Hai người đàn bà
Truyện ngắn - Ngày đăng : 10:19, 17/07/2011
Ông nhận được điện từ người đồng đội báo tin, bà Thắm đang ốm nặng, không chắc đã qua khỏi. Ông giật mình rồi đằm lại trong phút suy tư. Ông có nên cho vợ, con ông biết về quá khứ của ông với Thắm hay không, nếu biết, liệu bà ấy sẽ sao đây? Còn ông gặp lại bà Thắm, ông biết nói gì, sợ khi gặp lại ông, bệnh bà ấy lại nặng hơn vì ông đã sai lời hứa. Bây giờ ở phút lâm chung để về thế giới bên kia, chắc Thắm cần ông lắm, dù chỉ giây lát để ra đi cho thanh thản. Nghĩ vậy, ông quyết định phải đi, dù vợ ông có đồng ý hay không. Ông sẽ phải nói lời xin lỗi với Thắm dù có muộn màng đi chăng nữa, nhưng nó sẽ giúp ông thanh thản cõi lòng.
Buổi sáng thức dậy giữa bao điều suy nghĩ của ông Thế, tiếng bà Miền ngoài nhà nói vào:
- Đêm qua, tôi thấy ông không ngủ được, tôi không dám đánh tiếng, để sáng nay mới hỏi ông, có chuyện gì liên quan đến tôi hay không mà thấy ông trằn trọc trăn trở mãi vậy?
- Tôi có chuyện này muốn nói với bà, tôi đã suy nghĩ cả đêm qua rồi- Ông Thế nói.
- Ông cứ nói đi, là vợ chồng bao nhiêu năm tay ấp má kề, ăn ở với nhau như bát nước đầy, rồi ngần ấy mặt con, có điều gì mà ông phải giấu tôi. Ông cứ nói đi, giúp được gì thì tôi sẽ đỡ ông mà.
Ông Thế nhẹ nhàng:
- Hôm qua ông Toàn, đồng đội cũ của tôi gọi điện, bảo là cô Thắm, người đã từng chăm sóc tôi khi tôi bị thương ở chiến trường cũng là người yêu cũ của tôi nay đã ngoài sáu mươi vẫn cô đơn, đang nằm viện. Bệnh của bà ấy nặng lắm, chắc không qua được mùa đông giá rét này. Tôi định đi thăm bà ấy và xem bà ấy có cần giúp đỡ gì không. Bà chuẩn bị cho tôi ít tiền nhé!
Bà Miền sầm nét mặt lại:
- Bao nhiêu năm sao tôi không nghe ông nói về bà ấy, thế mà bây giờ lại xuất hiện người yêu cũ rồi bày ra cách đi thăm. Đã thế còn định đem tiền cho người ta nữa. Tôi không ngờ ông ăn ở hai lòng! …
- Tôi cứ nghĩ bà ấy có gia đình rồi nên muốn để cho tất cả được bình yên. Nhưng nay ông Toàn cho biết như vậy chẳng nhẽ tôi lại làm ngơ, còn gì tình nghĩa. Ngày tôi bị thương chính bà ấy chăm sóc tôi trong trạm quân y để tôi sống được đến nay và để có cuộc đời chồng vợ với bà. Chuyện dài, tôi sẽ kể lại cho bà nghe. Bà nghĩ xem, sống với bà ngần ấy năm nào tôi có nụ cà, hoa mướp bao giờ, đằng này, ngoài tình cũ còn có tình đồng đội cao cả nữa chứ, người ta đã già... Nghĩa tử là nghĩa tận mà bà. Tôi không thể không có mặt trước khi bà Thắm nhắm mắt.
* * *
Ngày ấy, cách đây 40 năm khi vừa tốt nghiệp Đại học Tổng hợp khoa Ngữ văn, Thế được giữ lại dạy tại trường. Nhưng tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã thôi thúc trái tim tuổi trẻ. Thế cùng nhiều bạn bè khoác ba lô lên đường "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".
Chẳng biết Thế đã đánh bao nhiêu trận. Trong một lần phục kích anh đã bị thương, đồng đội đưa vào trạm quân y đóng ở một hang núi ẩm ướt. Do bị thương nặng cộng với sốt rét rừng làm cho người thanh niên vạm vỡ chỉ còn teo tóp xương da. Người chăm sóc cho Thế là cô y tá tên Thắm quê vùng Kinh Bắc. Thắm chăm sóc anh tận tình, chu đáo. Cơn rốt rét “đổ rừng, nghiêng núi”, Thắm đã ôm chặt lấy Thế để truyền hơi nóng sang cho đến khi anh tỉnh lại. Mỗi thìa cháo bón vào miệng, mỗi lần thay băng cho chàng trai xứ Đông, người con gái quê quan họ lại lựa tìm những câu êm ái nhất chẳng khác lời ru của bà mẹ "Con cò đi đón cơn mưa…". Có lúc Thắm động viên người bệnh như động viên một đứa trẻ: "Ăn nữa đi Thế, ăn hết thìa này nữa thôi, Thắm sẽ hát cho nghe". Thế rồi Thắm hát…
Nhờ sự chăm sóc tận tình của Thắm, anh dần khỏe lại và có thể tiếp tục vào chiến trường. Trong ngày chia tay, họ đã trút hết bầu tâm sự: “Em hãy kể về quê em cho anh nghe đi, anh nghe em hát những làn điệu quan họ hay lắm, anh cứ nghĩ mình mơ nhưng hoá ra không phải”. “Quê em nghèo lắm, núi đồi khô cằn và đồng chiêm trũng, nơi ấy có làn điệu quan họ thấm vào tâm hồn mỗi người dân quê em để rồi đi đâu hay về đâu vẫn nhớ tới con sông Cầu nước chảy lơ thơ, tiếng anh ấm như hơi thở em nghe để nhớ suốt đời. Thôi chết, em vô duyên quá toàn nói chuyện đâu đâu thôi”. “Không, em cứ hát đi, ở nơi núi rừng heo hút này, tiếng hát của em làm ấm lòng người chiến sĩ. Quê anh ở Hải Hưng có điệu chèo, nhịp trống quân và vải thiều chín đỏ, nhãn lồng phố Hiến, một vùng quê đậm đà mật ngọt trái thơm. Nhất định sau này anh sẽ đưa em về làm dâu quê anh, chỉ sợ khi ấy...”. “Chỉ sợ khi ấy anh đã có người khác. Còn em thề với trăng sao…”... Thế chỉ còn biết ôm lấy người con gái nết na ấy hứa khi chiến thắng về quê hương sẽ tìm nhau… Hoà bình trở lại, Thế đã cất công đi tìm Thắm nhưng đơn vị bảo cô ấy đã xuất ngũ lâu rồi, cứ nghĩ Thắm đã lấy chồng… Cũng mừng cho cô ấy. Không ngờ, cô ấy đến nông nỗi…
***
- Chuyện của tôi và cô Thắm ngày xưa tôi đã thật lòng kể với bà. Tôi muốn chuyện quá khứ chỉ là những kỷ niệm. Bà cứ tưởng chuyện quá khứ của bà tôi không biết sao. Nhưng tôi nghĩ mình sống là phải biết hướng về tương lai, do đó tôi không muốn gợi ra đấy thôi. Bà đã muốn vậy, tôi kể về quá khứ của bà để bà nghe được không.
Nghe đến đó bà Miền bỗng giật mình. Thì ra chuyện cũ của bà, chồng bà cũng biết cả… Sống với ông ấy ngần ấy năm chưa một giây ông tỏ ra ghen tuông với quá khứ của bà.
Sáng hôm sau ông Thế đi rồi, chỉ còn mình bà Miền ở nhà với bao suy nghĩ? Chả lẽ tại mình đã ghen quá hay là mình vì tiền mà ngăn cản ông ấy đi thăm người đồng đội ngày ấy.
Ngày xưa bà cũng có người yêu. Bà với ông ấy cũng đã có với nhau rất nhiều kỷ niệm. Nhưng rồi người ấy được cử đi học ở Nga và sau khi trở về, người ấy lấy con ông to để thăng tiến, không một câu, một chữ về với bà nữa. Bà khổ đau thất vọng. Khi bà bắt đầu trở thành cô giáo, người an ủi bà là ông Thế đồng nghiệp cùng trường.
Ông ấy biết tất cả nhưng ông ấy không hề ghen với bà, giữ gìn hạnh phúc tới bây giờ. Chẳng nhẽ bây giờ bà lại ghen và ngăn cản ông ấy đến với người vừa là người yêu cũ, vừa là ân nhân. Có phải bà quá ích kỷ không?
* * *
Mấy người đồng đội tìm mãi mới thấy phòng bà Thắm nằm. Ông Thế nhẹ ngồi xuống bên giường, cầm lấy bàn tay nhỏ nhắn, chính cái bàn tay này đã bao lần thay băng, bón cháo, giặt giũ, xoa bóp vết đau cho ông, chính cánh tay này đã từng ôm ông để truyền hơi ấm sang ông với cả tình yêu đồng chí, tình yêu lứa đôi. Đôi môi tái nhợt này có lúc hồng tươi, đã từng cất lên lời ru quê hương, những câu quan họ để ông dịu đi cơn khát cháy bỏng. Mái tóc này nữa… Vậy mà giờ này…
Ông Thế khẽ cúi xuống đặt môi vào sát tai bà:
- Thắm ơi! Bà nhận ra tôi không. Tôi là Thế đây. Tôi thật có lỗi, bao nhiêu năm qua, tôi cứ nghĩ bà hạnh phúc bên gia đình, chồng con, có ngờ đâu bà lại ra thế này. Tôi có lỗi với bà nhiều lắm! Xin bà hãy tha thứ cho tôi!
Nước mắt ướt đẫm trên vành mi ông Thế.
- Ông đấy sao. Cuối cùng tôi đã được gặp ông. Sau ngày giải phóng tôi có đi tìm ông, nhưng nghe nói ông đã hy sinh, tôi như chết lặng tưởng chừng mình không sống nổi nữa. Nhưng có sự động viên của gia đình và mọi người tôi cũng dần nguôi ngoai. Tôi trở lại công tác tại bệnh viện quân y, cũng có nhiều người hỏi nhưng tôi không lấy ai vì trái tim tôi đã có hình bóng của ông.
Ông Thế khóc:
- Thế là tôi làm khổ bà rồi. Tôi trở về đi tìm bà nhưng không thấy. Tôi cứ nghĩ bà đã lấy chồng nên tôi trở về quê, xin dạy học và lấy vợ cùng quê. Đã bấy nhiêu năm, mãi đến mấy hôm trước mới có người đồng đội báo tin, bà bị ốm, người ấy là cô Vân, bạn anh Toàn đấy, bà ấy bảo trước kia làm cùng với bà, bà ấy kể cho Toàn nghe về chuyện của bà. Ông Toàn tới thăm tôi, ông ấy bảo đúng người đúng quê quán đơn vị và đúng cô y tá ấy, đã có lần tôi kể cho ông ấy nghe. Tôi không ngờ lại gặp bà vào hoàn cảnh này. Thắm à, tôi đã tìm thấy bà rồi, bà đừng giấu tôi. Bà hãy để vợ chồng tôi và các con chăm sóc cho bà kẻo cả đời này anh có tội với bà hơn .
Sau khi đi thăm bà Thắm, ông Thế trở về nhà trong lòng nặng trĩu.
* * *
- Tôi ngăn cản ông đi thăm cô Thắm là không đúng, vô cùng có lỗi. Sau khi ông đi, tôi đã suy nghĩ kỹ và thông rồi, ngày xưa ông biết chuyện của tôi mà ông còn lấy và sống với tôi đến bây giờ. Trong khi tôi lại ghen với cô Thắm, ông đừng giận tôi nữa nhé. Cô ấy đã cứu ông khỏi cái chết để nhường ông cho tôi mà tôi lại trách cô ấy, đúng là tôi chả ra sao hết .
Ông Thế cười
- Bà nói vậy tôi mừng quá? Cô ấy cũng gửi lời hỏi thăm bà và các con đấy.
- Lần sau ông đi thăm bà ấy phải đưa tôi và cả các con đi thăm cô ấy nhé, có khi chị em gặp nhau bệnh của cô ấy lại chóng khỏi thì sao. Tôi đã chuẩn bị đủ tiền ông yêu cầu bữa trước. Vợ chồng mình phải có trách nhiệm với cô ấy, chạy chữa đến cùng.
- Tôi cảm ơn bà nhiều lắm, chưa bao giờ tôi lại thấy cuộc đời tôi có ý nghĩa thế này.
* * *
Hai người đàn bà ấy ôm lấy nhau, nước mắt chan hoà. Chẳng biết ai sẽ cảm ơn ai nữa. "Chị Thắm ơi, chị mau khoẻ về với các cháu, chúng đang quây quần bên chị đây. Chúng sẽ gọi chị bằng mẹ, chị nhé".
Trên đôi môi khô tái của Thắm, một nụ cười mãn nguyện.
Truyện ngắn của PHẠM THOA-LONG NHIÊM