Vì sao doanh nghiệp khó đưa được hàng về nông thôn?
Thị trường - Ngày đăng : 08:13, 19/05/2011
Nguyên nhân chính là do sự cạnh tranh gay gắt của hàng hóa Trung Quốc giá rẻ. Ngoài ra, người tiêu dùng còn chưa nhận thức được vai trò và ý nghĩa của việc dùng hàng Việt và ủng hộ hàng Việt.
Tại chợ Cuối (Gia Lộc) chúng tôi không tìm thấy sản phẩm may mặc của Công ty CP May II Hải Dương
Sau gần 2 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta đã nhận thức được tiềm năng to lớn của thị trường nông thôn. Tuy nhiên, để chiếm lĩnh được thị trường và thay đổi nhận thức của người tiêu dùng (NTD) với hàng Việt, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
Công ty CP May II Hải Dương là một trong những doanh nghiệp hưởng ứng tích cực Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Công ty sớm tổ chức tiếp thị các sản phẩm về các vùng nông thôn trong tỉnh, xây dựng và phát triển 36 cửa hàng, đại lý phân phối ở các huyện, thị xã. Sản phẩm cung ứng đến thị trường nông thôn được doanh nghiệp điều chỉnh giá, mẫu mã phù hợp với thị hiếu của NTD. Tuy nhiên, thời gian gần đây, doanh thu nội địa của doanh nghiệp có xu hướng giảm mạnh và đến ngày 16-5 chỉ còn chiếm 10% tổng doanh thu, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng như Công ty CP May II, Công ty CP Điện cơ 1991, Công ty Bia Hà Nội- Hải Dương, Công ty TNHH Thạch rau câu Long Hải… đã từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, mở rộng hệ thống đại lý bán buôn, bán lẻ từ miền Bắc tới miền Nam, tăng cường tiếp cận thị trường tiêu dùng tại các vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, các công ty cũng chủ động nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm để thu hút NTD nông thôn. Tuy nhiên, thời gian qua, sản phẩm của các doanh nghiệp này gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ của nhiều sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc hàng nhái với giá rẻ và chủng loại sản phẩm phong phú hơn.
Dạo qua các chợ ở nông thôn, nhiều sản phẩm của Trung Quốc với giá rẻ, bắt mắt như: quạt điện, quần áo, bánh kẹo, hàng gia dụng... vẫn thu hút được nhiều NTD. Chị Nguyễn Thị Hạnh ở thôn Bái Hạ, xã Toàn Thắng (Gia Lộc) cho biết: “Chúng tôi cũng thích dùng hàng Việt chất lượng cao nhưng do thu nhập thấp phải dùng hàng rẻ. Ví dụ áo phông có nguồn gốc từ Quảng Châu (Trung Quốc) có giá bán chỉ 70 nghìn đồng/chiếc, so với những sản phẩm của Công ty CP May II Hải Dương, PT, Việt Tiến... giá rẻ hơn một nửa”...
Nguyên nhân khiến các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt gặp khó khăn và chưa mặn mà với thị trường nông thôn là do sự cạnh tranh gay gắt của hàng Trung Quốc. Ngoài ra, do bản thân NTD chưa nhận thức được vai trò và ý nghĩa của việc dùng hàng Việt và ủng hộ hàng Việt. Khi hàng Việt về nông thôn, NTD nhầm lẫn đó chỉ là những đợt quảng bá, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp nên tích cực mua sắm và tìm hiểu về hàng Việt. Theo bà Đinh Tú Anh, Trưởng Phòng Nội địa của Công ty CP May II Hải Dương, thời gian qua, ngoài sự cạnh tranh mạnh của những sản phẩm may mặc có xuất xứ từ Trung Quốc thì để có một sản phẩm dệt may chất lượng và hấp dẫn NTD, doanh nghiệp phải nhập nguyên liệu nên giá sản phẩm khó thỏa mãn được người dân nông thôn có thu nhập thấp. Ngoài ra, trong khâu phân phối, các doanh nghiệp mới chỉ xây dựng được các cửa hàng giới thiệu sản phẩm chứ chưa kết nối được với một số đại lý bán buôn, bán lẻ khác phủ khắp các vùng nông thôn, do đó, sản phẩm khó đến với người nông dân.
Ông Trần Xuân Bái, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Do tác động của mặt trái cơ chế thị trường, không ít doanh nghiệp có chất lượng sản phẩm kém, giá lại cao, thậm chí sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm để đẩy về các vùng nông thôn khiến người dân mất niềm tin vào hàng Việt. Một số doanh nghiệp trong tỉnh mới chỉ quan tâm tới việc xuất khẩu hàng hóa chứ chưa chú trọng khai thác thị trường nông thôn còn nhiều tiềm năng. Để đưa được hàng Việt về với người dân nông thôn, các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm, cắt giảm các khoản chi phí không hợp lý để hạ giá thành, hướng tới bán sản phẩm có giá thấp hơn hoặc bằng hàng nhập khẩu. Ngoài ra, doanh nghiệp cần quan tâm tới việc xây dựng hệ thống hỗ trợ kỹ thuật và bảo hành sau bán hàng, tạo niềm tin cho NTD. Xây dựng hệ thống phân phối và tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm để NTD biết đến sản phẩm. Quan tâm xây dựng đạo đức kinh doanh, tích cực phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh việc chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi NTD...
Về lâu dài, các doanh nghiệp cần chủ động định hướng sản xuất để cung cấp những mặt hàng phù hợp với thị hiếu của người dân từng địa phương. Sở Công thương quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn, từng bước tạo dấu ấn cho hàng Việt thông qua những sản phẩm có giá trị nhưng giá cả phù hợp với thu nhập người dân nông thôn...
LAN ANH