Người nối những bờ vui
Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 15:08, 22/09/2011
Nhạc sĩ Văn An
Tôi nhớ có lần anh nói với tôi: “Thằng Văn Thành Nho vừa có bài hát "Lời ru đất nước" hay lắm mày ạ”. Thì ra lúc đó anh vừa cho thu thanh bài hát "Lời ru đất nước" xong. Dù Văn Thành Nho lúc ấy chỉ là một sĩ quan quân đội vừa từ chiến trường về vào học Đại học Văn hóa, nhưng anh đã nhận ra tài năng âm nhạc của người lính trẻ và nâng niu chăm sóc. Bài hát được Văn An khen hay, đó chính là bài hát đầu tiên khiến người ta sẽ biết tên người nhạc sĩ trẻ này. Tình cảm chân thành của Văn An thực sự đã khuyến khích lớp nhạc sĩ đàn em năng nổ sáng tác và trưởng thành.
Hồi nghe nói anh bị tai biến mạch máu não, tôi rủ Nguyễn Đình Toán đến thăm. Anh đã ngồi dậy được. Vẫn đôi mắt hấp háy như sắp cười, anh ngồi trò chuyện với chúng tôi và ôm đàn ghi-ta hát nho nhỏ những bài hát ngày xưa như “Đường lên Tây Bắc”. Tôi ngồi hát theo anh. Những giai điệu đẹp như tơ lụa, mây trời uốn lượn. “Đường lên Tây Bắc xa xôi/ Nếp nhà sàn thấp thoáng/ Đằng xa tiếng hát dân quân/ Tiếng reo lưng đồi nương”. Đó là bài hát nổi tiếng anh viết lúc 20 tuổi (1949), bài hát đã đưa anh trở thành một nhạc sĩ tên tuổi trong làng âm nhạc Việt Nam với những “Nhịp cầu nối những bờ vui”, “Đôi dép Bác Hồ”, “Ta ra trận hôm nay”, “Đường lên hạnh phúc”, “Ấm tình quê Bác”, “Quân đội ta quân đội anh hùng”, “Lá cờ Đảng”… Nguyễn Đình Toán nghe xúc động lắm và đã bấm máy liên tục chụp hình anh đang ôm ghi-ta ngồi hát.
Anh Văn An sinh ngày 5-5-1929, tại Nam Định, nhưng tuổi thơ lại gắn bó với xứ sở quan họ Bắc Ninh, rồi vào bộ đội năm 17 tuổi. Anh hưởng thụ truyền thống âm nhạc từ người cha mê đàn bầu và người anh mê chơi ghi-ta. Âm nhạc dân gian và âm nhạc lãng mạn Pháp cứ giăng mắc vào hồn anh. Có lẽ vì thế mà sự nghiệp âm nhạc cách mạng của anh lại luôn thấm đẫm chất trữ tình. Có thể nói, Văn An đã “mềm hóa” những bài hát anh viết về đề tài chiến tranh, cách mạng để gieo vào lòng người những tình cảm ngọt ngào, lắng đọng khó nhạt phai. Ngay cả khi viết về một đề tài tưởng là rất dễ khô khan như “Lá cờ Đảng”, Văn An vẫn chọn được những giai điệu mềm mại, ân tình: “Với Dân giữ vẹn tròn chữ Hiếu, với Đảng vẹn tròn niềm tin yêu. Trọn đời lòng ta gắn bó, sắt son bước theo bóng cờ”…
Cũng như nhiều nhạc sĩ cùng thời, Văn An không được đào tạo cơ bản ở một trường âm nhạc nào, nhưng họ đã tự học mà thành. Khi được điều về tham gia Đoàn Văn công Quân khu Việt Bắc, anh chơi đàn ghi-ta và ac-coóc-đê-ông. Mãi đến năm 1957, anh mới được cử đi học một khóa đào tạo sáng tác âm nhạc của Tổng Cục Chính trị tổ chức do giáo sư của Triều Tiên hướng dẫn. Đó cũng là khóa học của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Văn Thương, Nguyên Nhung, Vũ Trọng Hối, Lương Ngọc Trác, Trọng Loan…
Anh nói, chính khóa đào tạo ngắn ngủi đó lại có tác động rất lớn đối với sự nghiệp sáng tác của anh. Và từ đó anh biết lựa chọn cho mình một ngôn ngữ âm nhạc riêng, đó là chất trữ tình kết hợp dân gian và hiện đại khúc chiết, giản dị. Và hơn thế nữa, anh quan tâm đến những lời ca đẹp bằng cách tìm kiếm những bài thơ hay, giàu hình ảnh đẹp.
Nhiều bài hát anh phổ thơ đã thực sự chắp cánh cho bài thơ bay bổng, điển hình là bài “Nhịp cầu nối những bờ vui” (thơ của Phan Văn Từ): “Chiếc cầu là nơi hò hẹn của đôi ta/ Đêm trăng sáng trên cầu anh thổi sáo/ Đêm trăng sáng chân cầu em giặt áo/ Nhịp cầu nối những bờ vui”. Một bài thơ dài nhưng anh chỉ chọn lại hơn 10 câu cho bản nhạc của mình. Tôi đã được đọc trọn bài thơ ấy khi nhà thơ Phan Văn Từ nhờ tôi biên tập cho tập thơ đầu tay của anh và tôi đã ngạc nhiên về tài “biên tập” của người nhạc sĩ tài hoa. Tôi khuyên nhà thơ Phan Văn Từ nên in lại bài thơ đúng như nhạc sĩ Văn An đã “biên tập”. Nhà thơ vui vẻ đồng ý và bài thơ đã được khai sinh lần thứ hai, mà bà đỡ chính là nhạc sĩ Văn An.
Trong đêm khuya khoắt này, tôi nhớ tiếc không nguôi người nhạc sĩ đàn anh mà tôi hằng kính trọng đã qua đời. Bài viết này thay nén nhang thơm vĩnh biệt anh…
Hà Nội, đêm 31-8-2011
NGUYỄN TRỌNG TẠO