Nghệ sỹ hài kiếm tiền nhiều hơn "chân dài"!
Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 18:18, 19/09/2011
Trong một bữa tiệc của “chúa đảo” Tuần Châu Đào Hồng Tuyển, 2 nghệ sỹ hài Chí Trung và Xuân Bắc có mặt với tư cách khách mời (tham dự, không phải tới để biểu diễn). Ngoài sự quen biết có lẽ phát sinh qua công việc, tư cách xuất hiện của họ trong chương trình (tới chơi, không đến phục vụ) cho thấy phần nào vị thế của những nghệ sỹ hài nổi danh, dù họ được mời để làm sang hay do thân quý.
Nhiều nghệ sỹ thành sao nhờ diễn hài
FPT, công ty Tin học có Văn hóa doanh nghiệp nổi tiếng với nhiều hoạt động đàn ca sáo nhị tưng bừng cũng rất “chuộng” nhiều nghệ sỹ hài. Không chỉ là hợp đồng mời tới diễn hay dẫn chương trình, nhiều nghệ sỹ còn được mời làm giám khảo các hội diễn nội bộ hay được rủ rê vào các hoạt động của công ty như tổng kết, du lịch, vui chơi…
So với những sao showbiz xúng xính áo quần tấp nập tại các event (cũng nhận được lời mời kèm thù lao dự tiệc), những danh hài như vậy hẳn nhiên có vị thế khác.
Năm 2004, khi bộ phim truyền hình “Hướng nghiệp” (đạo diễn Châu Huế) về đề tài giới trẻ ra mắt, trong dàn 7 diễn viên trung tâm của phim, Lê Khánh chỉ là diễn viên thứ chính. Hiện tại, cô là người nổi danh nhất trong số họ, dù những diễn viên trẻ khi ấy cũng đều có sự phát triển nghề nghiệp tốt sau đó.
Ngoài tài năng và cơ duyên với nghề diễn, có lẽ khả năng diễn hài là yếu tố giúp cô nhanh chóng ghi dấu tên tuổi của mình trong khán giả. Vai diễn đầu tiên trên màn ảnh rộng – cô đầu bếp quái dị - tưng tửng trong “Cô dâu đại chiến” không chỉ khiến Lê Khánh nổi bật nhất trong dàn mỹ nhân của phim, mà còn giúp nữ diễn viên sân khấu kịch Idecaf “lên hạng” trong nghề.
Là diễn viên có tài của sân khấu kịch, Thái Hoà trở thành hiện tượng điện ảnh khi tên anh đủ sức lôi khán giả tới rạp xem phim
Trường hợp của Thái Hòa cũng cho thấy vị thế đầy tiềm năng của các diễn viên hài. Được đạo diễn Charlie Nguyễn đưa vào vai chị Hội bóng lộ trong “Để Mai tính”, anh đã tỏa sáng và trở thành lý do để khán giả tới rạp. Và chỉ cần tới phim thứ 2 trên màn ảnh – với vai diễn “kép” đại ca Long ruồi cùng Tèo bánh xèo trong phim “Long ruồi” - anh trở thành cái tên đủ để “gánh” hiệu quả doanh thu của phim – điều mà hầu như chưa diễn viên nào khác đạt được kể từ sau giai đoạn thoái trào của các "ngôi sao quyền lực” thời phim mì ăn liền đầu thập kỷ 1990.
Thực tế, những gương mặt hài nổi danh trên sân khấu thường được các đạo diễn điện ảnh nhắm vào các vai diễn “đinh” trong những phim thương mại, như Anh Vũ, Minh Nhí với “má mì” của “Gái nhảy”, “Lọ lem hè phố” (Lê Hoàng), Thành Lộc trong “Hai trong một” (Đào Duy Phúc), “Nụ hôn Thần chết” (Nguyễn Quang Dũng), Hoài Linh trong “Bóng ma học đường” (Lê Bảo Trung)…
Ai bảo diễn viên hài chỉ là hạng 2!
Nổi tiếng và giầu có như danh hài!
Đêm Gala Hài trong khuôn khổ Liên hoan Sân khấu Hài toàn quốc lần 1, khu vực phía Bắc, khán giả Quảng Ninh đánh xe ô tô đi xem đầy khuôn viên Cung Văn hóa Việt Nhật. Vé đêm diễn từ 300 – 800 ngàn đồng được bán hết sạch, cho thấy nhu cầu lớn của người xem đối với thể loại hài, ở đủ mọi tầng lớp, thành phần khán giả.
Sân khấu kịch là đất cho diễn viên hài
Xuất hiện trong một đêm diễn ở Liên hoan khi chỉ tới xem đồng nghiệp diễn, Xuân Bắc nhận được sự chào đón không kém các ngôi sao ca nhạc. Khán giả thi nhau chụp ảnh với anh, nhiều người ngoái nhìn, đề cập tới anh đầy hào hứng.
Cũng có mặt hàng đêm ở hàng ghế khán giả với tư cách Phó ban tổ chức Liên hoan, nghệ sĩ ưu tú Trần Nhượng thi thoảng khiến vài người xem chỉ trỏ, ngó nhìn khi nhận ra ông Phó Chủ tịch trong bộ phim truyền hình chính luận “Chủ tịch tỉnh” đang tạo sức hút với đông đảo khán giả vào cùng thời điểm.
Hiện có một nghịch lý là, diễn viên sân khấu phía Bắc không mấy khi được biết đến nhờ nghề chính của mình mà chủ yếu thành quen thuộc qua những dịp góp mặt vào các phim truyền hình. Nhiều công ty tài trợ cho các đĩa hài để xuất hiện trong các chương trình này
Khi hài trở thành món quen trên truyền hình, một đội ngũ diễn viên hài phía Bắc thành sao qua việc được tivi phổ cập tới từng... hộ gia đình. Trong tình hình tích cực hơn ở sân khấu phía Nam, những “cây hài” cũng là yếu tố mang lại nguồn thu cho các tụ điểm - sân khấu.
Thu nhập từ những công việc này đôi khi chỉ là "tượng trưng", thậm chí nhiều diễn viên sẵn sàng diễn không cát-xê cho nhà Đài nhưng "lợi nhuận" từ đây khó thể đong đếm. Những danh hài là yếu tố “câu” khách cho các chương trình ca nhạc – tạp kỹ tại thành phố, hay đi tỉnh, điều mà những đồng nghiệp chuyên chính kịch của họ hầu như không có cơ hội.
Đến hẹn lại lên, vào các dịp Tết lễ, nghệ sỹ hài còn có dịp "tăng thu" với những lời mời từ các hãng đĩa, các công ty hay hợp đồng diễn với các cơ quan. NSƯT Quốc Trượng cho biết, có thời anh từng chạy sô 6-7 suất diễn/ngày, và con số này chưa hề "thấm tháp" so với sức diễn của nhiều đồng nghiệp.
Diễn viên trẻ Thành Trung chia sẻ, cát-xê trung bình của anh lúc này tăng khoảng 10 lần so với thời mới vào nghề cách đây mấy năm. Hiện tại, gương mặt "em út" của đội ngũ "Gặp nhau cuối tuần" cùng lúc làm MC của 5 chương trình truyền hình. Quang Thắng trở thành gương mặt quen của nhiều chương trình quảng cáo và khi anh ra sân khấu, chưa cần biết anh diễn gì, khán giả đã vỗ tay rần rần.
Có lời đồn đại, Xuân Bắc từng được trả 45 triệu đồng với việc dẫn chương trình một event. Lời đồn nên không được chứng thực, tuy nhiên, trong giới showbiz hiện nay, thu nhập của danh hài được cho rằng chỉ xếp sau ca sỹ, bỏ xa chân dài.