Giải mã 10 chữ Hán trong ngôi mộ cổ

Di tích - Ngày đăng : 06:22, 29/05/2011

Chữ viết ở những hiện vật được thể hiện trên các đồng tiền nhưng số lượng ít, chỉ hai hoặc ba bốn chữ. Trên viên gạch ở ngôi mộ thuộc thôn Vũ Thượng có 10 chữ chứa đựng nhiều thông tin quý.

Bảo tàng tỉnh hiện lưu giữ nhiều hiện vật gốm sứ từ thời tiền sử đến hiện đại. Trong số hiện vật này, có viên gạch viết 10 chữ Hán trong ngôi mộ cổ ở phía tây thôn Vũ Thượng, xã Ái Quốc, Nam Sách (nay thuộc TP Hải Dương). Đây là hiện vật tìm được bằng phương pháp khai quật khảo cổ học, được giới nghiên cứu về gốm cổ, các nhà khoa học lịch sử đánh giá cao có giá trị trên nhiều lĩnh vực. Nơi khai quật ngôi mộ cổ đó nay là khu công nghiệp.

Trên đất Hải Dương từ tháng 11-1964 đến tháng 4-1998 đã từng khai quật khảo cổ học 5 ngôi mộ cổ. Đó là các ngôi mộ ở thôn Ngọc Lặc, xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ, xã Gia Lương, huyện Gia Lộc, ngôi mộ trên sườn núi An Sinh thuộc xã An Sinh, huyện Kinh Môn, thôn Cẩm Khê, TP Hải Dương (nay nằm trong khu vực Công ty Ford) và ngôi mộ thuộc thôn Vũ Thượng.  Hồ sơ khoa học về những ngôi mộ này hiện lưu tại Bảo tàng Hải Dương. Theo giới khảo cổ học thì đây là những ngôi mộ có niên đại thuộc thời kỳ từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên. Hiện vật tìm được trong những ngôi mộ gồm chất liệu gốm (chủ yếu là gạch), kim loại (đồng, sắt), gỗ quý (thuộc nhóm tứ thiết). Chữ viết ở những hiện vật được thể hiện trên các đồng tiền nhưng số lượng ít, chỉ hai hoặc ba bốn chữ. Trên viên gạch ở ngôi mộ thuộc thôn Vũ Thượng có 10 chữ chứa đựng nhiều thông tin quý.

Khi tiến hành khai quật ngôi mộ cổ thôn Vũ Thượng (tháng 8-1996), Bảo tàng Hải Dương (lúc đó là Bảo tàng Hải Hưng) thực hiện những công việc, đo chiều dài, chiều rộng, độ cao khu đất. Trong quá trình bóc tách tầng văn hoá đều ghi chép, mô tả hiện trường, mô tả hiện vật. Sách Địa chí Hải Dương mô tả về lần khai quật ngôi mộ: Sau khi bóc tách toàn bộ phần đất, xuất lộ phần quách mộ xây cuốn, rộng trên 100m2, gồm 3 cuốn độc lập, cao 2,8 m, tựa như một hầm ngầm. Xây gạch múi bưởi, kích thước trung bình 20 x 40 x 5 cm. Các viên gạch được sản xuất bằng khuôn, có hoa văn ở mặt trên. Tổng số gạch dùng vào việc xây mộ này tới 45 m3. Viên gạch ở lớp cuối cùng cửa hầm mộ có 9 chữ, 6 chữ đã đọc được là: Vĩnh Kiến, tứ niên thất nguyệt. Có nghĩa là ngôi mộ được xây vào tháng 7 năm Vĩnh Kiến thứ 4 (đối chiếu ra dương lịch là tháng 8 năm 129), cách thời Hai Bà Trưng 90 năm. Toàn bộ ngội mộ được phục nguyên tại Bảo tàng tỉnh. Đây là ngôi mộ được khai quật hoàn chỉnh ở Hải Dương.

Đã có nhiều sách báo sử dụng thông tin in trong sách Địa chí Hải Dương về ngôi mộ cổ  Vũ Thượng và chữ nghĩa viết trên viên gạch.

Khi khảo sát văn bản học, viên gạch có 9 chữ Hán này chúng tôi thấy có một số khác biệt cần được thảo luận. Về số chữ Hán, không phải là 9 chữ mà là 10 chữ. Kích cỡ viên gạch không có số đo như đã in trong sách mà là: dài 49 cm, rộng 25 cm, dày 7,5 cm. Về phiên âm 6 chữ Hán cũng có tới 3 chữ cần thảo luận. Ngày 24-9-2009, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), Hoàng Khởi  Thiện có chuyến thăm Bảo tàng tỉnh Hải Dương. Ông trực tiếp xem hiện vật và đã đọc những chữ Hán đó. Theo ông thì 6 chữ này được phiên âm là: Vĩnh Kiến ngũ niên cổ nguyên. Các chữ có gạch đáy ở dưới được phiên âm khác bản đã phiên âm trong sách Địa chí Hải Dương. Ông Hoàng Khởi Thiện còn đọc được cả 10 chữ và ghi dấu nghi vấn (dấu ?) vào chữ thứ 10. Sự nghi vấn đó có lý do bởi chữ này chỉ còn nét chữ ở 2 phần 3 nửa trên. Theo lô gích về nghĩa từ vựng và ngữ pháp của 10 chữ Hán thì nghi vấn về chữ thứ 10 của ông Hoàng Khởi Thiện thể hiện tính nghiêm túc và tính khoa học của người nghiên cứu về cổ tự.

Chúng tôi đã đối chiếu 10 chữ do ông Hoàng Khởi Thiện phiên âm với các sách: Khang Hy tự điển (Thượng Hải Cẩm chương thư cục tàng bản), sách Khảo chính tự vựng (Quảng Ích thư cục tàng bản), sách Ngũ thể cương bút tự thiếp (5 kiểu chữ Hán) do NXB Giáo dục Quảng Tây ấn hành năm 1989. Đây là những sách được các nhà nghiên cứu về Hán tự cổ thường xuyên sử dụng.
Chữ Hán viết trên viên gạch ở ngôi mộ Vũ Thượng là những chữ viết theo kiểu chữ triện ở cạnh 7,5 cm theo chiều từ trên xuống dưới. Nét chữ giống như hình hoa văn, xung quanh còn có hoa văn trang trí. Phải có kiến thức về văn tự cổ và dành nhiều thời gian quan sát mới tiếp cận được chính xác nét chữ, hình chữ.

Xin được phiên âm 10 chữ Hán trên viên gạch ở ngôi mộ Vũ Thượng: Vĩnh Kiến ngũ niên Cổ Nguyên vương Hoàng Tác cáo(?).

Tạm dịch nghĩa: Mộ của Cổ Nguyên, tước vương do Hoàng Tác xây dựng năm Vĩnh Kiến thứ 5 (năm 130 sau Công nguyên).

Đây là cổ vật có niên đại tuyệt đối, có nhiều giá trị phục vụ công tác nghiên cứu về lịch sử. Cổ vật này hội đủ tiêu chuẩn làm “trọng tài” để xác định thời gian lịch sử đối với cổ vật không còn niên đại, giúp ích cho công tác nghiên cứu kỹ năng chế tác đồ gốm, kỹ năng xây mộ lớn không dùng vữa, về sự du nhập văn hoá của người bản địa với văn hoá của các nước lân cận, tạo thành sự đa dạng của văn hoá bản địa trên đất Hải Dương.

Trải qua gần 2000 năm, những ngôi mộ đó vẫn còn, nay được phục chế tại Bảo tàng tỉnh còn là tài liệu lịch sử giáo dục truyền thống về hội nhập văn hoá, giúp cho công việc nghiên cứu lịch sử, phát triển kinh tế, văn hoá của địa phương ngày càng đạt kết quả tốt.

ĐẶNG VĂN LỘC