Cầu truyền hình liên tỉnh “50 năm nỗi đau còn đó”
Việc tử tế - Ngày đăng : 07:50, 26/07/2011
Chương trình nhân kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam/dioxin ở Việt Nam do UBND tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Bắc Giang tổ chức ngày 6-8. Đây là chương trình cầu truyền hình trực tiếp với hơn 10 tỉnh khác.
Công ty Cổ phần Liên kết Truyền thông SVA trao phần quà 500 triệu đồng cho Hội nạn nhân chất độc
da cam/dioxin Việt Nam (Ảnh: Nguyễn Anh/Vietnam+)
Đây là chương trình cầu truyền hình trực tiếp giữa hai địa phương, phát sóng trên kênh VTC1, Đài phát thanh truyền hình Thái Nguyên, Bắc Giang và hơn 10 đài truyền hình các địa phương.
Theo Ban tổ chức, nội dung của chương trình sẽ có cuộc giao lưu với khách mời là những nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn nhưng đã vượt khó vươn lên trong cuộc sống; cán bộ đã có nhiều đóng góp tích cực trong các hoạt động của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Được biết, đan xen giữa buổi giao lưu với những vị khách mời là các phóng sự ngắn, chương trình ca múa nhạc do các ca sĩ nổi tiếng của Việt Nam trình bày. Công ty Cổ phần Liên kết Truyền thông SVA trao phần quà 500 triệu đồng cho Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và một bức tranh đá quý.
Trong thư gửi chương trình, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: “Tôi hy vọng chương trình là tiếng chuông rung lên tiếp tục kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước và thức tỉnh những người có lương tri trên toàn thế giới đấu tranh đòi công lý, nhân lên sự cảm thông, chia sẻ với những khó khăn, nỗi đau của gần 5 triệu nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và gia đình họ.”
Chương trình nhằm khơi dậy tình cảm, trách nhiệm, lương tâm, đạo lý“Uống nước nhớ nguồn,” “Thương người như thể thương thân” của người ViệtNam đối với các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. “50 năm nỗiđau còn đó” góp phần xoa dịu nỗi đau, giúp đỡ các nạn nhân da cam vượtlên số phận, ổn định cuộc sống và tiếp tục hành trình đòi công lý.
Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nhấn mạnh: “Nỗi đau mà các nạn nhân đang phải gánh chịu không chỉ hiện hữu trên thân thể họ mà còn khắc sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến các đối tượng đặc biệt này, tuy nhiên vẫn cần sự chung tay, góp sức của cộng đồng nhằm góp phần chia sẻ, động viên, giúp đỡ họ vượt qua nỗi đau để ổn định cuộc sống. Hy vọng chương trình sẽ là cầu nối để các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm có cơ hội được tham gia ủng hộ các nạn nhân.”
"Nỗi đau da cam hằng ngày vẫn hiện hữu trên thân thể các nạn nhân và gia đình họ nhưng vết thương này sẽ được xoa dịu nếu có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng. Và chúng ta nên luôn nhớ rằng: các nạn nhân chất độc da cam không có nhiều thời gian để chờ đợi chúng ta," Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh khẳng định.
Lời nhận định được nêu ra trong chương trình họp báo đã thu được nhiều sự đồng tình: "Nạn nhân chất độc màu da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, là những bệnh nhân nặng nhất trong các bệnh nặng, là những người cần giúp đỡ nhất trong những người cần giúp."
Nguyễn Anh (Vietnam+)