Người dân không muốn tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, vì sao?
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 13:54, 27/05/2011
Một bộ phận người dân cho rằng, chỉ khi nào sức khỏe "có vấn đề", cần đi bệnh viện mới cần thẻ BHYT. Ngoài ra, chất lượng khám, chữa bệnh và thủ tục để thanh toán cho bệnh nhân có thẻ còn nhiều bất cập...
Khách hàng làm thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại Phòng "một cửa"
của Bảo hiểm Xã hội TP Hải Dương
Mặc dù kinh tế phát triển, nhưng lượng người tham gia BHYTTN ở thành phố vẫn ở mức thấp. Tình trạng người già, người có bệnh mới tham gia BHYTTN vẫn diễn ra phổ biến. Theo Bảo hiểm Xã hội TP Hải Dương, năm 2010, toàn thành phố mới chỉ có 5.871 người tham gia BHYTTN, chiếm hơn 40% số dân chưa có thẻ BHYT. Nhiều phường, xã có ít người tham gia như: Thượng Đạt (52 người), Tân Hưng (132 người), An Châu (136 người), phường Nhị Châu (59 người)... Trong khi đó, mục tiêu của thành phố là đến hết năm 2011, có từ 70-80% số người chưa có thẻ BHYT tham gia BHYTTN, phấn đấu đến năm 2014, thực hiện BHYT toàn dân.
Nguyên nhân khiến lượng người tham gia BHYTTN chưa cao trước hết là do nhận thức của người dân về chính sách BHYT chưa đầy đủ. Một bộ phận cho rằng, chỉ khi nào sức khỏe "có vấn đề", cần đi bệnh viện, thậm chí đến khi bệnh nặng, chi phí điều trị tốn kém mới cần có thẻ BHYT. Bác Phạm Văn Việt ở thôn Trại Thọ, xã Thạch Khôi (TP Hải Dương) năm nay 61 tuổi cho biết: Qua những lần phải vào viện điều trị bệnh phổi, thấy bệnh nhân có thẻ BHYT được thanh toán một phần viện phí và chi phí điều trị, tôi mới nghĩ đến việc mua BHYTTN cho bản thân để giảm bớt gánh nặng chi phí, nếu chẳng may lại phải vào viện. Lúc còn trẻ khỏe, mải làm ăn, không nghĩ đến việc mua BHYT. Nhưng nay có tuổi rồi, sức khỏe lại yếu nên phòng xa vẫn hơn". Theo anh Nguyễn Văn Quang, cán bộ phụ trách lao động, thương binh - xã hội của xã Thạch Khôi, toàn xã có gần 1 vạn dân, trong đó hơn 3.000 người đã có thẻ BHYT (bao gồm BHYT bắt buộc, BHYT học sinh, sinh viên, các đối tượng chính sách và trẻ em dưới 6 tuổi...). Năm 2010, Thạch Khôi có khoảng 180 người tham gia BHYTTN, chỉ chiếm 2,6% số dân chưa có thẻ BHYT. Từ đầu năm đến tháng 5 - 2011 có gần 120 người mua BHYTTN, song chủ yếu là "khách hàng cũ", lượng người tham gia mới rất ít. Hầu hết đối tượng tham gia BHYTTN tại địa phương đều có tuổi đời trên 35. Cũng có trường hợp là người già trên 75 tuổi, nằm viện rồi mới gọi điện về bảo con cháu đến làm thủ tục mua BHYTTN, song lại yêu cầu có thẻ ngay trong vòng 1 tuần. Khi được giải thích về thời gian làm thủ tục và chờ nhận thẻ phải ít nhất 28 ngày, thì khách hàng từ chối không mua nữa.
Một nguyên nhân nữa khiến người dân chưa thực sự mặn mà với việc mua BHYTTN là do chất lượng khám, chữa bệnh và thủ tục để thanh toán cho bệnh nhân có thẻ BHYT còn nhiều bất cập. Theo phân bổ của ngành bảo hiểm, nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu của bệnh nhân có thẻ BHYTTN hoặc thẻ BHYT dành cho đối tượng chính sách ở các địa phương là trạm y tế cơ sở. Danh mục thuốc và mức chi phí cho mỗi đơn thuốc của bệnh nhân BHYT tại tuyến xã rất hạn chế nên nếu mắc các bệnh thông thường, người bệnh thường chủ động mua thuốc tại các nhà thuốc tư để tự điều trị thay vì đến cơ sở y tế. Từ đó dẫn đến tâm lý “có thẻ BHYT cũng như không có” nên không muốn tham gia. Đó là chưa kể đến những tiêu cực và sự phân biệt đối xử giữa bệnh nhân có thẻ BHYT với bệnh nhân khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại một số bệnh viện. Bác Phạm Văn Quyết ở xã Thạch Khôi là người có công, được hưởng chính sách BHYT theo quy định của Nhà nước cho biết: Điều khiến người có thẻ BHYT chưa hài lòng nhất là thủ tục thanh toán rườm rà. Khi mắc bệnh nặng hoặc trong các trường hợp cấp cứu, chúng tôi thường đến thẳng tuyến trên để được điều trị kịp thời vì y tế cơ sở không đủ phương tiện và nhân lực (có đủ trình độ chuyên môn) để xử trí tình huống như vậy. Song như thế lại là “vượt tuyến”, muốn được bảo hiểm thanh toán viện phí, phải quay trở lại trạm y tế cơ sở xin giấy giới thiệu lên Bệnh viện Đông y, rồi từ Bệnh viện Đông y chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Tân Kim, từ Tân Kim chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh và nếu lên điều trị ở các bệnh viện trung ương lại phải thêm một lần làm thủ tục chuyển viện nữa. Việc “xin” giấy giới thiệu chuyển viện trong khi thực tế không điều trị tại các bệnh viện trong tuyến nói trên không phải là dễ. Thậm chí tại một số nơi, bệnh nhân điều trị tại bệnh viện không hiệu quả nhưng muốn chuyển viện ngay cũng không được...
Trong khi người dân chưa thực sự có nhận thức đúng đắn về BHYTTN, thì công tác phối hợp giữa ngành bảo hiểm với cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể trong tuyên truyền, vận động về vấn đề này vẫn còn nhiều bất cập. Mặc dù từ tỉnh đến huyện, thành phố, thị xã và cấp xã đều đã thành lập ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện BHYT toàn dân, song thực tế hiệu quả của công tác tuyên truyền chưa cao. Phía bảo hiểm xã hội cho rằng, BCĐ các xã, phường chưa thực sự quan tâm, tổ chức các hoạt động vận động nhân dân tích cực tham gia BHYTTN. Một số nơi, hoạt động của BCĐ chỉ mang tính hình thức, hằng năm không có sơ kết, tổng kết, chưa nắm bắt rõ tình hình người dân tham gia BHYTTN trên địa bàn, coi việc này là việc của riêng ngành bảo hiểm... Trái ngược với quan điểm trên, theo một số cán bộ phụ trách lao động, thương binh - xã hội cấp xã thì ngành bảo hiểm chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động của các BCĐ ở địa phương, nên sự phối hợp giữa các bên còn lỏng lẻo, dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao. Thêm vào đó, sự phối hợp liên ngành y tế - bảo hiểm xã hội - tài chính trong hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách BHYT chưa tốt... cũng khiến cho việc vận động nhân dân tham gia BHYTTN gặp khó khăn.
Để chính sách BHYT đi vào đời sống người dân, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành bảo hiểm với cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương và các ngành liên quan để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa cộng đồng của BHYTTN nhân dân, về quyền lợi của người tham gia BHYTTN... Mỗi địa phương cần điều tra, thống kê các đối tượng chưa có thẻ BHYT, các đối tượng thuộc diện cận nghèo... có biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp. Các ngành bảo hiểm, y tế, tài chính tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong việc giải quyết các thủ tục liên quan đến chế độ BHYT. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và nhân lực chuyên môn cao cho các tuyến y tế cơ sở, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân có thẻ BHYT trong khám và điều trị tại các cơ sở y tế.
PV