năm 1351, Tuệ Tĩnh đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ (hoàng giáp). Chữ xuất thân ghi ở sau "Đệ nhị giáp tiến sĩ" phản ánh, ông được bổ nhiệm chức vụ sau khi thi đỗ. Tham khảo sách Đăng khoa lục lưu ở Thư viện Khoa học xã hội, khắc in năm 1779 cũng chỉ chép 4 khoa thi dưới triều Trần: 1247, 1250, 1274, 1304. Các khoa thi này không ghi thông tin về Tuệ Tĩnh. Các khoa thi thuộc thế kỷ XIV, sách Đăng khoa lục chỉ ghi được 1 khoa. Cuốn Đại Việt lịch triều đăng khoa lục do Võ Duy Đoán biên tập năm Thịnh Đức 2 (1654), Lê Nguyên Trung tục biên năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), có chép về khoa thi năm Giáp Dần niên hiệu Long Khánh 3 (1374): Đệ nhất giáp 3 người, Đào Sư Tích, Trạng nguyên, Lê Hiến Phủ, Bảng nhãn, Trần Đình Thâm, Thám hoa. Đệ nhị giáp hữu sai: Nguyễn Bá Tĩnh, người Hải Đông, đi sứ Bắc, làm Điền hộ, nhà Minh giữ lại, đi tu lấy hiệu là Tuệ Tĩnh.
Như vậy, có 2 nguồn tư liệu ghi về học vị của Tuệ Tĩnh. Nguồn trong văn bia văn chỉ làng Nghĩa Phú, khắc in năm 1696 ghi Tuệ Tĩnh đỗ hoàng giáp năm 1351, từng được triều đình bổ nhiệm chức vụ. Nguồn ghi trong sách Đại Việt lịch đại đăng khoa lục ghi ông đỗ hoàng giáp năm 1374, cũng được bổ nhiệm chức vụ. Qua 2 nguồn tư liệu này ta biết, Tuệ tĩnh có 2 lần dự thi và đều đỗ hoàng giáp. Những văn bản có niên đại thuộc thời Lê Trung Hưng như, văn bia văn chỉ làng Nghĩa Phú khắc in năm 1696, sách Đại Việt lịch triều đăng khoa lục do Võ Duy Đoán biên tập năm Thịnh Đức 2 (1654) đều ghi Tuệ Tĩnh đỗ hoàng giáp. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, từ năm 1462, triều đình quy định, người đỗ Hoàng giáp được thay bằng tên mới: “Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân”. Điều này càng làm cho chúng ta có thể tin được Tuệ Tĩnh hai lần thi đỗ đại khoa giành học vị hoàng giáp.
Có một thông tin về Tuệ Tĩnh đi tu ở chùa Giám (nay thuộc xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng) hiện còn tượng và văn bia ghi. Giáo sư Hà Văn Tấn, ngay từ năm đương chức Viện trưởng Viện Khảo cổ học đã khảo sát văn bia ở chùa Giám dựng năm Vĩnh Thịnh 13 (1717) cho biết, văn bia có dòng ghi tên người đứng đầu danh sách trong việc hưng công đúc tượng Quan Âm 24 tay năm 1711. Người đó là Tuệ Tĩnh Thiền sư, có tên đầy đủ: Chân An Giác Tính Tuệ Tĩnh, ông mất năm 1713.
Đã có nhiều bài viết về vị thánh thuốc Nam Nguyễn Bá Tĩnh (Tuệ Tĩnh) nhưng còn nhiều điểm chưa thống nhất. Từ những cứ liệu sử học, văn học, điền dã, bài viết của chúng tôi hy vọng góp phần nhỏ bé làm sáng tỏ thân thế, sự nghiệp danh nhân, đại danh y Tuệ Tĩnh.
ĐẶNG VĂN LỘC