Chủ tịch Hồ Chí Minh trọng người cao tuổi
Tin tức - Ngày đăng : 10:15, 02/10/2011
Người chụp ảnh cùng các chiến sĩ cách mạng lão thành tham gia
Phong trào Xô Viết -Nghệ Tĩnh 1930 - 1931 (9-12-1961)
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành những bài nói chuyện, bài viết tâm huyết, thể hiện tình cảm quý trọng và thái độ ca ngợi, đề cao phẩm chất cùng những cống hiến của người cao tuổi Việt Nam.
Trước hết, chúng ta đều nhận thấy bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người cao tuổi mẫu mực. Trong suốt cuộc đời, Người “chỉ có một ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Chính vì thế, Người đã phấn đấu, cống hiến không ngừng nghỉ, quên mệt mỏi, quên tuổi cao sức yếu, vì đất nước, vì nhân dân. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những niềm hạnh phúc nhất là được làm việc, được cống hiến cho nhân dân. Năm 1953, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn cuối, Bác đã làm bài thơ “Sáu ba tuổi” nhân dịp mọi người đến chúc thọ, để thể hiện niềm lạc quan và để tỏ chí khí của mình: Chưa năm mươi đã kêu già/ Sáu ba, mình nghĩ vẫn là đương trai/ Sống quen thanh đạm nhẹ người/ Việc làm tháng rộng ngày dài ung ung.
Năm 1961, khi nói chuyện với những cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm, Người bộc bạch: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. Việc lớn, việc nhỏ, tôi phải tham gia. Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp”. Đến năm 74 tuổi, Người lại nói: “Hiện nay, ở miền Nam ruột thịt, từ các cụ già, các bà mẹ, đến các cháu thanh niên và nhi đồng đều đang ra sức chiến đấu chống đế quốc Mỹ cướp nước, để giành lại quyền độc lập, tự do, thì tôi không thể: Thảnh thơi vui thú thanh nhàn/ Sớm khuya tiếng hạc tiếng đàn tiêu dao”.
Năm 1968, mặc dù lúc này sức khoẻ của Bác đã giảm sút nhiều nhưng Người vẫn luôn lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng. Người đã làm thơ để cảm ơn chung nhân dịp sinh nhật lần thứ 78 của mình, qua đó để động viên mọi tầng lớp nhân dân: Bảy mươi tám tuổi, chưa già lắm/ Vẫn vững hai vai việc nước nhà/ Kháng chiến dân ta đang thắng lớn/ Tiến bước! Ta cùng con em ta.
Mong muốn của Người là có được nhiều thời gian và sức lực để cống hiến, phục vụ đất nước và nhân dân nhiều hơn nữa: “Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa”(Di chúc).
Đối với những người cao tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò, vị thế của tầng lớp này trong công cuộc “kháng chiến kiến quốc”. Người luôn động viên người cao tuổi cống hiến tài trí, sức lực cho đất nước và con cháu, luôn nêu cao truyền thống đạo lý “kính già yêu trẻ” của dân tộc ta.
Nhằm động viên, cổ vũ giới phụ lão nêu cao tinh thần yêu nước và tham gia phục vụ cách mạng, góp phần xây dựng xã hội mới, Bác thường nói chuyện lịch sử, nêu những tấm gương sáng của những người cao tuổi trong lịch sử dân tộc. Trong “Thư gửi các vị phụ lão cả nước” tháng 6- 1941, Người viết: “Khi giặc phương Bắc ngang ngược xâm phạm bờ cõi, các triều đại trước như Trần, Lê gấp rút hiệu triệu các vị phụ lão bàn tính việc khôi phục đất nước, chống xâm lăng… Sự nghiệp kháng chiến chống xâm lược thành công cũng là nhờ phụ lão thời bấy giờ kêu gọi cổ vũ, khích lệ nên được hoàn thành”. Cũng năm 1941, trong thư “Kính cáo đồng bào”, Người viết: “Tấm gương oanh liệt của các lão tiền bối như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Lương Ngọc Quyến còn treo đó. Xưa nay, những người yêu nước không vì tuổi già mà chịu ngồi không. Nước ta có những người như Lý Thường Kiệt, càng già càng quắc thước, càng già càng anh hùng”. Sau khi nêu những tấm gương cụ thể, Người khẳng định: “Truyền thống “Điện Diên Hồng” là truyền thống yêu nước vẻ vang chung của dân tộc ta và của riêng các cụ phụ lão ta. Mỗi khi có việc quan hệ lớn đến nước nhà nòi giống, thì các cụ không quản tuổi cao sức yếu, liền hăng hái đứng ra gánh vác phần mình và đôn đốc con em làm tròn nhiệm vụ…”.
Trong các bức thư, bài nói, bài viết dành cho người cao tuổi, Người đều ân cần thăm hỏi, động viên và đề cao vai trò của các cụ phụ lão trong cả nước. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là luôn gắn liền quyền lợi, nhiệm vụ của người cao tuổi với lợi ích đất nước, tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân, sức mạnh toàn dân: “Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề… Nước nhà lo, các cụ cũng phải lo. Nước nhà vui, các cụ đều được vui”. Trong bài “Càng già càng giỏi” đăng trên Báo Nhân Dân ngày 22-10-1965, Người biểu dương phụ lão ở các địa phương tích cực khuyến khích con cháu tham gia bộ đội và thanh niên xung phong; giữ gìn trật tự làng xóm; giúp đỡ nhân dân; tăng gia sản xuất… Người nhận xét và kết luận: “Tiếp tục truyền thống Diên Hồng vĩ đại, các cụ phụ lão cũng không vì tuổi cao tóc bạc mà hưởng thú thanh nhàn. Các cụ đều cố gắng góp phần tích cực vào công cuộc chống Mỹ, cứu nước: Tuổi cao, chí khí càng cao/ Chống Mỹ, cứu nước, già nào kém ai”.
Đồng thời, Người cũng luôn đề cao vai trò của người cao tuổi trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, nhất là việc nêu gương và phổ biến kinh nghiệm: “Các đồng chí già là rất quý, là gương bền bỉ đấu tranh, dìu dắt, bồi dưỡng, đào tạo thêm đồng chí trẻ. Đồng chí già phải giúp đỡ cho đồng chí trẻ tiến bộ. Đó cũng là một tiêu chuẩn đạo đức cộng sản”.
Mặt khác, Người cũng thẳng thắn phê phán quan niệm của một số người cho rằng tuổi già thì tài hết, không làm được gì, hoặc mình đã gần đất xa trời, không cần hoạt động, phấn đấu thêm nữa. Ngay sau khi Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Người đã viết “Thư gửi các vị phụ lão” (tháng 9-1945): “Con cháu ta, thanh niên sức khoẻ thì gánh việc nặng, chúng ta già cả, không làm được công việc nặng nề, thì khua gậy đi trước, để khuyến khích bọn thanh niên và san sẻ những kinh nghiệm của chúng ta cho họ. Chúng ta là bậc phụ lão, cần phải đoàn kết, trước là để làm gương cho con cháu ta”.
Tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những tư tưởng của Bác về người cao tuổi, cùng những cống hiến trong mọi lĩnh vực của các bậc phụ lão cả nước, đã được thể hiện cô đọng trong bức trướng “18 chữ vàng” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tặng Hội Người cao tuổi Việt Nam: “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng về sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
TRẦN VĂN LỢI