Trẻ em chịu nhiều áp lực học hành
Bạn đọc viết - Ngày đăng : 13:52, 29/07/2011
Trẻ em là lứa tuổi hồn nhiên, vô tư và trong sáng, luôn cần đến sự chăm sóc, quan tâm, dạy bảo của người lớn, đặc biệt là những người gần gũi như ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo… Tuy nhiên, hiện nay nhiều bậc phụ huynh áp đặt cho con cái mình những suy nghĩ, quan niệm của người lớn khiến cho nhiều em thường xuyên phải chịu áp lực, căng thẳng trong cuộc sống. Một trong số những sức ép đó là áp lực từ chuyện học hành.
Trước hết là áp lực về thời gian học tập. Có lẽ chưa bao giờ trẻ em phải dành nhiều thời gian phục vụ cho việc học tập như hiện nay. Nhìn vào thời khoá biểu của một học sinh lớp 9, chúng ta mới thấy các cháu phải học nhiều như thế nào! Buổi sáng học chính khoá 5 tiết, buổi chiều học thêm 4 tiết, buổi tối từ 7 giờ đến khoảng 10 - 11 giờ là thời gian tự học, các cháu phải giải quyết chừng 30 bài tập thuộc nhiều môn học và ôn bài cũ, xem trước bài học của ngày mai. Như vậy, thời gian dành cho học tập của một đứa trẻ đã chiếm phần lớn thời gian của một ngày, đêm. Các cháu không còn lúc nào để vui chơi, giải trí, thư giãn đầu óc. Ở bậc tiểu học, mỗi ngày học sinh đã phải học 2 buổi theo quy định, lên bậc THCS và THPT, các cháu còn phải dành thời gian học tập nhiều hơn nữa bởi kiến thức các môn học sâu và rộng hơn nhiều… Sau một năm học miệt mài, căng thẳng như thế, đáng lẽ ra các em phải được nghỉ ngơi, vui chơi trong hai tháng hè. Tuy nhiên, không chỉ ở thành phố, thị trấn mà ngay ở các vùng nông thôn, nhiều trẻ em vẫn phải đi học thêm. Mặc dù cường độ học tập của các cháu thời gian này có vẻ nhẹ nhàng hơn nhưng do vừa phải trải qua một năm học dài căng thẳng, lại phải học trong thời tiết nóng bức của mùa hè nên tâm lý của các cháu trong các buổi học hè này vẫn không được thoải mái, chủ động, dẫn tới chất lượng không cao. Nhiều bậc phụ huynh cũng hiểu được điều ấy song do lo lắng con em mình sẽ thua kém bạn bè nên vẫn cho con đi học.
Cùng với áp lực về thời gian, các cháu còn chịu áp lực bởi kiến thức nặng nề trong chương trình giáo dục. Không chỉ học sinh, các thầy, cô giáo và các bậc phụ huynh mà ngay cả những nhà quản lý, những chuyên gia giáo dục có uy tín đã có ý kiến về chương trình sách giáo khoa hiện nay quá nặng, kiến thức dàn trải. Nhìn vào bàn học tập và chiếc cặp sách của học sinh mà người lớn cảm thấy thương và lo cho các cháu. Áp lực về kiến thức còn nặng nề hơn khi nhiều trẻ em không được học theo đúng sở thích, năng lực của mình mà do sự định hướng, áp đặt của cha mẹ. Không ít trường hợp con em thích học môn xã hội như ngữ văn, lịch sử… nhưng cha mẹ lại yêu cầu các cháu phải tập trung học các môn toán, lý, hoá để sau này thi vào những ngành nghề dễ kiếm việc làm…
Tâm lý của phụ huynh và giáo viên bao giờ cũng muốn con em mình học giỏi, đạt kết quả cao trong học tập và tu dưỡng. Chính vì vậy, nhiều bậc phụ huynh và thầy, cô giáo đã đặt ra mục tiêu cho các cháu phải phấn đấu, như phải vào được lớp chọn, lớp chuyên, trong các kỳ thi phải đạt từ tám điểm trở lên, học lực phải đứng thứ nhất, nhì trong lớp hay ít ra phải là học sinh giỏi, học sinh tiên tiến… Suy nghĩ này sẽ rất đáng trân trọng và có tác dụng tích cực giúp các cháu tiến bộ hơn khi mà mục tiêu của cha mẹ hay thầy, cô giáo đề ra phù hợp với khả năng của trẻ. Nhưng ngược lại, nó sẽ trở thành áp lực rất lớn khi mục tiêu đó quá với năng lực vốn có của các cháu. Thực tế đã có nhiều học sinh vì quá lo lắng về thành tích mà học tập sút kém, không đạt được kết quả mong muốn. Và khi không đạt được mục tiêu đề ra, có cháu còn bị cha mẹ, thầy cô trách mắng. Từ đó, nhiều cháu sinh ra thất vọng, chán nản và thậm chí có những suy nghĩ tiêu cực khác…
TRẦN VĂN LỢI (Nam Định)