Sàn giao dịch việc làm về huyện: Thêm cơ hội cho người lao động

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 07:38, 02/08/2011

Hiệu quả của các phiên giao dịch lưu động được triển khai xuống huyện có thể khẳng định sự cần thiết và tính khả thi của việc tổ chức sàn giao dịch việc làm tại các địa phương...


Lao động tham gia tra cứu thông tin về các nhà tuyển dụng tại sàn giao dịch việc làm huyện Nam Sách


Mấy năm qua, nhiều lao động ở TP Hải Dương tham gia Sàn Giao dịch việc làm của Trung tâm Giới thiệu việc làm (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) và đã tìm được việc làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên "sàn" mới chỉ mở cố định tại trung tâm vào các ngày 15 và 28 hằng tháng nên nhiều lao động ở các huyện, thị xã xa thành phố không biết hoặc không được tiếp cận với "sàn".

Nhận thấy điều đó, từ đầu năm 2010, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh đã lên kế hoạch đưa sàn giao dịch việc làm "về"  các huyện, cơ quan, trường học ở xa thành phố. Chị Lê Thị Phương Hoa, Giám đốc Trung tâm cho biết: "Việc đưa "sàn" về các địa phương gặp không ít khó khăn, nhưng chúng tôi xác định có khó cũng phải làm". Trung tâm đã cử cán bộ về các huyện, thị xã tìm hiểu, khảo sát, nắm bắt tình hình cung, cầu lao động và địa bàn để lên phương án phù hợp. Sau khi khảo sát một loạt các địa phương, trung tâm quyết định chọn huyện Tứ Kỳ để thí điểm mở sàn giao dịch việc làm. Trước đó nhiều ngày, cán bộ Phòng Giới thiệu việc làm của trung tâm đã xuống làm việc với lãnh đạo, các phòng, ban của huyện Tứ Kỳ. Địa điểm mở sàn được quyết định đặt ở trụ sở Ban Chỉ huy quân sự huyện. Trung tâm đã treo băng rôn, tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, truyền thanh của huyện và các xã, thị trấn, tổ chức tuyên truyền bằng xe lưu động khắp các địa phương để người lao động trong huyện biết. Một bộ phận khác của trung tâm có nhiệm vụ liên hệ với các doanh nghiệp để mời tham gia phiên giao dịch. Thời gian mở sàn được ấn định vào ngày 25-5-2010. Trước ngày diễn ra phiên giao dịch, Phòng Thông tin thị trường lao động của trung tâm đã "kéo quân" xuống Tứ Kỳ để lắp đặt thiết bị máy móc, liên hệ lắp đường truyền in-tơ-nét. Anh Nguyễn Bá Thành, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: "Để làm được 1 phiên giao dịch việc làm lưu động rất vất vả. Nếu không có sự ủng hộ, giúp đỡ của huyện, chúng tôi sẽ khó thực hiện được”. Kết quả, tại phiên giao dịch đã có 27 đơn vị doanh nghiệp trực tiếp tham gia tuyển dụng và hơn 300 lao động, học sinh THPT đến tham gia, trong đó có 107 lao động tham gia phỏng vấn trực tiếp, 27 lao động trúng tuyển tại phiên giao dịch, 48 lao động được hẹn phỏng vấn lần 2 tại doanh nghiệp. Kết quả của phiên giao dịch lưu động đầu tiên tuy không cao so với việc tổ chức sàn giao dịch cố định ở trung tâm nhưng qua đó có thể khẳng định sự cần thiết và tính khả thi của việc tổ chức sàn giao dịch việc làm tại các địa phương. Anh Thành cho biết thêm: Điều quan trọng là chúng tôi đã tuyên truyền giúp người lao động ở các địa phương biết và làm quen với phương thức tìm việc mới này".


Tư vấn trực tiếp cho người lao động tham gia sàn giao dịch việc làm ở huyện Nam Sách


Tiếp đó, trung tâm còn tổ chức thêm 6 phiên lưu động tại các huyện Kim Thành, Gia Lộc, Cẩm Giàng, Nam Sách, Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Hải Dương và tại Tỉnh đoàn. Qua 7 phiên giao dịch việc làm lưu động đã thu hút hơn 178 lượt doanh nghiệp và 3.820 lượt lao động tham gia. Trong đó, có 1.760 lượt lao động tham gia phỏng vấn trực tiếp, 598 lao động trúng tuyển tại phiên và 614 lao động được hẹn phỏng vấn lần 2. Điển hình như phiên tại huyện Cẩm Giàng thu hút 1000 lượt lao động tham gia, trong đó có 420 lao động tham gia phỏng vấn, 185 lao động trúng tuyển, phiên tại Nam Sách có 800 lượt người tham gia, trong đó có 284 lao động phỏng vấn và có 105 lao động trúng tuyển, phiên tại Tỉnh đoàn thu hút 1400 lao động, trong đó có 370 lao động tham gia phỏng vấn và đã có 138 lao động trúng tuyển... Nhiều nhà tuyển dụng của các doanh nghiệp khi được hỏi đều đánh giá cao nỗ lực trong việc đưa sàn giao dịch về các địa phương của Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh. Họ coi đây là dịp để tìm hiểu cặn kẽ hơn về người lao động, trên cơ sở đó để tuyển dụng lao động đạt chất lượng cao nhất. Còn người lao động ở các huyện cũng phấn khởi không kém bởi việc trung tâm tổ chức sàn giao dịch việc làm lưu động về các địa phương giúp họ được tiếp cận với loại hình tìm việc mới và có nhiều cơ hội lựa chọn công việc ở các doanh nghiệp với thu nhập cao hơn.

Theo Giám đốc Trung tâm Lê Thị Phương Hoa, từ nay đến cuối năm, trung tâm sẽ tổ chức 2 phiên lưu động tại các huyện Thanh Hà, Ninh Giang và từng bước tổ chức thường xuyên sàn giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương để có thêm nhiều lao động được tiếp cận với sàn giao dịch việc làm và tìm được việc làm phù hợp.

VIỆT CƯỜNG