Nhãn mác phân bón đánh đố nông dân

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 13:38, 14/07/2011

Trên thị trường phân bón đang xuất hiện một số loại “phân bón cao cấp” như đạm urê với giá không dưới 10 ngàn đồng/kg cómẫu mã bắt mắt nhưng “chữ nghĩa” thì nhập nhèm đánh đố nông dân.

Nông dân Trần Văn Nghĩa (thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) cho hay, vừa qua nghe lời đại lý quảng cáo, ông có mua một loại “phân đạm cao cấp” (urê-new) hạt màu xanh của Cty TNHH Hải Quốc Cường (ấp 4, Trung An, Mỹ Tho, Tiền Giang) với giá 520 nghìn đồng/bao 50 kg, ngang ngửa với giá của phân đạm Phú Mỹ.

Ông Nghĩa thắc mắc trên bao bì ghi thành phần đạm (Nts)= 31%+TE, trong khi bao bì của đạm Phú Mỹ ghi N= 46,3%. Vậy chữ ts phía dưới N là gì? TE là gì? Tại sao một bên phân urê của Nhà máy Phú Mỹ có hàm lượng Nitơ tới 46%, còn một bên có 31% nghĩa là sao? 

Phân đạm cao cấp, một kiểu ghi “lộng ngôn” trên bao bì của phân urê-new

Phân bón NPK cao cấp, 1 kg giá 22 ngàn nhưng bao bì ghi toàn tiếng nước ngoài

Đem thắc mắc này hỏi TS Đỗ Trung Bình – Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học đất (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam) thì được biết, ts là chữ viết tắt của “đạm tổng số”, nghĩa là đạm tổng số theo tiêu chuẩn thông thường thì Nitơ phải đạt từ 46-48%, điều này cũng có nghĩa DN ghi Nts= 31% tức là không đúng tiêu chuẩn hàm lượng urê thông thường của quốc tế. Còn TE là chữ viết tắt tiếng Anh của từ Trace Elements, tức “vi lượng” bao gồm Silic, Cu, Zn, Fe… Và lẽ ra trên bao bì cũng phải thể hiện đó là loại vi lượng nào, nồng độ ppm hoặc tỉ lệ phần trăm bao nhiêu, chứ không thể ghi chung chung là TE theo kiểu lập lờ hiểu sao cũng được như vậy.

Cũng trên bao bì loại phân “urê-new” này còn ghi dòng quảng cáo khá kêu: “Trong phân có các dòng vi sinh hữu ích và trung vi lượng thiết yếu giúp cải tạo môi trường đất tơi xốp hơn...”. Thật ra, theo TS Bình thì trong phân urê không thể có chuyện hỗn hợp vi sinh, bởi con vi sinh vật không thể sống chung trong môi trường có chất dinh dưỡng đậm đặc như urê, hay nói cách khác, dòng quảng cáo trên bao bì của DN này là phản khoa học mà không phải nông dân nào cũng nhận biết được điều sai trái này.

Rất tiếc, cái không đúng ngay từ chuyện sử dụng từ ngữ ghi trên bao bì của “urê-new” lại được phân phối và buôn bán rộng rãi trên thị trường với giá bán không hề rẻ, gấp 4-5 lần phân bón hữu cơ.

Tương tự, một loại phân bón cao cấp khác gọi là thế hệ mới “Si-Urê” hạt vàng (tức phân urê có trộn với vi lượng Silic) của Nhà máy Phân bón Quốc tế Hoa Kỳ (KCN Sóng Thần 1, Bình Dương), còn có tên là “phân bón number one” với giá bán 560.000 đồng/bao 50kg. Mặc dù đây chỉ là loại phân hỗn hợp NP có pha thêm chất vi lượng Silic với tỉ lệ 30% đạm, 1% lân và 18% silic nhưng DN vẫn cố tình nhấn mạnh trên bao bì là “Si-urê” để đánh lừa nhãn quan của người tiêu dùng với dòng quảng cáo đập vào mắt khá đại ngôn: “Si-urê giúp tiết kiệm đạm hơn so với các loại urê đơn thông thường” (!?).

 Mặc khác, do giá bán cao, lại đang trên đường tìm kiếm thương hiệu nên DN còn khá mạnh tay trong việc chi tiền khuyến mại, trích hoa hồng cho các đại lý. Hiện nay, cứ 5 tấn phân Si-urê mà các đại lý cấp 1, 2 mua về sẽ được DN thưởng thêm 50 USD tiền tươi.

Rõ ràng, cả hai sản phẩm nói trên thực chất không phải là sản phẩm urê chuẩn bởi hàm lượng Nitơ không đúng theo tiêu chuẩn quốc tế thông thường là 46%, nhưng tại sao DN lại dám ghi trên bao bì là Urê-new, Si-urê…, thậm chí còn mạnh miệng công bố “phân đạm cao cấp” để bán cho nông dân? Vậy họ dựa vào đâu để ghi trên bao bì những “từ ngữ” nhập nhèm như thế?

Với những loại phân mới xuất hiện lần đầu trên thị trường, theo ông Bình lẽ ra doanh nghiệp nhập khẩu phải có bảng hướng dẫn tiếng Việt cho nông dân sử dụng thì mới phù hợp với yêu cầu của Việt Nam. Nếu không, người nông dân cứ nghĩ đó là loại phân tốt thì dùng bao nhiêu cũng được, càng bón nhiều thì càng tốt cho đất. Quan điểm ấy về mặt khoa học thật sai lầm.

Chưa hết, trên thị trường hiện có một loại phân cao cấp khác bán với giá “khủng” nhất Việt Nam: 1 bao phân 25 kg giá lên tới 560.000 đồng (tức bình quân 22.000 đồng/kg). Đó là loại phân bón Navatec premium nhập khẩu từ Đức do Cty TNHH Behn Meyer VN (KCN Singapore, Bình Dương) nhập khẩu phân phối. Điều đáng nói là bao bì loại phân này không hề có tiếng Việt, ngay cả đại lý cũng chỉ biết đó là loại phân bón hỗn hợp dùng rất tốt cho cây thanh long, còn bón liều lượng như thế nào thì… bó tay.

Chủ đại lý M.T (xã Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc) cho hay, trước đây khi trái thanh long giá 20.000 đồng/kg thì nông dân tranh nhau mua vì đây là loại phân mới nhập ngoại, nhưng nay giá thanh long rớt còn 2.000 – 3.000 đồng/kg nông dân quay lưng chê giá đắt. “Nông dân mình khi có tiền thì kiếm những loại phân nào đắt nhất để mua vì cho rằng phân giá càng cao thì càng tốt. Nhiều DN vin vào tâm lý lúc nông sản được giá thì tung hàng kê bán giá cao nhưng chất lượng như thế nào không ai biết được, bởi 7 tháng nay không thấy “ông nhà nước” nào xuống kiểm tra hết!”- bà chủ đại lý M.T nói.

Thế nên, nếu đọc kỹ trên bao bì, thực chất đây cũng là loại phân bón NPK cùng với 5 thành phần trung- vi lượng khác là MgO, S, Bo, Fe, Zn. Cái khác của bao bì nước ngoài là hàm lượng của từng loại phân đơn, thành phần trung - vi lượng trong bao phân đều ghi rất rõ ràng, cụ thể bao nhiêu phần trăm, không có kiểu ghi chung chung như ở ta.

Đỗ Quyên (NNVN)