Còn nhiều vướng mắc

Việc tử tế - Ngày đăng : 07:01, 18/10/2011

Thời gian gần đây, việc giải quyết chế độ chính sách cho các đối tượng này gặp nhiều khó khăn vướng mắc, khiến cho nhiều người bị thiệt thòi.



Bác Tạ Mạnh Hùng (trái) ở xã Hồng Phong (Thanh Miện) đang mong mỏi
từng ngày để được hưởng chế độ nạn nhân da cam /đi-ô-xin


Những năm qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh ta đã giải quyết tốt chế độ chính sách cho người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc (NTGKCBNCĐ) da cam/đi-ô-xin, giúp họ giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc giải quyết chế độ chính sách cho các đối tượng này đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc, khiến cho nhiều người bị thiệt thòi.

Mong mỏi chờ chế độ

Bác Phùng Đình Thi, ở thôn My Động 1, xã Tiền Phong (Thanh Miện) bị nhiễm chất độc da cam. Từ năm 1972 - 1974, bác Thi đã từng chiến đấu ở các chiến trường Quảng Trị, Nam Lào, đây là những nơi giặc Mỹ rải chất độc hóa học. Bác Thi cho biết: “Tôi đã làm hồ sơ đề nghị được hưởng trợ cấp từ năm 2010 và bổ sung, nộp lại vào tháng 5 năm nay. Tôi đã đi giám định và các bác sĩ kết luận tôi bị bệnh tiểu đường tuýp 2. Các cán bộ lao động thương binh và xã hội (LĐTB&XH) xã, huyện cho biết tôi đủ điều kiện được hưởng chế độ nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Tôi chỉ mong các cấp, các ngành khẩn trương giải quyết để tôi đỡ thiệt”.

Bác Tạ Mạnh Hùng ở thôn My Động 2 cũng là NTGKHBNCĐ da cam/đi-ô-xin. Từ năm 1973 – 1974, bác Hùng là lính vận tải của Tổng cục Hậu cần chuyên chở hàng vào chiến trường Quảng Trị. Từ cuối năm 1974 - 1975, bác chủ yếu chiến đấu ở Quảng Trị và Nam Lào. Hòa bình, bác phục viên về địa phương và lập gia đình. Bác có 2 người con, nhưng một người bị nhiễm chất độc hóa học từ bác, bị bệnh tâm thần, câm, sức khỏe yếu. Năm 2000, người con này đã được hưởng chế độ nạn nhân nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin. Bác Hùng đã làm hồ sơ và đi giám định từ tháng 9. Mặc dù bác Hùng đủ điều kiện được hưởng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Trên đây chỉ là 2 trong số hàng trăm người bị nhiễm chất độc da cam chưa được giải quyết chế độ. Những người này đều đã già, sức khỏe yếu, bệnh tật, ốm đau  triền miên, phần lớn có cuộc sống khó khăn. Họ mong chờ từng ngày để được hưởng chế độ trợ cấp. Cũng có một số trường hợp đã chết mà vẫn chưa đến lượt đi giám định...    

Nảy sinh nhiều vướng mắc

Số lượng người làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp rất lớn (có khoảng 3000 hồ sơ đã chuyển về tỉnh, còn gần 5000 hồ sơ đang thụ lý ở các địa phương). Nhiều người làm hồ sơ kê khai theo bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính và bán cấp tính, bệnh rối loạn tâm thần, bệnh đái tháo đường tuyp 2 là những bệnh thuộc diện cảnh báo lợi dụng khai man theo lưu ý của Bộ LĐTB&XH. Nhiều người kê khai bị mắc các bệnh rối loạn tâm thần, bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính và bán cấp tính có chứng từ của bệnh viên tâm thần nhưng các bệnh án lại được phô tô từ một bệnh án gốc. Một số chứng từ bệnh án điều trị bệnh của bệnh viện tâm thần được sao y bản chính  nhưng chữ ký của lãnh đạo bệnh viện  không thống nhất. Trong quá trình xét duyệt, Sở LĐTB&XH đã phát hiện 287 hồ sơ loại này. Một số trường hợp khai có sinh con dị dạng, dị tật và đã chết nhưng không cung cấp được chứng cứ pháp lý về việc này. Bên cạnh đó, các bộ, ngành chức năng chưa có quy định cụ thể về danh mục dị dạng, dị tật của con đẻ NTGKCBNCĐ da cam/đi-ô-xin nên gây khó khăn cho việc kiểm tra, thẩm định và giám định giải quyết. Việc xác định tình trạng dị dạng, dị tật cho các đối tượng gián tiếp chưa được cụ thể, dẫn đến các cơ quan chức năng còn lúng túng trong thực hiện. Trong quá trình thẩm tra, phát hiện có hiện tượng khai man. Một số trường hợp sinh con dị dạng, dị tật trước khi tham gia chiến trường nhưng khi kê khai hồ sơ ghi sinh con sau khi ở chiến trường trở về để phù hợp với mốc thời gian theo quy định. Có trường hợp không sinh con dị dạng, dị tật, nhưng vẫn kê khai hồ sơ và chụp ảnh của một người dị dạng dị tật khác để đưa vào hồ sơ kê khai, kèm theo hồ sơ bệnh án xác nhận của bệnh viện tâm thần. Bên cạnh đó, đã xuất hiện hiện tượng sử dụng giấy tờ chứng từ bệnh tật không đúng sự thực, giấy tờ có dấu hiệu giả mạo. Ngoài ra tài liệu, chứng cứ chứng minh thời gian, địa bàn... tham gia kháng chiến tại vùng quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học chưa bảo đảm. Bên cạnh đó, phải kể đến những nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình thẩm định, xét duyệt hồ sơ.

Ngày 23 - 5 - 2011 Bộ LĐTB&XH đã có công văn số 1609/LĐTBXH - NCC về việc hướng dẫn xử lý vướng mắc khi tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ NTGKCBNCĐ da cam/đi-ô-xin, trong đó yêu cầu các địa phương trước mắt chỉ giải quyết đối với trường hợp bị bệnh hiểm nghèo, bệnh ung thư và trường hợp có bệnh án trước ngày ban hành Thông tư số 8/2009/TT - BLĐTBXH (trước ngày 7 - 4 - 2009). Thực hiện công văn này, các ngành chức năng tỉnh ta đã rà soát, thẩm tra và lập danh sách 966 hồ sơ không thuộc diện được giải quyết. Tuy nhiên, trước khi Bộ LĐTB&XH có công văn này, Hội đồng Giám định y khoa tỉnh đã và đang giám định 415 trường hợp, còn 551 trường hợp chưa giám định. Sở LĐTB&XH đã đề nghị đơn vị này chuyển lại 551 hồ sơ về sở tạm dừng không giải quyết. Còn những trường hợp đã có kết quả giám định, trước mắt cũng tạm dừng chưa thực hiện.

Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp giải quyết tháo gỡ tạm thời. Về lâu dài, để thuận lợi trong việc giải quyết chế độ cho NTGKCBNCĐ da cam/đi-ô-xin, đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu và có hướng dẫn cụ thể về danh mục dị dạng, dị tật, tiêu chí người nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin làm căn cứ để xác nhận cho các đối tượng. Tiếp tục bổ sung chế độ cho những người phục vụ NTGKCBNCĐ da cam/dioxin bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; nghiên cứu, ban hành chính sách đối với thế hệ thứ 3 (cháu của NTGKCBNCĐ da cam/đi-ô-xin); bổ sung chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo đối với con đẻ không bị dị dạng, dị tật của người này. Các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến những văn bản quy định trong việc giải quyết chế độ chính sách đối với NTGKCBNCĐ da cam/đi-ô-xin đến người dân để họ hiểu, chấp hành đúng quy định, tạo thuận lợi cho việc rà soát, xét duyệt, thẩm định và giám định. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện chính sách này.

PV