Gia Lộc phát triển kinh tế gắn với giải quyết việc làm

Kinh tế - Ngày đăng : 11:30, 28/07/2011

Mặc dù là địa bàn "đất chật, người đông", nhưng nhiều năm qua, huyện Gia Lộc đã cơ bản giải quyết được vấn đề việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.



Công ty TNHH May HaiVina đóng trên địa bàn xã Gia Tân (Gia Lộc) thu hút hơn 3.000 lao động


Huyện Gia Lộc có 23 xã, thị trấn, với số dân hơn 130 nghìn người, trong đó có hơn 70 nghìn người trong độ tuổi lao động. Tổng diện tích canh tác 5.800 ha. Mặc dù là địa bàn "đất chật, người đông", nhưng nhiều năm qua, huyện Gia Lộc đã cơ bản giải quyết được vấn đề việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Gia Lộc luôn xác định giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng. Do đó huyện tập trung phát triển nông nghiệp nông thôn và tiểu, thủ, công nghiệp, mở rộng làng nghề để tạo việc làm. Ngoài các diện tích sản xuất nông nghiệp thuần túy, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động rà soát, phối hợp lập kế hoạch chuyển đổi những diện tích thu nhập thấp sang thực hiện các mô hình kinh tế cao. Yêu cầu các ngành chức năng phối hợp với các tổ chức đoàn thể xây dựng các mô hình kinh tế điểm, hỗ trợ cho vay vốn, chuyển giao kỹ thuật, giúp nông dân có kiến thức áp dụng vào sản xuất…".

Đến nay, huyện Gia Lộc đã chuyển đổi được hơn 1.230 ha diện tích đất trũng cấy lúa năng suất thấp sang đào ao thả cá, trồng cây, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó, có gần 300 trang trại (theo tiêu chí cũ) chăn nuôi lợn, gà, cá đạt hiệu quả kinh tế cao. Các xã có nhiều trang trại là Tân Tiến, Đồng Quang, Hoàng Diệu…, thu nhập bình quân mỗi trang trại hơn 100 triệu đồng/ha/năm. Kinh tế trang trại phát triển, không chỉ cho thu nhập cao mà còn giải quyết việc làm ổn định cho hàng trăm gia đình, từ 2 - 3 lao động/hộ. Điển hình như trang trại Huyền Thắng ở xã Tân Tiến, trang trại gia đình anh Hùng ở xã Toàn Thắng với mô hình nuôi lợn nái, lợn siêu nạc, gia cầm, thả cá, tạo việc làm thường xuyên cho 4 -5 lao động… Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực quy hoạch, xây dựng vùng sản xuất chuyên canh, đưa các giống, cây, con vào sản xuất theo hướng hàng hóa. Gia Lộc hiện có hơn 50 vùng giống, cây sản xuất tập trung, mỗi vùng trung bình từ 3 - 5 ha, rộng nhất khoảng 20 ha, tập trung nhiều ở các xã Đoàn Thượng, Gia Xuyên, Nhật Tân, Hoàng Diệu, Thống Nhất, Liên Hồng… Hằng năm, các cánh đồng thâm canh đều đạt doanh thu hơn 200 triệu đồng/ha. Phát huy thế mạnh sản xuất vụ đông, các xã, thị trấn đều tích cực mở rộng quy mô, đổi mới phương thức thâm canh, thay đổi thường xuyên các loại cây trồng nhằm nâng cao số lần quay vòng sử dụng đất từ 3 - 5 vụ. Với kinh nghiệm trồng màu sẵn có, hơn 3.900 ha diện tích cây vụ đông của huyện thường xuyên cho thu nhập 250 triệu đồng/ha trở lên, nhất là 6 vùng quy hoạch thâm canh tập trung tại các xã Lê Lợi, Phạm Trấn, Quang Minh, Thống Kênh, Gia Xuyên, Toàn Thắng, mỗi vùng có 5 - 20 ha, giá trị thu nhập có thể đạt hơn 270 triệu đồng/ha/năm. Từ sản xuất nông nghiệp nói chung, thâm canh chuyên vùng nói riêng, mỗi năm huyện đã tạo việc làm ổn định tại chỗ cho hàng chục nghìn lao động, nhất là đối với lao động lớn tuổi, không đủ các tiêu chuẩn để tham gia vào làm doanh nghiệp mà vẫn có thu nhập cao, đồng thời cũng thu hút không ít lao động trẻ tăng gia sản xuất, làm giàu tại quê hương.

Để phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp, huyện sử dụng nhiều biện pháp linh hoạt về giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính, chính sách thuế, điện, nước… hỗ trợ doanh nghiệp rút ngắn thời gian đi lại, tập trung xây dựng cơ sở vật chất để tiến hành sản xuất, kinh doanh. Với 63 doanh nghiệp hiện có trên địa bàn, huyện chỉ đạo ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng, đẩy mạnh phối hợp mở các lớp dạy nghề, truyền nghề, phối hợp phổ biến chính sách ưu tiên về vốn, học tiếng, học nghề… Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tuyển dụng lao động. Mặt khác, huyện tích cực chỉ đạo phát triển làng nghề, khuyến khích các thành phần kinh tế mở rộng sản xuất, có cơ chế tạo điều kiện về mặt bằng, vốn, hướng dẫn tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, 9 làng nghề tại các xã: Tân Tiến, Hoàng Diệu, Gia Hòa, Thống Kênh, Phương Hưng đã tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động mỗi năm. Huyện đã tạo mặt bằng cho hàng trăm gia đình ở dọc theo tuyến đường 392 từ thị trấn Gia Lộc - Cầu Cất đi Thanh Miện để tiêu thụ sản phẩm nông sản rau, củ, quả, dưa hấu, táo. Cũng từ đây, đã xuất hiện hàng trăm lao động chuyên đi thu gom hàng từ nhiều nơi về bán, tạo việc làm thu nhập ổn định. Với các giải pháp đó, nhiều năm qua, Gia Lộc luôn tạo việc làm ổn định cho các lao động tại chỗ và tạo việc làm mới cho hơn 3.000 lao động/năm, vượt 20 - 30% so với chỉ tiêu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của huyện (đạt hơn 10,5%/năm). Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người 13 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí cũ còn  6% (thấp hơn mặt bằng chung của tỉnh).  

Đồng chí Nguyễn Đức Thăm, Bí thư Huyện ủy Gia Lộc khẳng định: Tới đây, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo, tìm giải pháp mới phục vụ cho nông nghiệp phát triển bền vững. Đồng thời tích cực giải phóng mặt bằng để thực hiện một số dự án phục vụ xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị nhà ở, khu đô thị sinh thái và nhiều công trình phúc lợi… Đây cũng là cơ hội cho lao động địa phương có thêm việc làm để tăng thu nhập.

THU LAI