Khởi sắc đầu tư nước ngoài

Kinh tế - Ngày đăng : 07:25, 27/08/2011

Từ đầu năm đến nay, tỉnh ta thu hút được 2,5 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm, với số dự án tăng gần 70% so với cùng kỳ năm trước.


Nhà máy sản xuất máy điện thoại kéo dài và bộ đàm xuất khẩu của Công ty Uniden Việt Nam
(khu công nghiệp Tân trường, huyện Cẩm Giàng) thu hút gần 8.000 lao động có việc làm ổn định


Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, song nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào tỉnh ta từ đầu năm đến nay lại có nhiều khởi sắc, tạo bước đột phá về quy mô vốn.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh ta đã có thêm 2,5 tỷ USD FDI (cùng kỳ năm 2010 chỉ hơn 93 triệu USD), với số dự án tăng gần 70% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 15 dự án cấp mới; điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 7 dự án là 51,3 triệu USD. Giải ngân FDI đạt hơn 160 triệu USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng vốn thực hiện đạt khoảng 1,8 tỷ USD, chiếm hơn 33% tổng số vốn đăng ký.

Riêng trong quý II, toàn tỉnh cấp mới được 7 dự án, với số vốn đăng ký 2,455 tỷ USD. Trong các dự án cấp mới đáng chú ý có Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương. Các dự án khác bao gồm sản xuất hàng dệt, may mặc, linh kiện điện thoại, kinh doanh khách sạn điển hình là 2 dự án đầu tư tại cụm công nghiệp Nguyên Giáp (Tứ Kỳ), gồm nhà máy sản xuất vải dệt kim do Công ty TNHH Dệt Pacific Việt Nam đầu tư 120 triệu USD, công suất 120 triệu mét vải/năm và Nhà máy May Tinh Lợi 2 do Công ty TNHH May Tinh Lợi đầu tư 60 triệu USD, với quy mô 74 triệu sản phẩm/năm.

Ngày 30-6-2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương cho Tập đoàn Jaks Resources Berhad (Ma-lai-xi-a), có công suất 1.200 MW, gồm 2 tổ máy, sản lượng điện 7,8 tỷ kWh/năm, với tổng vốn đầu tư 2,258 tỷ USD, xây dựng tại các xã Phúc Thành, Quang Trung và Lê Ninh (Kinh Môn), theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao). Nhà máy có quy trình xử lý môi trường hiện đại. Đây là dự án FDI có quy mô lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn tỉnh ta và xếp vào loại lớn trên toàn quốc. Dự kiến, nhà máy sẽ hòa vào lưới điện quốc gia từ năm 2016. Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương sử dụng nguồn than khai thác từ mỏ than Cổ Kênh (Chí Linh).

Với 167 dự án đã hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh thu của các doanh nghiệp FDI trong 7 tháng đầu năm nay đạt hơn 1,2 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt khoảng 750 triệu USD, tăng 30%, nộp ngân sách nhà nước hơn 65 triệu USD, tăng 9,7%. Nhiều doanh nghiệp đã hoạt động ổn định, đạt doanh thu cao, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước như các Công ty TNHH Ford Việt Nam, Xi măng Phúc Sơn, Sumidenso Việt Nam, Dây và cáp điện Sumiden Việt Nam, May Tinh Lợi, Công nghiệp Brother Việt Nam...

Theo ông Nguyễn Xuân Đoan, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, đạt được kết quả trên là do sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, của các cấp, ngành liên quan và của nhân dân trong giải phóng mặt bằng; tăng cường tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong các đợt tiết giảm điện năng, tự in hóa đơn thuế, trong hoạt động tín dụng... Thời gian qua, tỉnh ta đã có nhiều chính sách khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, chú trọng công tác quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, xúc tiến đầu tư...

Để tỉnh ta thực sự trở thành vùng động lực phát triển kinh tế, công nghiệp, dịch vụ tập trung trên trục kinh tế Hà Nội - Hải Phòng và Quảng Ninh, các cấp, ngành của tỉnh cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, thúc đẩy tiến độ giải ngân và đưa dự án vào hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; tăng cường quản lý và đôn đốc tiến độ triển khai quy hoạch, xây dựng hạ tầng và bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp. Các ngành và chính quyền địa phương liên quan tăng cường phối hợp giải quyết những vướng mắc trong  giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư nhanh chóng triển khai dự án. Hoạt động xúc tiến đầu tư mang tính chuyên đề, chuyên ngành có trọng điểm, chú ý thu hút các dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên; trực tiếp với các nhà đầu tư lớn; kêu gọi dự  án đầu tư với từng lĩnh vực, địa bàn cụ thể, nhất là các dự án xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp. Rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật hiện hành, nhất là các quy định về thủ tục hành chính, để kiến nghị sửa đổi theo hướng đơn giản và minh bạch hoá các thủ tục đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, bãi bỏ các quy định không cần thiết. Quan tâm hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại...  Tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiên quyết thu hồi đất đối với dự án thuê đất không theo tiến độ quy định.

THÀNH LONG

Đến giữa tháng 8-2011, tỉnh ta có gần 220 dự án FDI đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký hơn 5 tỷ USD.
Các doanh nghiệp Nhật Bản đang đứng đầu về số lượng dự án với 33 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư 730 triệu USD, chiếm hơn 27% tổng vốn. Tiếp đến là các doanh nghiệp Đài Loan với vốn đăng ký 650 triệu USD, chiếm 24,8% tổng vốn. Các nhà đầu tư khác có số vốn đăng ký trên 100 triệu USD là Samoa (Xa-mon), Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Hồng Kông.
Công nghiệp - xây dựng là lĩnh vực thu hút nhiều nguồn vốn FDI, với 177 dự án, vốn đăng ký gần 2,3 tỷ USD, chiếm 88,5% tổng vốn.
Các dự án FDI hiện tạo việc làm ổn định cho 92 nghìn lao động trực tiếp và hàng nghìn lao động gián tiếp khác. Năm 2010, các doanh nghiệp FDI nộp ngân sách nhà nước 97 triệu USD, chiếm 42,4% tổng thu ngân sách trong toàn tỉnh và dự kiến năm nay sẽ tăng hơn 10%.

(Phân tích trên chưa tính dự án lớn nhất là Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương do doanh nghiệp Malaysia đầu tư)