Thái Bình xây dựng nông thôn mới
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:01, 27/06/2011
Thái Bình được đánh giá là đơn vị tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, 100% số xã trong tỉnh đã thực hiện xây dựng xong khâu rà soát, đánh giá hiện trạng nông thôn...
Nông dân xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư (Thái Bình) đưa máy gặt đập liên hợp vào đồng ruộng
5 mục tiêu
Ngay sau khi có Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), Thái Bình đã triển khai xây dựng NTM, trước cả khi có Quyết định số 800/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 ngày 4-6-2010. Từ năm 2008, tỉnh đã chọn 8 xã của 8 huyện để làm điểm về xây dựng NTM; xây dựng dự thảo tiêu chí xây dựng NTM gồm 30 điểm. Sau khi Chính phủ đưa ra 19 tiêu chí thì bộ tiêu chí này được điều chỉnh lại cho phù hợp.
Thái Bình quyết định trong hai năm 2009-2010 xây dựng thí điểm 8 mô hình sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng NTM ở 8 huyện, thành phố. Mặc dù điểm xuất phát của các xã không giống nhau, nhưng cuối cùng các mô hình NTM của địa phương đều phải đạt năm mục tiêu gói gọn trong 20 chữ: “Sản xuất phát triển, cuộc sống sung túc, diện mạo sáng sủa, thôn xóm văn minh và quản lý dân chủ”.
Quy hoạch - khâu quan trọng
Trong quá trình xây dựng mô hình NTM, tỉnh nhận thấy quan trọng nhất là phải làm được khâu quy hoạch, đây là bước đầu tiên để xây dựng NTM và cũng là khâu khó nhất. Tỉnh đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt Đề án quy hoạch xây dựng NTM toàn tỉnh với nội dung: quy hoạch chung xây dựng NTM; quy hoạch chi tiết xây dựng khu trung tâm xã; quy hoạch chi tiết giao thông, thủy lợi nội đồng và vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Tỉnh đã thẩm định và mời 27 đơn vị tư vấn trong và ngoài tỉnh có đủ điều kiện tham gia lập quy hoạch xây dựng NTM cho các xã. Theo ông Nguyễn Hữu Rong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, đến nay đã có 204 xã hoàn thành quy hoạch xây dựng chung xây dựng NTM, đạt 76,4%. Số xã còn lại tiếp tục hoàn thiện hồ sơ quy hoạch, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 7-2011.
Đi đôi với việc chỉ đạo về quy hoạch, từ ngân sách của tỉnh, Thái Bình đầu tư và cho mỗi xã làm điểm 5 tỷ đồng để xây dựng kênh mương, giao thông nội đồng, 1 máy gặt đập liên hợp, 1 máy làm đất, 5 máy gieo sạ; cùng với Trung ương hỗ trợ mỗi xã 50% giá mua máy nông nghiệp, hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng cho nông dân mua máy và đầu tư sản xuất nông nghiệp; lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư xây dựng trường học, trạm y tế, trụ sở xã và nhiều hạng mục khác.
Dồn điền, đổi thửa - nhiệm vụ trọng tâm
Sau 2 năm kể từ khi tỉnh Thái Bình triển khai xây dựng NTM, điều thay đổi nhận thấy rõ nhất là trên những cánh đồng ở Thái Bình là giờ đây nhiều người dân đã được sản xuất ở những thửa ruộng lớn hơn, với bờ vùng bờ thửa được quy hoạch rộng rãi, khang trang. Đó chính là kết quả của việc dồn điền, đổi thửa, một nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình xây dựng NTM ở Thái Bình hiện nay.
Từ những khó khăn bước đầu, đến nay, đã có 14 xã hoàn thành dồn điền, đổi thửa và đang trong giai đoạn chỉnh trang đồng ruộng. Trong đó dẫn đầu là huyện Vũ Thư với 5 xã hoàn thành, huyện Kiến Xương 3 xã. Từ thực tế người nông dân có 4 thậm chí đến 5 mảnh ruộng nhỏ ở nhiều xứ đồng khác nhau, hiện nay ở những xã đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, nông dân chỉ còn sở hữu bình quân từ 1,7 đến 1,8 thửa/hộ.
Xây dựng “mỗi làng một sản phẩm”
Việc quy hoạch vùng và tổ chức sản xuất theo hướng “mỗi làng một sản phẩm” được triển khai đồng bộ tại 8 xã làm điểm của tỉnh. Đến nay, cả 8 xã đã quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, bố trí cây trồng có chất lượng, hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên và lợi thế sẵn có trên địa bàn. Điển hình như xã Trọng Quan (thuộc huyện Đông Hưng) bố trí vùng sản xuất khoai tây tập trung 100 ha; xã Thanh Tân (huyện Kiến Xương) bố trí 100 ha trồng cây đậu tương, cây màu vụ đông; xã Nguyên Xá (huyện Vũ Thư) bố trí 100 ha trồng lúa chất lượng cao như Bắc Thơm, T10; xã Quỳnh Minh (huyện Quỳnh Phụ) bố trí 52 ha để trồng ớt…
Tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thu nhập của nông dân cao hơn so với những năm trước, trong đó vùng trồng ớt và trồng khoai tây có thu nhập cao hơn từ 2 đến 3 lần.
Phương Dung (TTXVN)