Suýt "ra đòn" vì chưa biết mặt nhà thơ Chế Lan Viên

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 10:29, 17/07/2011

Năm 1965, Vĩnh Linh, Quảng Bình là nơi hoả tuyến, máy bay giặc Mỹ đánh phá rất ác liệt. Quân và dân ta gọi nơi này là "túi lửa, túi bom". Dù vậy nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Võ Huy Tâm, Phạm Hổ... đều muốn đi thực tế ở đây để sáng tác.

Hơn nửa tháng đi thực tế, các văn nghệ sĩ được ăn ngủ bên mâm pháo cùng với các chiến sĩ pháo cao xạ. Khi trở ra Hà Nội, đến bến phà Ghép (Thanh Hoá) thì tắc đường, xe của văn nghệ sĩ xếp hàng chờ. Biết còn phải đợi lâu, nhà thơ Chế Lan Viên xuống xe đi dạo, đang ngắm cảnh đường xá, sông nước thì một đoàn xe tải chở đầy cam từ Vinh (Nghệ An) dừng lại đỗ sau xe của đoàn nhà văn. Xe vừa dừng thì một tốp trẻ con chừng 10-12 tuổi nhảy lên đoàn xe vừa đỗ kia lấy cam ăn. Phụ xe chộp được một cậu bé, giơ tay định quại cho cậu ta một trận. Thấy thế, Chế Lan Viên lao đến ôm chặt anh phụ xe và nói:

- "Này, đừng đánh trẻ con? Tôi sẽ đền cam".
Anh phụ xe liền buông đứa bé ra. Bực tức, anh ta quay sang chộp tay Chế Lan Viên quát:
- Ông là bố của bọn quỷ sứ phải không?
Chế Lan Viên nhẹ nhàng nói:
- Không, tôi là Chế Lan Viên
Anh phụ xe dịu giọng:

- Chế Lan Viên là nhà thơ, tôi thừa biết, ông định mạo danh lừa tôi hả?
Chế Lan Viên ớ người, chưa biết trả lời thế nào thì hai nhà văn Trần Công Tấn và Phạm Trường Hạnh vừa lúc xuống xe đi tới:

- Này anh kia, đây là nhà thơ Chế Lan Viên đi cùng đoàn với chúng tôi.  Không phải bố của lũ trẻ đâu.
Nói rồi, cả hai nhà văn kéo Chế Lan Viên ra khỏi đôi tay hộ pháp của anh phụ xe.
Lúc này anh phụ xe mới vỡ lẽ đây đúng là nhà thơ Chế Lan Viên thật. Anh ta ngắm nhìn nhà thơ từ đầu đến chân, rồi tiến đến gần ôm chầm Chế Lan Viên nhỏ nhẹ:

- Anh! Tha lỗi cho em. Tại em... chưa bao giờ gặp Chế Lan Viên, mà chỉ nghe thơ và tên Chế Lan Viên thôi... nên...

Phụ xe nói chưa dứt câu thì cũng là lúc phải chia tay, vì sự cố tắc đường đã được giải toả, nhà thơ và nhà xe cùng lên xe sang phà về Hà Nội.

Chuyến đi ấy của Chế Lan Viên đã giúp ông viết thành công ba bài bút ký nêu bật tinh thần chiến đấu ngoan cường của dân và quân nơi tuyến lửa như: "Viên kim cương đầu giới tuyến", "Những ngày nổi giận",  "Chuyện Quảng Bình" được đọc và phát ngay trong chương trình Văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau đó được in trong tập bút ký "Những ngày  nổi giận" Nhà xuất bản Văn học in 1966.

LÊ HỒNG BẢO UYÊN