Quyết Thắng quy vùng chăn nuôi tập trung

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:46, 25/07/2011

Nhờ quy hoạch tốt vùng chăn nuôi tập trung, nên hiệu quả từ chăn nuôi lợn, gà ở Quyết Thắng mang lại kết quả rõ rệt, giúp nhiều gia đình thoát nghèo; khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường...


Từ đầu năm đến nay, trừ chi phí gia đình anh Nguyễn Văn Hè ở thôn Hoàng Xá (Quyết Thắng)
 thu lãi 50 triệu đồng từ mô hình chăn nuôi tổng hợp

Những năm trước đây, phong trào chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn và gia cầm ở xã Quyết Thắng (Thanh Hà) phát triển khá mạnh, đem lại nguồn thu nhập chính cho nhân dân, giúp nhiều gia đình thoát nghèo. Tuy nhiên, việc phát triển chăn nuôi trong khu dân cư làm nảy sinh nhiều vấn đề: chất thải không được xử lý, xả thẳng ra ao hồ, kênh mương làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Mỗi thôn có một khu chăn nuôi tự phát đã phá vỡ quy hoạch chung của xã... Trước tình trạng trên, xã đã quy hoạch khu chăn nuôi tập trung rộng 15 ha ở khu đồng Bùng và đồng Bẩu nằm trên địa bàn của 2 thôn Hoàng Xá và Đông Lĩnh. Đây vốn là những vùng ruộng trũng, cấy lúa bấp bênh không hiệu quả, lại nằm giữa 3 thôn, gần đường giao thông nên rất thuận tiện cho việc đi lại, trao đổi hàng hóa.

Sông Hương chảy qua địa bàn xã Quyết Thắng dài 4 km, chia làm 2 dòng chảy. Tận dụng lợi thế đó, nhiều hộ dân trong xã  đã đắp bờ, tạo dòng chảy sát khu dân cư thành ao nuôi thả cá. Xã cũng tiến hành quy vùng với diện tích 5 ha ở khu vực này (thuộc thôn Đông Lĩnh). Để nhân dân nắm bắt được chủ trương của xã, Đài truyền thanh xã liên tục tuyên truyền về việc xây dựng khu chăn nuôi tập trung để mọi người biết và đăng ký tham gia. Các hộ đăng ký tham gia chuyển đổi đều được tạo điều kiện về giấy tờ, thủ tục. UBND xã đã tổ chức cho một số hộ trong vùng chuyển đổi đi tham quan, học hỏi các mô hình tiêu biểu trong và ngoài huyện. Hằng năm, các đoàn thể trong xã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật huyện, tỉnh mở các lớp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, trang bị thêm kiến thức chăn nuôi cho nông dân. Đến nay, 2 khu chăn nuôi tập trung của xã đã thu hút trên 50 hộ, giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động ở địa phương.

Gia đình anh Mạc Văn Thức ở thôn Đông Lĩnh là hộ tham gia chuyển đổi đầu tiên của xã Quyết Thắng. Đến nay, anh Thức đã có gia trại trên 1 mẫu. Trong đó có 2 ao thả cá rộng 8 sào, 1 ao anh thả cá thịt và 1 ao để ươm cá giống. Để tận dụng mặt nước và nguồn thức ăn trong ao, anh thả nhiều loại cá khác nhau như trắm, trôi, mè, rô phi... Mỗi năm anh thu hơn chục tấn cá. Trên bờ, anh xây dựng chuồng trại để nuôi lợn, gà. Trung bình mỗi năm anh nuôi 2 lứa lợn, mỗi lứa từ 40-50 con lợn thịt, 2 lứa gà ta, mỗi lứa 150-200 con. Từ đầu năm đến nay, anh đã thu được 1 lứa cá, 1 lứa lợn và gà, lãi hơn 30 triệu đồng. Từ việc phát triển kinh tế theo mô hình gia trại, gia đình anh Thức đã vươn lên thành hộ có thu nhập khá và ổn định của xã.

Gia trại của anh Nguyễn Văn Hè ở thôn Hoàng Xá rộng hơn 1 mẫu với 3 dãy chuồng lợn, 2 dãy chuồng gà và 2 ao thả cá. Trung bình anh nuôi 60-70 con lợn, 700-800 con gà ta. Từ đầu năm đến nay, anh Hè đã xuất 1 lứa lợn, 1 lứa gà và kéo cá 1 lần. Trừ chi phí anh còn lãi hơn 50 triệu đồng. Anh Hè cho biết: "Trước đây chăn nuôi trong khu dân cư tôi gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù đã áp dụng các biện pháp vệ sinh chuồng trại sạch sẽ nhưng mùi hôi vẫn không giảm. Hàng xóm liên tục có nhiều ý kiến về vấn đề môi trường. Quỹ đất hạn hẹp nên muốn xây dựng thêm chuồng trại, mở rộng chăn nuôi cũng khó. Vừa ở, vừa chăn nuôi nên tôi cũng không thể hạn chế được người ra, vào, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất lớn. Vì vậy, khi xã có chủ trương xây dựng khu chuyển đổi cách xa khu dân cư, tôi đã đăng ký tham gia".

Hiện nay, tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư ở Quyết Thắng không còn. Người dân đã có ý thức trong việc bảo đảm vấn đề vệ sinh và an toàn dịch bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Trong 6 tháng đầu năm, các hộ chăn nuôi ở Quyết Thắng đã sản xuất trên 65 tấn cá, 300 tấn thịt gia súc, gia cầm. Chăn nuôi chiếm 25% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của xã. Tuy nhiên, trong phát triển vùng chăn nuôi tập trung Quyết Thắng còn gặp không ít những khó khăn về đường giao thông, cấp điện, nước sạch. Chi phí cho vật tư chăn nuôi cao trong khi thị trường tiêu thụ bấp bênh, dịch bệnh luôn đe dọa cũng là những khó khăn mà người chăn nuôi Quyết Thắng đang gặp phải...    

THANH HÀ