Tiếp thu phê bình trên báo

Tin tức - Ngày đăng : 13:12, 21/06/2011

Phê bình đúng thì phải đăng báo nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa.Nếu phê bình sai thì đăng báo giải thích, chứ không được "phớt" lời phêbình và "trù" người phê bình.

Phê bình và tự phê bình là vũ khí sắc bén và cần thiết trong xã hội để giúp mọi tổ chức, cá nhân nhận ra ưu điểm thì phát huy, khuyết điểm thì khắc phục. Anh thấy việc đó trên báo chí hiện nay như thế nào? - Tôi hỏi một nhà báo có nhiều tác phẩm chống tiêu cực.

- Thường có hai kiểu phản ứng khi được báo chí phê bình. Một là, nghiêm chỉnh xem xét sự việc, hiện tượng báo phê bình có đúng như thực tế không, từ đó tìm ra nguyên nhân dẫn tới sai lầm khuyết điểm ấy rồi công khai tiếp thu trên báo hoặc cứ yên lặng sửa chữa. Hai là, vội đi truy tìm xem ai viết, ai cung cấp tư liệu, tìm mọi cách xí xóa rồi phản đối cơ quan báo chí, trù dập người viết hoặc cung cấp thông tin, hoặc đối phó bằng những hình thức khác.

- Nếu theo kiểu thứ hai thì khó tiến bộ lắm. Báo chí bao giờ cũng cần có tính chiến đấu và chức năng phản biện xã hội do thực tế cuộc sống đặt ra để phát triển đi lên. Theo lời dạy của Bác Hồ thì dù ai, cơ quan, địa phương nào được phê bình (được, chứ không là phải đâu) cũng cần có thái độ thật thà, khiêm tốn. Phê bình đúng thì phải đăng báo nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa. Nếu phê bình sai thì đăng báo giải thích, chứ không được "phớt" lời phê bình và "trù" người phê bình.

- Đúng là như vậy, vì nhiều nơi, sau phê bình, phong trào đã tiến bộ rõ rệt, còn cảm ơn và hoan nghênh báo nữa.

ĐỒNG CHÍ