Nâng cao đời sống cho người nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin ở Thanh Hà
Việc tử tế - Ngày đăng : 09:08, 05/08/2011
Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Thanh Hà đã góp phần làm vơi bớt nỗi đau, giúp các nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học có thêm nghị lực khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Ngôi nhà mới xây của ông Đỗ Hữu Thái ở xã Cẩm Chế (Thanh Hà), trong đó
có sự hỗ trợ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin huyện
Đến thăm gia đình ông Đỗ Hữu Thái ở thôn Nhân Lư, xã Cẩm Chế, ai cũng ái ngại cho hoàn cảnh của vợ chồng ông. Ông Thái đi bộ đội từ năm 1966, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin. Ông Thái có 3 người con, trong đó người con gái được sinh trước khi ông đi bộ đội phát triển bình thường, người con trai thứ hai (sinh năm 1975) bị nhiễm chất độc từ bố. Khi sinh ra, khuôn mặt, trí não của anh không bình thường, chân, tay bị teo nhỏ. Năm 1976, ông tiếp tục sinh thêm một người con nữa. May mắn hơn anh trai mình, anh Thủy chỉ bị khoèo chân, tay. Hiện nay, cuộc sống của gia đình ông Thái rất khó khăn. Tất cả mọi chi tiêu trong gia đình đều trông chờ vào đồng lương ít ỏi làm công nhân may của vợ anh Thủy. Bản thân anh Thủy là chủ gia đình, nhưng do đi lại khó khăn nên chỉ quanh quẩn ở nhà, không làm được việc gì. Vợ chồng ông Thái tuy đã già nhưng vẫn phải làm thêm việc đồng áng và chăm sóc con cháu từ tắm rửa, vệ sinh đến việc giúp ăn uống. Trước đây, cả gia đình ông Thái sống trong một ngôi nhà nhỏ, xập xệ, sinh hoạt bất tiện. Khi trời mưa, ông phải căng bạt để tránh bị ướt, dột. Được sự giúp đỡ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin huyện và xã, ông được hỗ trợ 4 triệu đồng và nhiều ngày công xây dựng nhà. Đến nay, cả gia đình ông Thái đã được sống trong ngôi nhà khang trang, sạch sẽ, không phải lo sợ mỗi khi mưa bão.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin huyện Thanh Hà hiện có 336 hội viên, trong đó có 164 người bị nhiễm trực tiếp, nhiều gia đình có đến 3-4 người bị nhiễm. Ngoài việc giúp đỡ hội viên nghèo xây nhà, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin huyện còn hỗ trợ về vốn, vật tư giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên ông Nguyễn Văn Viễn ở xã Tiền Tiến không có tiền đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu, con giống. Ông được Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin hỗ trợ 4 triệu đồng tiền giống, vốn và được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do hội tổ chức. Từ nguồn vốn này, kết hợp với kiến thức học hỏi được, ông Viễn đã mua gà về nuôi, mua phân bón, thuốc trừ sâu thâm canh cây trồng. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng ông đã có thêm thu nhập, cuộc sống gia đình được cải thiện đáng kể. Gia đình ông Nguyễn Đức Mỹ ở xã Phượng Hoàng bị ốm, phải đi viện điều trị dài ngày, Huyện hội cũng trích 3 triệu đồng hỗ trợ gia đình chăm sóc bệnh nhân.
Ông Phạm Hữu Trịnh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/ đi-ô-xin huyện Thanh Hà cho biết, đời sống của các hội viên hiện nay còn nhiều khó khăn. Sau khi trở về địa phương, họ đều mang trong mình bệnh tật. Phần lớn con cái họ đều phát triển không bình thường. Họ không còn sức khỏe để làm việc, hoặc có sức khỏe nhưng phải chăm sóc con cái nên làm việc không hiệu quả. Trong khi đó, chi phí chữa bệnh khá tốn kém. Mặc dù Nhà nước đã quan tâm, hỗ trợ, có chế độ chính sách với nạn nhân nhiễm chất độc hóa học, nhưng so với giá cả đắt đỏ như hiện nay, việc chi tiêu để trang trải cho cuộc sống của họ rất eo hẹp. Hầu hết các hội viên đều không xây được nhà, không có vốn liếng làm ăn. Những năm qua, hội đã trích kinh phí tu sửa nhà cho 4 hội viên, cấp gần 150 triệu đồng giúp hội viên phát triển sản xuất. Hằng năm, hội phối hợp với các tổ chức, đơn vị trong và ngoài huyện tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho nhiều hội viên. Hiện nay, quỹ của Huyện hội có hơn 60 triệu đồng, các xã, thị trấn khoảng 130 triệu đồng. Nhân kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam Việt Nam, huyện Thanh Hà có kế hoạch hỗ trợ giống, vốn cho gia đình ông Lê Văn Chính ở xã Thanh Khê, ông Mạc Đình Thi ở xã Quyết Thắng và ông Bùi Văn Thẩm ở xã Phượng Hoàng, với tổng trị giá 12 triệu đồng. Nguồn vốn hỗ trợ hội viên đều dựa vào sự đóng góp của nhân dân, cán bộ, công nhân viên chức và các nhà hảo tâm. Tuy nhiên, việc phát động quyên góp còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào kế hoạch của cấp trên.
Với những việc làm thiết thực, cụ thể, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Thanh Hà đã góp phần làm vơi bớt nỗi đau, giúp các nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học có thêm nghị lực khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Thời gian tới, Huyện hội sẽ tiếp tục vận động nhân dân đóng góp xây dựng quỹ. Từ nguồn quỹ này, sẽ tiếp tục có nhiều gia đình hội viên được hỗ trợ, góp phần nâng cao đời sống.
NGỌC THỦY