Nhập vai "game thủ"

Xã hội - Ngày đăng : 07:15, 25/06/2011

Con phố Đội Cấn dài chưa tới 500m nhưng có hơn chục quán game với đủ các trò game trực tuyến, điện tử xèng, game bóng đá... Hoạt động của con "phố game" diễn ra suốt ngày đêm...



Các quán internet trên phố Đội Cấn luôn mở rộng cửa đón các "game thủ"


Không biết từ bao giờ, con phố nhỏ Đội Cấn ở TP Hải Dương đã trở thành “địa chỉ đỏ” của dân nghiện game. Con phố dài chưa tới 500m có hơn chục quán game với đủ các trò game trực tuyến, điện tử xèng, game bóng đá… Khách hàng của những quán game chủ yếu là thanh thiếu nhi.

Từ 8 giờ sáng, đã có khá nhiều "game thủ" nhí tới quán. Bà T. chủ quán trà đá ngay đầu phố cho biết bây giờ chưa phải là lúc đông khách. Tầm chiều trở ra, khách đông và chơi liên tục cho tới khuya mới nghỉ, có những quán mở thông đêm luôn. Trong vai khách hàng, chúng tôi vào thuê một máy. Quán lúc này có gần chục em học sinh đang mải mê chơi game trực tuyến. Ngồi cạnh tôi là một cậu học sinh học lớp 8, đang say mê chơi trò đột kích. Mắt em gắn chặt vào màn hình vi tính, cảnh bắn giết liên tục xuất hiện, một tay điều khiển bàn phím, một tay không ngừng nhấn “chuột”. Sau một lúc nhờ cậu hướng dẫn cách chơi, tôi cũng đã làm quen được với Hùng - tên em học sinh. Hùng cho biết: "Em chơi trò này được mấy tháng rồi, tiền chơi game là tiền bố mẹ cho em ăn sáng, em phải nói dối đi học nhóm ở nhà bạn thì mới được đi". Trong quán còn vài em nhỏ nữa cùng “học nhóm” với Hùng vẫn đang say mê thực hiện mục tiêu trong thế giới ảo.

5 giờ chiều chúng tôi quay lại phố Đội Cấn. Đúng như lời bà chủ quán nước nói, đây mới là giờ các "game thủ" tụ tập tới quán và tổ chức các trận cá cược. Các trò game trực tuyến đang được nhiều game thủ chơi là "kiếm thế", "võ lâm truyền kỳ", "Audision", "đột kích", "con đường tơ lụa"...  Nhân vật trong game là những anh hùng giải cứu thế giới, hành động mang tính bạo lực. Khi đã chơi game trực tuyến, đa phần các "game thủ" thường phải đầu tư rất nhiều tiền để nâng cấp nhân vật của mình trong game. Anh Q., một "game thủ" lâu năm, khách quen của quán cho biết:  Đã là dân chơi game thì phải đầu tư cho nhân vật của mình để tăng vị thế trong bảng xếp hạng game level (cấp độ) càng cao thì càng khẳng định "địa vị" của game thủ càng lớn. Bản thân anh Q. đã đầu tư gần chục triệu đồng để mua đồ, nạp thẻ cho nhân vật trong game. Không chỉ có anh Q., nhiều người là dân văn phòng, viên chức trong các cơ quan cũng là những "game thủ" nổi tiếng trong giới chơi game ở Hải Dương. Tên của các "game thủ" cũng đậm chất "đấm đá" như voanhkiem, temokado, namtuongquan84… Trong vai một game thủ, tôi cùng người bạn vào “thách đấu” với một người có nick name namtuongquan84. Sau một hồi giao chiến, chúng tôi ngỏ ý muốn mua lại nhân vật của game thủ này. Người này ra giá 25 triệu đồng kèm theo lời nhắn “nể lắm tôi mới bán cho ông đấy nhé”… Bán nhân vật trong game với giá chục triệu đồng là chuyện bình thường. Thậm chí có những đồ vật trong game có giá tới cả trăm triệu đồng. Trong trò chơi kiếm thế, đồ vật có tên “vũ khí tần lăng 2” có giá 20 triệu đồng, hay “ngựa phiên vũ” có giá gần chục triệu đồng… Dường như các “game thủ” không hề ý thức được việc bỏ ra cả chục triệu đồng để mua một món đồ ảo là điều lãng phí. Bên cạnh những trò chơi trực tuyến bạo lực, các trò chơi sex, chat sex cũng đang khá phát triển.

Phố Đội Cấn còn nổi tiếng với trò chơi đá bóng điện tử (Play Stasion). Trò chơi này mô phỏng theo các cầu thủ của các câu lạc bộ nổi tiếng thế giới, người chơi trực tiếp điều khiển các cầu thủ ảo thi đấu với nhau. Hiện ở phố này có khoảng 5-6 quán, mỗi quán có từ 6 đến 10 máy cung cấp trò chơi này. Ông N.V.T, chủ quán PS cho biết: “Để đầu tư một bộ chơi PS 3 phải bỏ ra số tiền khá lớn, trung bình 15 triệu đồng/bộ  PS. Ngoài ra, còn đầu tư bàn ghế, phòng lắp điều hòa, nên giá mỗi giờ chơi cũng cao hơn, khoảng 10 nghìn đồng/tiếng”. Trò chơi này người chơi không phải bỏ nhiều tiền để nâng cấp nhân vật, nhưng để tăng tính hấp dẫn cho trò chơi, nhiều người đã chơi cá độ. Mức thưởng tùy thuộc vào từng người chơi, có trận đấu bóng ảo tiền cá độ lên tới hàng triệu đồng. Anh Hưng, một trong những người thích chơi PS cho biết: "Trò chơi này mang tính giải trí nhưng thỉnh thoảng mình cũng cá độ để trận đấu hay hơn".

Không chỉ nổi tiếng với game online, PS, Đội Cấn còn là con phố có nhiều máy điện tử xèng - một trò chơi đỏ đen thời hiện đại. Với một máy có hình các con cua, ốc, ếch hay hình hoa quả, người chơi sẽ bỏ xèng (1.000 đồng/xèng) rồi bấm chọn bất kỳ một hình, đèn đỏ trên máy sẽ tự sáng và chạy xung quanh các ô, nếu đèn đỏ dừng ở ô nào thì ô đó sẽ thắng. Hầu hết các quán trà đá trên phố Đội Cấn đều có máy điện tử xèng. Xèng chỉ 1.000 đồng nên những người chơi thường nghĩ là nhỏ, nhưng đã có người mất tới vài trăm nghìn đồng vì trò chơi này. Anh T. cho biết: "Ngồi trà đá buồn tôi thường làm vài chục xèng chơi giải khuây, nhưng trò chơi này càng chơi lại càng ham, thua thì lại càng muốn gỡ lại, nên khi thanh toán phải trả vài trăm nghìn đồng là chuyện thường. Những người thắng cuộc có thể đổi từ xèng thành tiền nên càng thu hút những người có máu đỏ đen tham gia”. Chơi trò đỏ đen này được hơn 10 năm, nhưng số lần anh T. thắng và khoản tiền đổi lại từ xèng chỉ đếm trên đầu ngón tay, chẳng thấm vào đâu so với số tiền anh đã... mất.

Không chỉ ở phố Đội Cấn, TP Hải Dương còn rất nhiều “phố game” như phố Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Thị Duệ, Tuệ Tĩnh... Căn bệnh nghiện game cũng đang lây lan mạnh về các vùng quê. Những trò chơi bạo lực, cá độ dẫn tới những hệ lụy đáng buồn trong giới trẻ. Điển hình như vụ "game thủ" Nghiêm Viết Thành giết chết cha đẻ hoặc những vụ trộm cắp tài sản để thảo mãn thú nghiền game của một số thanh thiếu niên bị pháp luật "sờ gáy" gần đây.

Từ ngày 30-3-2011, Bộ Thông tin và Truyền thông quy định các đại lý game trên toàn quốc sẽ không được hoạt động sau 22 giờ đêm hôm trước tới 8 giờ sáng hôm sau. Tuy nhiên, trên thực tế, một số quán game online, điện tử vẫn hoạt động gần như cả đêm. Các ngành chức năng cần có những biện pháp mạnh tay hơn để ngăn chặn những game có nội dung không lành mạnh. Bước vào dịp hè, các cấp bộ đoàn trong tỉnh cần tăng cường các sân chơi bổ ích, lành mạnh để thu hút thanh thiếu nhi "trở về" với thế giới thực.

THANH HOA