Bảo vệ - chăm sóc - giáo dục trẻ em
Bạn đọc viết - Ngày đăng : 05:57, 29/05/2011
Chiếm khoảng một phần ba số dân trong tỉnh, trẻ em luôn là niềm hạnh phúc và mối quan tâm sâu sắc của toàn xã hội cũng như mỗi gia đình. Những năm qua, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người", sự nghiệp bảo vệ - chăm sóc - giáo dục trẻ em ở tỉnh ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Chăm sóc y tế, tiêm chủng ban đầu, nuôi dưỡng trong các nhà trẻ, trường mầm non, giảng dạy trong các trường tiểu học, phổ thông kết hợp với việc nuôi dạy trong điều kiện kinh tế ngày càng được cải thiện trong các gia đình... đã tạo nên một thế hệ trẻ em ngày càng có thêm những tố chất của công dân thời kỳ đổi mới và hội nhập. Trên mặt bằng sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển đồng đều, vững chắc, tỉnh ta là địa phương có số học sinh giỏi toàn quốc cao và nhiều hoạt động Đoàn, Đội nổi bật...
Tuy nhiên, phải thấy rằng, chưa bao giờ, công tác bảo vệ - chăm sóc - giáo dục trẻ em lại đặt ra nhiều vấn đề như bây giờ; điều kiện thuận lợi có nhưng những khó khăn, phức tạp, thách thức cũng không ít. Bên cạnh những thành tựu nói trên, công tác bảo vệ - chăm sóc - giáo dục trẻ em ở tỉnh ta cũng còn nhiều vấn đề rất đáng suy nghĩ. Số trẻ em suy dinh dưỡng vẫn còn cao. Mạng dịch vụ in-tơ-nét phát triển nhanh đã đem lại nhiều lợi ích nhưng không quản lý chặt chẽ đã dẫn đến nhiều tiêu cực đối với trẻ em, ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống, chất lượng học tập, thậm chí phạm tội. Chế độ khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi ở nhiều nơi chưa thực hiện tốt. Trẻ em bị người lớn vi phạm thân thể, xúc phạm nhân cách, quyền trẻ em, các tai nạn thương tích, ngộ độc thực phẩm... vẫn xảy ra. Không ít trẻ em phải bỏ học đi lao động kiếm sống; việc chăm sóc trẻ em là nạn nhân chất độc da cam, trẻ em khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn ở một số nơi chưa chu đáo. Cơ sở vật chất, vui chơi cho trẻ em thiếu vốn v.v... Nhưng thực tế trong quá trình xây dựng và phát triển một nền kinh tế thị trường hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu đang cần được nhận thức đúng, nắm được quy luật để có kế hoạch, giải pháp theo hướng tiếp nhận những vấn đề tích cực, có lợi, ngăn chặn, hạn chế những hiện tượng tiêu cực, có hại đối với trẻ em. Nhiệm vụ đó là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội.
Bảo vệ - chăm sóc - giáo dục trẻ em là một sự nghiệp trọng đại, là một công trình, quá trình nhưng trước hết để giúp trẻ em phát triển được "Đức-Trí-Thể-Mỹ" thì cần thực hiện như lời Bác Hồ dạy: "Trẻ em như búp trên cành/Được ăn ngủ, được học hành là ngoan". Nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6) năm nay, chúng ta cần liên hệ với lời dạy đó của Người để xem đã suy nghĩ và hành động thế nào đối với trẻ em. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, chế độ, pháp lệnh, luật về giáo dục, dân số - gia đình, hôn nhân, về quyền trẻ em v.v... là thể hiện sự quý trọng, nâng niu "như búp trên cành" đối với trẻ em. Vấn đề là bây giờ, mỗi tổ chức, mỗi người phải biến những lời dạy của Bác và nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về bảo vệ - chăm sóc - giáo dục trẻ em thành những việc làm thiết thực. Nuôi dưỡng thế nào để trẻ "được ăn ngủ", thể lực phát triển, tránh được bệnh tật, nhất là những bệnh hiểm nghèo? Dạy và học thế nào để trẻ có vốn kiến thức cần thiết khi tiếp tục học lên hay bổ sung vào nguồn nhân lực xã hội? Biện pháp nào để hạn chế, ngăn chặn được tai, tệ nạn đối với trẻ cũng như những hành vi xâm phạm quyền của trẻ? Kết hợp thế nào tạo ra môi trường giáo dục giữa nhà trường - xã hội - gia đình để các cháu "học hành là ngoan"? Huy động từ nguồn lực nào để tạo ra cơ sở vật chất, vui chơi cho trẻ? Rồi có hình thức gì để thu hút trẻ em vào các "sao" nhi đồng, các Đội TNTP hoạt động cả trong năm học lẫn dịp nghỉ hè?...
Những điển hình, kinh nghiệm, nhân tố mới về các lĩnh vực trên đã và đang xuất hiện ở tỉnh ta với cấp độ khác nhau. Nắm bắt và nhân rộng thực tiễn đó, tin tưởng rằng công tác bảo vệ - chăm sóc - giáo dục trẻ em ở tỉnh ta sẽ có bước tiến bộ mới.
NGUYỄN THẾ TRƯỜNG