Ông cởi trần
Truyện ngắn - Ngày đăng : 14:26, 22/09/2011
Chiều muộn ấy các chị xuống xe, đến bên đống rau quả đủ loại: muống, cải, đay, dền, cà chua, bí xanh, ớt đỏ… đã bó, đã buộc sẵn trong túi, mỗi người mỗi câu: " Bác gì, anh gì ơi, bán rau thế nào đây". Có lẽ họ không biết ông bao nhiêu tuổi. Ông lập tức quay ra. Một thân hình đàn ông vạm vỡ, đen bóng và hàm răng trắng đều, cả khuôn mặt chữ điền cùng nét cười rạng rỡ đã làm cho đám khách hàng kiêm nội trợ có cảm tình luôn. Ông bỏ chiếc bình tưới xuống, bước lại trước đống rau củ, gật đầu, chỉ tay ra hiệu rằng có bán.
- Rau sạch đấy chứ bác?
Ông lại ngửa mặt cười, đưa tay chỉ một vòng khu nhà lưới để mọi người trông, bụng ông nói: "Cứ nhìn đấy thì biết rau sạch còn gì nữa".
Mọi người nhìn theo tay ông. Họ đoán trong bụng "có lẽ người này câm và rất thật thà". Các bà các chị mỗi người cúi vào đống rau nhặt mỗi loại vài mớ, vài quả nói với nhau: "Rau muống ngon đấy chúng mày ạ. Loại này luộc vừa lửa, mắm cáy đặc vắt chanh, ớt cay, ông xã nhà tao sẽ chơi hẳn năm sáu bát cơm ngon thơm". Người đứng bên giơ mớ rau cải non lên chắp thêm lời: "Bố thằng Cường nhà chị chỉ thích canh cải nấu cá rô đồng thôi. Chan rồi húp hết nửa nồi, thịt cá không quý bằng nồi canh, đã lâu mới kiếm được rau vừa ý, chị phải làm hẳn mười bó, bỏ tủ lạnh một nửa làm hai bữa, mai không đi làm qua đây".
- Bao tiền một mớ bác ơi?
Ông giơ hai ngón tay lên cùng hàm răng trắng cười:
- Ai àn ôi! (hai ngàn thôi). Thì ra không phải ông câm mà chỉ ngọng thôi. Họ nói nhỏ với nhau: "Rau bó to, xanh non thế này ở chợ tỉnh ba bốn ngàn khó lần ra đấy".
- Bác có rau bán, bữa ăn bác có mua cá, tôm, thịt thà không?
- Ữa ào ông ó ịt ì ó ôm ép ầy ủ, ịn àm ì o ổ, àm a ải ăng ứ. ( bữa nào không có thịt thì có tôm tép đầy đủ, nhịn làm gì cho khổ, làm ra phải ăn chứ).
- Nắng như thiêu như đốt mà sao bác không mặc áo vào, để da đen như củ tam thất thế kia, vợ con không chê à?
- Ợ on ó âu à ê ới ôi! (vợ con có đâu mà chê với bôi).
- Thế bác có thích lấy vợ không?
- Ích ứ, ưng ai ười a ấy ôi, ừa en, ừa ọng! (thích chứ nhưng ai người ta lấy tôi, vừa đen, vừa ngọng).
- Để bọn em làm mối cho! Mà bắn không tin, bọn chúng em đã có đạn để đền đấy. Một cô vừa nói vừa chỉ tay lên người đang treo túi rau vào xe, nổ máy phía trước: "Chị Lân chúng em một viên đạn chưa bóp cò đâu". Đoàn xe đem theo rau củ và cả tiếng cười dòn tan lướt đi. Lúc ấy ông chợt nhớ ra, còn một câu hỏi ông chưa trả lời, sợ người ta hiểu lầm rằng mình nghèo đến nỗi không có vợ và không có cả tấm áo che thân bèn vẫy vẫy và chụm bàn tay lên miệng hét thật to, xin được phiên dịch "Tôi cởi trần là do bệnh tật chứ không phải nghèo quá không có tiền may quần áo đâu đấy". Câu ấy thì cả đoàn xe tan ca về muộn phía sau đều được nghe. Hình như ông muốn nhắn mọi người rằng không phải vì nghèo mà ông không lấy được vợ đâu. Cứ trông vào thửa vườn và thu nhập của ông hằng ngày thì biết. Đừng coi thường.
Và lại một tốp người nữa dừng xe vào khuân rau vườn ông, tốp này đã ăn quen rau của ông thì phải. Họ tự nhiên bỏ rau quả vào túi lưới rồi rút tiền trả ông: "Cháu trả chú cả tiền mấy hôm trước đây nhé. Mai nhặt cho cháu dăm cân cà ngon, mươi cân bí xanh, nhà có việc đấy" rồi quay ra nói câu bâng quơ: "Mùa ăn cỗ đang đến, chỉ có rau củ nhà chú Thốn là đắt hàng thôi. Rau củ sạch theo chương trình "kết hợp giữa ba nhà", cứ là yên tâm".
- Gớm, cái chị này thông tỏ đường lối quá nhẩy.
- Sống ở nông thôn bây giờ mà không hiểu thì kém. Này nhá: ba nhà là nhà nông là một, Nhà nước là hai, nhà khoa học là ba, rõ chửa! Nhiều nhà ở huyện Thanh đang phá vải thực hiện theo mô hình của ông đấy.
- Chị ơi! Em hỏi chị, tại sao ngày nào em cũng thấy chú ấy cởi trần?
- Cứ lên xe đi, chị sẽ kể. Thế là lại một đoàn xe đem theo rau và câu chuyện ông lão cởi trần về các làng sau mỗi buổi tan ca.
Chả là thời hợp tác xã bao cấp, Thốn được chín người trong nhóm nhường cho nguyên vẹn hai mét vải diềm bâu, anh cảm ơn như vớ được vàng. Bà cụ thân sinh thương anh bùi ngùi cảm động: đã ba bốn năm nay chưa được may manh áo quần nào, rách rưới mã tơi mã lệnh, vá đi vá lại, không còn chỗ cắm kim. Cũng ba bốn lần bốc phiếu, nhưng chả lần nào trúng. Mười người một nhóm được một suất, trong nhóm bốc với nhau, ai trúng thì được. Nhưng chẳng ai chịu nhường cho ai, có lần hai mét vải xé ra làm đủ mười phần, cũng có lần vài người nhường nhau nên chỉ chia ba, chia đôi. Muối mắm, bột giặt cũng thế…
Lần này ông giời đi vắng, Thốn được nhận cả mười phần đủ 2 mét, bà cụ khấp khởi lầm rầm: Khổ, suốt ngày cởi trần, chỉ manh quần lá tọa chấm đầu gối, da cháy sém, những vết trắng mờ mờ trên lưng, trên ngực là vết của chiếc áo rách. Mùa hè cả đêm cả ngày cởi trần, bộ xương vai xương ngực phô lên như hình nhân thế mạng.
Bà cụ nghĩ "ăn chắc mặc bền" nên kì cạch gọt đẽo, giã củ nâu, nhuộm mảnh vải không chỉ ba bốn nước mà hẳn mười nước, năm nắng, miếng vải dày cứng như tấm mo. Đã thế còn giấn mảnh vải nhuộm nâu ngâm vào chậu bùn ao cho đen nhãy, mảnh vải trở thành tấm sắt. Và bà cụ hì hụi bao đêm. Tiếng kéo cắt vải sần sật như cắt tấm da. Vải cứng, dễ phải mất hơn tá kim. Đứt nối… mấy cuộn chỉ mới xong chiếc áo. Chiếc áo khoác lên người Thốn như áo giáp sắt ra trận. Vốn áo rách ông thường cởi trần, rồi thành quen. Bây giờ tấm áo mới dày cộp khoác lên đã làm ông phát sốt. Mấy lần đi họp xã viên, ông không xỏ tay mà chỉ khoác hờ vào vai. Thêm vài lần nữa, cứ mặc tấm áo vào là mần ngứa, mụn nổi lên khắp người như hạt ngô. Ông bị dị ứng mãn tính- Bác sĩ bảo vậy.
Thế là từ đấy ông chỉ phong phanh manh quần nhỡ mặc theo kiểu lá toạ và cởi trần không áo, cả đêm, cả ngày, cả khi làm đồng và cả mưa cả nắng. Da ông dày ra đen bóng như đồng đen. Ngoài manh quần khi đi làm đồng, ông còn có chiếc mũ lá cọ hoặc chiếc nón lá già đều khâu vành và chóp bằng vải mưa. Đã thế còn ngọng líu ló nữa chứ. Vì thế chẳng cô nào muốn gần.
Nhưng rồi một cô gái nhỡ thời ở làng Lôi, người mà hôm đoàn xe mua rau quán ông đã hứa: "bắn không tin thì đền đạn" ấy hỏi chị bạn cùng công ty là người làng Lang cùng quê ông Thốn: "Chị kể đi, chị bảo nhờ ông Thốn mà hơn chục người bị cướp xe trên dọc đường này được lấy lại và bọn cướp đã bị tóm gọn, nạn cướp xe không còn".
Đêm ấy đã khuya trên quãng đường gần ruộng rau ông Thốn, có tiếng xe máy rồi tiếng kêu cứu. Nghe vậy, từ lều canh vườn ông vác bồ cào chạy ra biết là hai tên vừa cướp xe của cô gái xuôi đường qua đây ông liền rọi đèn sáng vào đúng mặt thằng cầm lái và tung chiếc bồ cào ngang đường, vừa chói mắt, xe vừa trượt bánh bởi chiếc cào nằm ngang đổ nhào xuống rãnh. Chỉ mươi phút sau công an đã có mặt cáng cô gái và hai tên lên xe lập biên bản, có chữ ký của ông lão cởi trần.
Lân rất xúc động, cảm kích và cảm tình thật sự khi nghe câu chuyện về số phận ông Thốn. Từ hôm đó cô về qua là xuống xe vào mua rau vườn ông… Và cũng chẳng biết thế nào ông Thốn ít khi lấy tiền còn thường xuyên có túi rau, quả riêng cho Lân.
Rồi câu chuyện giữa cô Lân với ông lão cởi trần và cả chuyện vào quán cơm của lão "Ôm ì ôm, ịt ì ịt" cũng theo các đoàn xe sau mỗi buổi tan ca rắc đi khắp vùng. Chẳng là một lần ông vào quán cơm, chủ quán hỏi bác xơi cơm với thịt hay với tôm, ông trả lời như thế. Cả quán ngạc nhiên chẳng những thấy ông cởi trần còn tương ra một câu vẻ tục tằn nên cười ngang ngửa. Lập tức người thanh niên cởi trần đứng dậy đập bàn "ười ì à ười, ối ằng ư ao, ả ã ội ư ao". Quán cơm lập tức im như thóc trong bồ. Chuyện đó chẳng biết có thật không nhưng được kể ở khắp nơi với thiện cảm đặc biệt. Nhiều người nghe xong lau nước mắt. Nhưng cái khâm phục là ở chỗ mảnh vườn của lão.
*
Người làng Bắc vẫn tấm tắc: "Mảnh đất ấy chỉ có vào tay ông Thốn mới ra tiền ra bạc. Cứ nghĩ bỏ hoang để trâu đằm, chó ỉa…".
Đó cũng là lúc chuyển đổi cơ chế từ quan liêu bao cấp sang hạch toán kinh doanh. Nông dân được giao ruộng lâu dài. Mỗi hộ tự chủ trong hạch toán sản xuất. Nhưng ở đời người như ông Thốn vẫn là người thua thiệt. Cả suất của bà cụ ông được nhận hai suất ruộng.
Thời gian chăng dây cắm mốc, nhận ruộng những người khôn ngoan ngày đêm bám sát cán bộ nên nhiều người được nhận ruộng gần, ruộng tốt. Riêng ông Thốn nhận cuối cùng. Đó là mảnh ruộng nằm đầu lô, một bên giáp đường cái là nơi để chứa máy cày, trâu bò sau khi hết buổi. Đất gan gà xới lộn vàng khè, hằng chục vũng trâu đằm, chẳng ai nghĩ có thể phục hồi thành đất trồng cấy được nên người nào cũng tránh nói với cán bộ chia ruộng: "Cán bộ cứ chừa chỗ đó ra để cỏ mọc dành chỗ thả con trâu, rửa cày bừa, ruộng tốt thiếu gì mà chia vào đất đó…". Nhưng theo nghị quyết ai nhận chỗ đó thì chia liền cả các suất trong hộ không phải manh mún chạy năm cánh đồng mỗi nơi một chút còn được cấp không một sào. Vẫn không hộ nào dám nhận. Nhưng ông Thốn thì khác, ông nhận vì ông tính, nhà ông được 2 suất, trong đó một suất của bà cụ vì bà mới mất còn trong mốc giao ruộng lại được ưu tiên thêm một sào, vị chi là bốn sào liền thổ dễ cày bừa. Còn cải tạo đất ấy không khó. Sau khi vào chân ông mọi người mới thấy thế mà ông khôn hơn rất nhiều. "Ông Thốn ơi, tôi đổi cho ông ba thửa đẳng điền". "Ó ác êm àng ôi ũng ông ổi âu" (có các vàng tôi cũng không đổi đâu).
Từ sáng tinh mơ mình trần, ông đã đùn chiếc xe cải tiến cùng chiếc xẻng dọc đường làng đến nửa buổi đã có một xe đầy phân trâu bò. Chiều tối lại mình trần kéo xe từ ruộng về, dọc đường ông lại có lưng xe. Phân trâu bò ông đem ủ ngay bờ ruộng cho mục xốp rồi rải đều xuống ruộng. Chỉ hai vụ tầng đất canh tác đã dày lên tơi xốp. Lúa ông tốt bời bời. Ông thường cấy nếp một nửa, tẻ một nửa. Mỗi vụ gần tấn thóc mình ông…Vụ đông ông trồng hành tỏi, ớt xuất khẩu. Thóc, tiền ông cho vay, gửi tiết kiệm.
Dự cuộc họp chuyển đổi cây trồng, nghe cán bộ kỹ thuật ở tỉnh về phổ biến cách trồng rau sạch, cách làm nhà lưới và có cả hỗ trợ của Nhà nước, ông thấy hay rồi quyết định làm theo. Một sào để cấy chỉ có đủ lương thực ăn và chăn nuôi gà vịt còn lại trồng rau củ quanh năm theo mô hình trồng rau sạch trên hướng dẫn.
Hôm đón Lân về làm vợ, ông vẫn cởi trần. Họ nhà ông cố vận động ông mặc áo khi đón dâu. Người nhà còn may chiếc áo dài, vải vừa mềm vừa mát, chiếc khăn xếp hoa, chiếc ô to. Nhưng rồi ông chỉ mặc được chừng vài chục phút vào lễ tơ hồng, trình họ hàng nhà vợ đến khi lên xe ông lại thoát áo mũ khỏi người ngồi bên cô dâu...
NGUYỄN LONG NHIÊM