Khoai tây vụ đông
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:23, 11/09/2011
Khoai tây là một cây trồng có ưu thế về mùa vụ, ít cạnh tranh với các cây trồng khác trong vụ đông. Do khoai tây có thời gian sinh trưởng ngắn (90 ngày) nên không ảnh hưởng tới cơ cấu cây trồng vụ sau.
Nếu thực hiện tốt các khâu từ khâu giống đến khâu kỹ thuật, một chu kỳ khoai tây cho chúng ta một lượng sản phẩm từ 15–25 tấn/ha.
Trước tiên, vườn trồng phải dọn sạch cỏ, cày phay tơi xốp, sâu tối thiểu 25cm, làm luống đôi 120cm cả rãnh, cao 20cm, trong mùa khô làm luống cao 10cm. Xẻ rạch trồng hàng cách hàng 50cm và cách đều hai mép luống kết hợp bón phân lót vào rãnh, đảo trộn đều với đất.
Khoai tây chăm sóc, bón phân tốt sẽ cho năng suất cao từ 15 – 25 tấn/ha |
Chọn giống, cần loại củ sạch bệnh cỡ 30 – 40gr/củ, mầm khỏe, dài 1 - 1,5cm; tốt nhất là dùng củ giống từ cây mô đợt 1, 2, bảo quản trong điều kiện tán xạ.
Lượng phân bón tổng hợp tính cho 1ha/vụ là: Phân chuồng hoai mục: 40 - 50m3; phân lân vi sinh (LVS) 200 - 300kg; vôi bột 800 - 1.000kg; phân vô cơ: 180kg N, 150kg P2O5, 200kg K2O lượng nguyên chất, có thể dùng phân đơn hoặc phức hợp nhưng bón cân đối theo lượng nêu trên.
Bón theo các giai đoạn sau:
Bón lót: Bón toàn bộ phân chuồng, vôi, phân LVS rải đều khi làm đất. Sau khi làm luống xẻ rạch bón 45kg N, 150kg P2O5.
Bón thúc lần 1 (sau trồng từ 7 - 10 ngày): Bón 45kg N, 50kg K2O kết hợp chăm sóc xăm xới, làm cỏ và vun nhẹ.
Bón thúc lần 2 (sau trồng từ 20 - 25 ngày): Bón toàn bộ lượng phân đạm và kali (90kg N, 100kg K2O rải đều quanh cách gốc 15cm), kết hợp chăm sóc làm cỏ, vun luống đất cao thêm 10cm, tránh để gốc cây trũng, hở củ. Trong thời gian bón thúc xong, sau 3 ngày cần phun bổ sung phân vi lượng có chứa Mg, Mn, Fe, Mo, Cu. Vườn trồng phải đảm bảo có hệ thống mương rãnh thoát nước tốt và sử dụng nước sạch để tưới.
Trồng 2 hàng so le với khoảng cách 50 x 40cm (mật độ từ 30.000 – 35.000 cây/ha), sâu 5 - 6cm, lấp củ bằng đất tơi xốp; trồng vào buổi chiều mát. Sau khi trồng xong toàn bộ tưới đẫm và duy trì độ ẩm để cây bén rễ tốt.
Để phòng trừ dịch hại cho cây, áp dụng biện pháp nông học như vệ sinh vườn, cày lật đất sớm để diệt trứng, nhộng, sâu non và hạn chế mầm bệnh, ký chủ xung quanh ruộng, dùng bẫy vàng, cắt hủy lá bị nhiễm nặng. Phun thuốc khi phát hiện có rệp, nhện bằng thuốc Confidor, Pegaus, Shepar nồng độ 0,1 - 0,2%... Hoặc trừ bệnh mốc sương bằng thuốc Rhidomil, Zinep 20-25gr/bình, phun đều hai mặt của lá.
Thu hoạch khi củ đạt độ chín sinh lý, biểu hiện là thân lá đã chuyển sang màu vàng tự nhiên. Thu hoạch vào những ngày nắng ráo, thanh lọc và loại bỏ cây bệnh trước khi làm.
ThS Phan Hữu Hùng (DV)