Ngã rẽ hạnh phúc của hoa khôi bóng đá Việt Nam

Trong nước - Ngày đăng : 18:15, 21/07/2011

Khép lại gần 10 năm theo nghiệp quần đùi áo số với cả tá danh hiệu, hoa khôi bóng đá Việt Nam Ngọc Châm đang lấy việc truyền dạy kinh nghiệm cho đàn em làm niềm vui.
Niềm vui của Ngọc Châm khi ghi bàn cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam.
Niềm vui của Ngọc Châm khi ghi bàn cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam.

Vóc dáng mảnh mai, khuôn mặt thanh tú, ít ai nghĩ Đỗ Thị Ngọc Châm lại trở thành một cầu thủ giỏi. Khép lại gần 10 năm theo nghiệp quần đùi áo số với cả tá danh hiệu, cô gái Hà thành được xem là hoa khôi bóng đá Việt Nam đang lấy việc truyền dạy kinh nghiệm cho đàn em làm niềm vui.

Ngọc Châm thời còn cắp sách, nổi tiếng là cô nữ sinh tài sắc của trường trung học Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm – Hà Nội). Trong kỳ vọng của gia đình, Châm rồi sẽ trở thành một cô giáo giỏi. Sinh năm 1985, tròn 15 tuổi, Châm lẳng lặng đăng ký vào lớp năng khiếu bóng đá nữ Hà Nội đặt tại Sóc Sơn. Quyết định của cô nữ sinh Hà thành khiến cả gia đình buồn tê tái. Sau buồn là lo. Mảnh dẻ, da trắng thế làm sao mà đá bóng được? Rỗi nữa, cô học trò trẻ liệu có đủ kiên trì để ngày ngày đi xe buýt vài chục km đến nơi tập. Tập xong lại hối hả bắt xe về chăm việc nhà, lo đèn sách? Bỏ qua tất cả, Châm tin vào quyết định của mình bởi cái “máu” bóng đá đã ngấm vào cô từ tấm bé.

Nhỏ con nhưng tập chăm. Châm trưởng thành nhanh chóng. 17 tuổi, cô có mặt ở đội một Hà Nội – hậu duệ của đội bóng nữ Hoa Học Trò nức tiếng với những cầu thủ nổi tiếng như Thúy Nga, Bích Hạnh, Minh Nguyệt, Hiền Lương… Năm 2003, SEA Games được tổ chức tại Việt Nam. Châm khi đó mới 18 tuổi và cô bất ngờ có tên trong danh sách của HLV Mai Đức Chung. Đường danh vọng đang thênh thanh, Ngọc Châm bị chấn thương nặng. Rách 3/4 dây chằng đầu gối, Châm bị loại khỏi tuyển Việt Nam. Tập luyện bền bỉ, năm 2004, Châm thi đấu trở lại và nổi bật ở giải VĐQG năm đó. Châm khi đó được hy vọng sẽ là chủ công của tuyển Việt Nam ở SEA Games 23. Nhưng cũng như hai năm trước đó, sát giờ lên đường, Châm tái phát chấn thương và bị loại. Chán nản, Châm quyết định đoạn tuyệt với bóng đá. Đi học rồi đi làm, có thu nhập khá, nhưng cái “máu” bóng đá vẫn “hành hạ” Châm. Lúc rảnh rỗi, cô xách giày theo bạn nam đi khắp các sân bóng “phủi” Hà Nội. Nhìn Châm đá “ngon” quá, nhiều HLV tỏ ý tiếc cho cô. Nghỉ thi đấu đỉnh cao nhưng mỗi lần ra sân xem đồng đội thi đấu, Châm bảo đôi chân của cô “ngứa ngáy” lắm. Thế rồi, cô hoa khôi bóng đá nữ trở lại thi đấu đỉnh cao và tự nhủ, đây là lần cuối, nếu không có duyên, cô sẽ đoạn tuyệt với môn thể thao Vua.

Ngọc Châm với danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam.
Ngọc Châm với danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam.

Ba năm không chơi bóng đỉnh cao. Nhưng ngay khi trở lại, Ngọc Châm đã gây ấn tượng mạnh. Và chiếc áo tuyển Việt Nam đã không còn vô duyên với Châm nữa. Năm 2007 khi ông Trần Vân Phát lần đầu nắm tuyển Việt Nam, Ngọc Châm đã được trọng dụng. Chơi ở vị trí trung phong, Châm nổi bật ở SEA Games 2008, AFF Cup, Asian Cup 2008. Cũng từ đó, cô là tiền đạo số một của đội Hà Nội và đội tuyển Việt Nam. Gần chục năm lăn lộn trên các sân cỏ khắp rẻo đất chữ S, Châm đã thu thập cả tá danh hiệu. Từ Cup vô địch quốc gia tới SEA Games, AFF Cup tới những danh hiệu cá nhân “vua phá lưới”, Quả bóng Vàng Việt Nam… Cuối năm 2010, Ngọc Châm quyết định treo giầy. Cô lấy bằng Đại học TDTT, được biên chế vào Sở Văn Hóa – Thể Thao – Du lịch. Năm 2011, Ngọc Châm được HLV Giả Quảng Thác tin tưởng trong vai trò một trợ lý chuyên phụ trách các tiền đạo.

Trọng vai trò mới, Châm khá “mát tay”. Đội Hà Nội Tràng An 1 giành ngôi vô địch giải VĐQG nữ Vinatex 2011, dấu ấn của Châm là không nhỏ bởi các học trò của cô đã ghi được nhiều bàn thắng nhất giải (16 bàn). Tiền đạo Nguyễn Thị Hòa – cô trò cưng của Châm giành giải “Vua phá lưới” với bốn bàn thắng.

Gần chục năm thi đấu, nhan sắc, tuổi trẻ gửi cả cho trái bóng tròn nhưng khi treo giầy, Ngọc Châm gần như không giành dụm được đồng nào bởi thu nhập của cầu thủ nữ khá thấp. Giờ chuyển sang công tác huấn luyện, lương của Châm cũng chỉ vài triệu đồng một tháng. “Nếu nghĩ đến chuyện thu nhập, chắc chẳng ai muốn dấn thân với bóng đá nữ. Động lực lớn nhất là tình yêu, niềm đam mê với trái bóng tròn. Em tự thấy mình còn may mắn bởi có công việc yêu thích sau khi giải nghệ. Không còn xỏ giầy ra sân nhưng việc truyền dạy kinh nghiệm cho các đàn em là niềm vui, là hạnh phúc chẳng khác khi còn thi đấu”, Ngọc Châm tâm sự sau khi giành chức vô địch giải VĐQG đầu tiên với tư cách một HLV.

Cuối năm nay, hoa khôi bóng đá Việt Nam sẽ ghi bàn thắng cuộc đời. Cô sẽ lên xe hoa với một chàng trai khác ngành, khác nghề nhưng như lời Châm là “yêu và luôn ủng hộ niềm đam mê bóng đá của bạn gái”.

Khoa Nguyễn (VnE)