Giàu lên từ... phế liệu

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:30, 27/05/2011

Hằng ngày, hàng trăm người vẫn cần mẫn đi khắp các hang cùng ngõ hẻm để thu mua lại những thứ mà người dân đã bỏ đi. Và nguồn phế liệu đó giúp nhiều người làm giàu, đồng thời môi trường cũng sạch hơn.



Gia đình ông Nguyễn Văn Khám ở xóm Tân Lập, xã Phương Hưng (Gia Lộc)
 thu gom hàng chục tấn rác mỗi ngày


Đối với nhiều người thì sắt vụn, túi ni-lông, vỏ bao xi - măng, chai lọ... đều là những thứ bỏ đi. Nhưng với một số người, những thứ đó lại giúp họ kiếm tiền, thậm chí có thể làm giàu.

Phải len lỏi qua những đống giấy vụn, bàn, ghế nhựa hỏng cùng cơ man nào là đồng, nhôm, sắt vụn, tôi mới vào được sân nhà ông Nguyễn Văn Khám ở xóm Tân Lập, xã Phương Hưng (Gia Lộc). Trong tiếng ầm ầm của máy nghiền nhựa, ông Khám cho biết: “Trước đây, tôi đã từng làm rất nhiều nghề để kiếm sống. Đi nhiều nơi, tôi nhận thấy một số xưởng sản xuất đồ nhựa hoặc các nhà máy cán thép có nhu cầu khá lớn về nguyên liệu, kể cả đồ phế thải. Hiện đời sống kinh tế của người dân khá hơn, lượng phế thải trong các làng quê cũng ngày một nhiều. Người dân không biết làm gì với những thứ đồ bỏ đi đó, đem vứt lung tung, thậm chí ném cả xuống kênh mương, ao hồ gây ô nhiễm môi trường. Tôi quyết định đứng ra thu mua, sau đó đem bán lại cho các xưởng sản xuất thép, đồ nhựa ở Bắc Ninh, Bắc Giang và một số tỉnh lân cận. Khi có điều kiện, tôi mở rộng điểm thu mua ở các huyện trong tỉnh và một số tỉnh xung quanh”. Trong khuôn viên nhà ông Khám, các loại giấy, bàn ghế nhựa hỏng, chai lọ nhựa và thuỷ tinh, nhôm, đồng, sắt vụn chất thành từng đống lớn. Ông Khám cho biết thêm: “Tôi thu mua tất cả các loại phế liệu, nhưng chủ yếu vẫn là sắt vụn và đồ nhựa. Ngoài điểm thu mua chính ở đây, tôi còn đặt khoảng 20 điểm ở các địa phương khác. Mỗi ngày, tôi thu mua được khoảng 9 tấn sắt và gần 1 tấn nhựa, giấy và túi ni lông các loại. Đồ sắt tôi phải đem đến tận nhà máy giao cho họ, còn đồ nhựa có người về tận nơi để lấy”. Hiện tại, có hàng trăm người chuyên đi thu mua phế liệu ở khắp các hang cùng, ngõ hẻm để bán lại cho cơ sở của ông. Ngoài ra, ông còn thuê 15 người thợ làm thường xuyên với mức lương từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Với lượng phế thải thu mua được, mỗi năm trừ chi phí ông thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng.

Cũng như ông Khám, anh Vũ Đình Quế ở xã Hùng Sơn (Thanh Miện) cũng giàu lên từ phế liệu. Từng phiêu bạt nhiều nơi để kiếm sống, anh nhận thấy nhu cầu nguyên liệu rất lớn của các xưởng tái chế trong và ngoài tỉnh. Anh quyết định đứng ra thu mua để bán cho các cơ sở này. Tại cơ sở thu mua của anh, những loại phế liệu như sắt, bao bì, túi ni lông, giấy vụn chất thành từng đống. Mỗi ngày, cơ sở của anh thu gom được khoảng 5 tạ sắt và vài chục kg nhựa, túi ni-lông các loại. Không chỉ thu mua trong tỉnh, anh còn mở nhiều cơ sở ở các tỉnh lân cận như Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định...  mỗi ngày, thu khoảng 10 tấn sắt và gần 2 tấn nhựa, giấy và túi ni lông. Sau khi thu gom, anh thuê nhân công phân loại và vận chuyển lên tận các cơ sở sản xuất. Anh Quế cho biết: "Trung bình mỗi kg phế liệu, tôi thu lãi khoảng 200 đồng, một năm trừ chi phí tôi có thể thu lãi từ 500 - 600 triệu đồng".

Phế liệu còn giúp cho hàng trăm người có việc làm, thu nhập đủ nuôi sống gia đình. Vừa cân xong mấy cân giấy và sắt vụn, chị Nguyễn Thị Lành ở Phương Hưng (Gia Lộc) cho biết: "Với chiếc xe đạp cà tàng, vài cái bao và một cái cân nhỏ, tôi lang thang hết làng trên xóm dưới. Nếu chịu khó đi, mỗi ngày cũng gom được từ 15 - 20 kg phế liệu. Hôm nào may mắn, có thể kiếm được vài trăm nghìn đồng". Anh Đặng Văn Chưởng ở xã Hồng Quang (Thanh Miện) tranh thủ những ngày nông nhàn đi thu gom phế liệu. Anh Chưởng cho biết: "Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, tôi đạp xe đi khắp nơi thu gom rồi bán lại cho các cơ sở thu mua. Mỗi ngày, tôi cũng kiếm được khoảng 50 nghìn đồng".

Hằng ngày, hàng trăm người vẫn cần mẫn đi khắp các hang cùng ngõ hẻm để thu mua lại những thứ mà người dân đã bỏ đi. Và nguồn phế liệu đó giúp nhiều người làm giàu, đồng thời môi trường cũng sạch hơn.

VỊ THỦY