Bài 1: Đất cụm công nghiệp bỏ hoang

Kinh tế - Ngày đăng : 09:54, 27/06/2011

Chủ trương phát triển các cụm công nghiệp nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nhưng đến nay, do gặp không ít khó khăn, dẫn đến tình trạng nhiều cụm công nghiệp vẫn chỉ nằm trên giấy.



Cụm công nghiệp Nghĩa An (Ninh Giang) sau gần 5 năm triển khai đến nay
 phần lớn diện tích đất vẫn bỏ trống


Việc phát triển các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh ta sẽ tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao đời sống người dân, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa... Tuy nhiên, đến nay, do gặp không ít khó khăn về vốn, thu hút đầu tư, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật… nên nhiều CCN vẫn trong tình trạng “ngủ đông”.

Theo thống kê của Sở Công thương, đến nay, toàn tỉnh có 38 CCN được UBND tỉnh phê duyệt, với tổng diện tích hơn 1.700 ha, thu hút gần 300 doanh nghiệp đến đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 50 nghìn lao động mỗi năm. Diện tích bình quân mỗi CCN rộng 46, 47 ha. Nhỏ nhất là CCN Văn An I (Chí Linh) có diện tích 13,68 ha, lớn nhất là CCN Đồng Lạc (Chí Linh) 107,76 ha. Các CCN chủ yếu tập trung nhiều tại thị xã Chí Linh, các huyện Tứ Kỳ, Kinh Môn, Bình Giang... Các CCN hình thành đã hạn chế việc phát triển các dự án riêng lẻ, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước và từng bước cải thiện môi trường sống ở các khu dân cư nhờ việc di dời các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vào các CCN… Tuy nhiên, đến nay, toàn tỉnh mới có gần 60% số CCN được "lấp" từ 50% trở lên trong tổng diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp đã được quy hoạch. Trong khi các CCN như Cộng Hoà (Chí Linh), Nghĩa An (Ninh Giang), Kỳ Sơn (Tứ Kỳ)... đã có các dự án đầu tư đăng ký lấp đầy diện tích, các CCN Tứ Cường, Đoàn Tùng, Ngũ Hùng (Thanh Miện), Đồng Tâm (Ninh Giang), Hồng Lạc (Thanh Hà)...  vẫn chưa thu hút được dự án đầu tư nào. Không chỉ thu hút đầu tư chậm, một số CCN còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như các CCN Thạch Khôi - Gia Xuyên (Gia Lộc), đường 392 (Bình Giang) và An Đồng (Nam Sách).


Ba Hàng (TP Hải Dương) là CCN duy nhất có chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng
đến nay vẫn gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng


CCN Vĩnh Hòa - Đồng Tâm (Ninh Giang) được UBND tỉnh quy hoạch sớm từ năm 2005 với tổng diện tích 42,6  ha. Nhưng sau gần 6 năm triển khai, CCN này vẫn trong tình trạng “bỏ trống”. Toàn bộ diện tích đất quy hoạch dành cho CCN vẫn được nhân dân tận dụng để cấy lúa. Hiện nay, huyện Ninh Giang có 2 CCN với tổng diện tích hơn 100 ha. Do không thu hút được các nhà đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng nên đến nay CCN Vĩnh Hòa - Đồng Tâm phải chuyển quy hoạch. Thay vào đó, huyện mở thêm CCN Hưng Long - Hồng Phúc có diện tích khoảng 50 ha. Cũng “mòn mỏi” chờ doanh nghiệp vào phát triển sản xuất, quỹ đất tại CCN Hồng Lạc (Thanh Hà), Đoàn Tùng (Thanh Miện)... vẫn được người dân tranh thủ canh tác hoặc bỏ hoang. 

Những năm gần đây, quy hoạch các CCN nở rộ theo kiểu phong trào. Theo đánh giá của Sở Công thương, hiện nay, hầu hết các CCN trong tỉnh đều được thành lập trên cơ sở đề xuất của địa phương, chưa dựa trên cơ sở nhu cầu và thực tế phát triển kinh tế của từng vùng. Do đó, việc bố trí không gian và ngành nghề sản xuất trong các CCN chưa hợp lý. Tại các huyện Gia Lộc, Cẩm Giàng, TP Hải Dương... công tác giải phóng mặt bằng còn chậm trễ. Theo ông Mai Văn Hội, Phó Giám đốc Sở Công thương, việc phát triển các CCN còn nhiều khó khăn do thiếu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, các vấn đề về giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, ô nhiễm môi trường và chính sách cho người lao động tại các CCN còn chưa được chú trọng. Đặc biệt, việc liên kết giữa các CCN ở các huyện chưa được quan tâm thoả đáng. 

Hiện nay, Sở Công thương đang xây dưng Đề án quy hoạch CCN giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2020, diện tích các CCN trong tỉnh sẽ tăng thêm 500 ha, đưa tổng diện tích đất dành cho phát triển CCN lên 2.000-2.100 ha. Phấn đấu đến năm 2015, đưa tỷ lệ lấp đầy bình quân các CCN lên 75% diện tích đất quy hoạch. Thu hút thêm từ 4.000 - 4.500 tỷ đồng vốn đầu tư cho các CCN, giải quyết việc làm cho 15 - 20 nghìn lao động.


NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ