Lao động trở về từ Libya bây giờ ra sao?

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 07:12, 04/07/2011

Đến nay sau hơn 3 tháng phải trở về từ Libya trước thời hạn, hầu hết số lao động này vẫn gặp nhiều khó khăn do chưa tìm được việc làm ổn định, cộng với khoản nợ chưa trả được...



Những lúc không có việc, anh Phạm Văn Trưởng giúp vợ  việc nhà


Sau hơn 3 tháng, nhiều lao động từ Libya trở về nước trước thời hạn ở tỉnh ta vẫn gặp nhiều khó khăn do chưa tìm được việc làm ổn định, cộng với khoản nợ chưa trả được. Ai cũng mong muốn ổn định cuộc sống, công việc, trả được nợ và họ đang loay hoay để thực hiện mong ước đó.

Ngay sau khi về nước, anh Phạm Văn Trưởng ở thôn Quán Đào, xã Tân Tiến (Gia Lộc) đã theo nhóm thợ xây của làng. Công việc bập bõm, lúc có, lúc không. Anh Trưởng sang lao động Libya từ đầu năm 2010. Thời hạn theo hợp đồng ký kết là 2 năm nhưng được hơn 1 năm thì xảy ra chiến sự, anh phải về nước trước thời hạn 10 tháng. Trong thời gian hơn 1 năm làm việc tại Libya, anh cũng kịp gửi về cho vợ trả hết nợ vay ngân hàng. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết thôn Quán Đào có 19 lao động Libya trở về, đa số bây giờ vẫn chưa có công việc và thu nhập ổn định, nhiều người còn chưa có tiền trả nợ ngân hàng và người quen.

Thôn Trần Xá có lượng lao động đi Libya trở về đông nhất xã Nam Hưng (Nam Sách). Toàn xã có 41 người thì riêng thôn Trần Xá đã 38 người. Cả hai bố con anh Hoàng Văn Tiến đều mới từ Libya trở về. Anh Tiến cho biết: Với mong muốn sớm có tiền xây lại ngôi nhà mới thay cho ngôi nhà ngói chật chội và ngày càng xuống cấp nên gia đình mới quyết định đi vay 80 triệu đồng để chi phí cho chuyến đi của hai bố con. Hai bố con anh sang đó được 1 tuần và mới làm việc được một, hai ngày thì phải về nước. Với khoản nợ mấy chục triệu đồng, anh Tiến không thể ngồi yên. Anh quyết định vay vốn để tiếp tục đi lao động nước ngoài, hy vọng sẽ kiếm tiền gửi về trả nợ. Còn con trai anh là Hoàng Văn Sỹ chưa tìm được việc làm ổn định. Hiện tại, hằng ngày Sỹ đi cày bừa thuê.

Cùng đi và về một đợt với bố con anh Sỹ là anh Nguyễn Khắc Trung. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự xuất ngũ về địa phương là đi lao động nước ngoài ngay nên Trung vẫn chưa học nghề, vì vậy rất khó tìm được công việc ổn định. Hằng ngày, Trung giúp mẹ việc đồng áng. Mẹ Trung cho biết: “Gia đình vẫn muốn cho cháu đi lao động nước ngoài để gỡ vốn, chứ ở nhà không có việc làm thì biết bao giờ trả được nợ”. Anh Nguyễn Huy Quân, cán bộ chính sách xã cho biết: Hiện nay, số lao động từ Libya trở về của xã rất ít người tìm được công việc ổn định, nhiều người còn nợ mấy chục triệu đồng. Còn theo đồng chí Đặng Thị Kim Quy, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nam Sách, phòng đã tổ chức khảo sát nhu cầu của người lao động trở về từ Libya, có 10 người đề nghị hỗ trợ vốn đi nước ngoài, 30 người đề nghị hỗ trợ vốn và việc làm trong nước. Bên cạnh đó, huyện còn thường xuyên thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp đến người lao động. Làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội đề nghị giãn nợ cho người lao động.

Trong số 882 lao động đi Libya trở về có khoảng 10% có nhu cầu và vay vốn từ kênh của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Mỗi trường hợp ngân hàng cho vay với mức 30 triệu đồng/người. Sau khi các lao động về nước vì chiến sự tại Libya, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện chính sách giãn nợ cho người lao động nhưng phải đủ giấy tờ thủ tục. Hiện ngân hàng đã quyết định giãn nợ cho gần chục người, các trường hợp khác do thiếu giấy tờ thủ tục về hợp đồng thanh lý giữa người lao động với công ty nên ngân hàng không thể giải quyết được. Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã cùng với 15 doanh nghiệp tổ chức 2 ngày tư vấn giới thiệu việc làm, thu hút 612 lao động từ Libya trở về, đã có 114 người đăng ký tìm việc làm trong nước, 11 lao động đăng ký học nghề, 115 người lao động đăng ký vay vốn để sản xuất, kinh doanh và tự tạo việc làm, 50 lao động đăng ký đi lao động nước ngoài. Công ty CP Tập đoàn Khang Thông có ý định tiếp nhận 10 nghìn lao động từ Libya về vào làm việc; Công ty Sen vòi Viglacera có nhu cầu tuyển dụng hơn 2.200 lao động, Công ty TNHH Hùng Cá có nhu cầu tuyển 2.000 lao động; Công ty CP Xây lắp Dầu khí Hà Nội có nhu cầu tuyển 500 lao động... Nhiều doanh nghiệp đưa ra mức lương khá cao. Tuy nhiên, rất ít lao động từ Libya về nước của tỉnh ta vào làm việc tại các doanh nghiệp này. Vì nhiều lao động ngại đi làm xa, công việc không phù hợp, nhiều người lao động không có nghề cụ thể.

Trong số lao động trở về từ Libya trước thời hạn ở tỉnh ta, có nhiều người rơi vào cảnh nợ nần sau chuyến xuất khẩu lao động không may mắn này, trong khi đó lại chưa tìm được công việc ổn định nên cuộc sống khá khó khăn. Họ đều mong muốn các công ty xuất khẩu lao động sớm thanh toán nốt mấy tháng lương còn lại mà các công ty chưa trả; đề nghị các ngân hàng, tổ chức tín dụng cho giãn nợ và tiếp tục tạo điều kiện cho người lao động vay vốn để sản xuất, kinh doanh hoặc đi lao động ở nước ngoài.

VIỆT CƯỜNG