Nam Định "nói không" với bằng đại học ngoài công lập

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 10:16, 20/10/2011

Thông tin Hội đồng tuyển dụng công chức Nam Định loại bỏ thí sinh tốt nghiệp từ các trường đại học ngoài công lập nhận được nhiều ý kiến không đồng tình.

Trước đó, TP Đà Nẵng cũng đã không tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp đại học hệ tại chức.

Sinh viên ngành công nghệ sinh học trường ĐH Văn Lang trong giờ thực hành

Không thể dựa vào văn bằng

Giáo sư Hoàng Xuân Sính - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường đại học (ĐH) Thăng Long, cho rằng: “Việc tỉnh Nam Định không cho phép sinh viên (SV) tốt nghiệp trường ngoài công lập (NCL) dự thi công chức là đi ngược lại chủ trương của Đảng, Nhà nước về xã hội hóa (XHH) giáo dục. Nước ta còn nghèo, ngân sách của Nhà nước dành cho giáo dục còn thấp, vì vậy mới cần XHH và hiện Chính phủ vẫn khuyến khích thành lập các trường NCL để đỡ gánh nặng cho ngân sách quốc gia. Nếu từ chối đối tượng này thì kêu gọi xã hội hóa để làm gì”.    


Đề nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB-XH lên tiếng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người học và người lao động

GS Hoàng Xuân Sính Chủ tịch HĐQT trường ĐH Thăng Long



Tiến sĩ Kiều Xuân Hùng - Phó hiệu trưởng trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP Hồ Chí Minh, cũng khẳng định sự phân biệt này là không công bằng. Ông cho biết: “Nếu đánh giá một SV ra trường không theo chất lượng, trình độ thực tế mà theo tên trường, loại hình trường là không được. Sắp tới, các trường NCL đào tạo đến 20% SV ra trường của cả nước nên càng không thể tồn tại quan điểm tuyển dụng như vậy được”.

Cùng quan niệm, TS Bùi Trân Phượng - Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen, chia sẻ: “Việc làm này của tỉnh Nam Định cũng có lý của nó khi trong thực tế, có nhiều chuyện không hay liên quan đến chất lượng một số trường. Nhưng chỉ đề phòng trường NCL thì hơi thành kiến. Được chọn lựa là quyền chính đáng của người tuyển dụng. Nhưng cần quan tâm đến chất lượng người được tuyển chứ không thể dựa vào văn bằng người đó tốt nghiệp trường nào”.

Cần một kỳ thi tuyển công bằng

Nhiều ý kiến cho rằng, tuy xã hội vẫn còn tư tưởng phân biệt giữa trường công lập và NCL nhưng là một cơ quan Nhà nước thì không thể khuyến khích quan điểm như vậy, nếu chưa nói là sai luật.

Ông Trần Chút - Phó hiệu trưởng trường ĐH Văn Hiến cho biết: “Trong một cuộc thi tuyển công chức như vậy, để chọn người thì phải thể hiện bằng một cuộc thi công bằng”. PGS-TS Nguyễn Thiện Tống -  Phó hiệu trưởng trường ĐH Cửu Long, ngậm ngùi: “Việc không thừa nhận, thậm chí kỳ thị SV tốt nghiệp trường NCL thể hiện thái độ không tốt, vô lý. Hơn 10 năm qua, dưới chủ trương mở thêm cơ hội học tập cho SV và để cạnh tranh chất lượng, nhiều trường NCL đã khẳng định được tên tuổi của mình. Tuy về tổng thể, các trường công lập có chất lượng cao hơn nhưng cũng không thể nói các trường NCL không đạt yêu cầu”. Ông Trương Đức Huy - Chủ tịch Hội đồng quản trị  trường ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định) cho rằng, phân biệt như vậy là không công bằng với SV. “Nếu để tuyển người tài thì cần một kỳ thi công bằng, minh bạch, tất cả mọi thành phần đều có thể dự thi, ai giỏi sẽ vượt qua”, ông Huy đề nghị.

Ở một khía cạnh khác, GS Sính cho rằng chủ trương như vậy sẽ làm cho SV các trường NCL hoang mang, lo lắng trong khi có nhiều trường NCL hiện đào tạo còn chất lượng hơn nhiều trường công lập. Giáo sư Sính nói: “Hiện hệ thống trường NCL đang gặp rất nhiều khó khăn, với chủ trương như tỉnh Nam Định thì không có phụ huynh nào dám cho con học trường NCL. Như vậy hệ thống các trường NCL chỉ có đóng cửa mà thôi. Các nhà đầu tư cho giáo dục cũng sẽ quay lưng lại với chủ trương xã hội hóa của Chính phủ. Điều này gây ra sự bất công trong xã hội, nhất là đối với thanh niên. Họ có nhu cầu, nguyện vọng cống hiến thì phải được tạo điều kiện chứ không thể từ chối như vậy”. 

Đồng thời, Gióa sư Sính đề nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo , Bộ Lao động Thương binh Xã hội lên tiếng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người học và người lao động. Nếu không, đây sẽ là tiền lệ xấu ảnh hưởng đến những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và gây lãng phí nguồn nhân lực quốc gia.

Sẽ kiến nghị với Bộ Nội vụ

 “Hiện SV trường NCL có rất nhiều người đi làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài chứ không chọn vào cơ quan nhà nước. Tuy nhiên việc từ chối họ là không được phép. Sắp tới, hiệp hội sẽ làm việc với Bộ Nội vụ để rà soát lại việc tuyển dụng công chức của các địa phương và kiến nghị đưa ra quy định chung để không xảy ra tình trạng vi phạm luật”.

GS TRẦN HỒNG QUÂN
(Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ NCL)            

Nhà nước cũng mất cơ hội tuyển người giỏi

“Em được biết ở nước ngoài có rất nhiều trường tư nổi tiếng, VN hiện nay cũng có những trường NCL được đầu tư bài bản, có điều kiện thực hành, thực tập còn tốt hơn trường công lập. Nhiều trường mời được các chuyên gia giỏi về giảng dạy, họ dành nhiều thời gian đào tạo ngoại ngữ, tin học và kỹ năng thực tế cho SV. Do đó, nếu chỉ lấy căn cứ là trường công lập hay NCL để tuyển dụng thì không những chúng em thiệt thòi mà nhà nước cũng sẽ bỏ lỡ mất cơ hội tuyển được người giỏi”.

Phạm Thị Chúc
(SV năm cuối trường ĐH Lương Thế Vinh)

V.THƠ - V. ĐÔNG - T.QUYÊN

Tốt nghiệp công lập làm việc tốt hơn ngoài công lập !?

Ông Trần Tất Tiệp, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nam Định cho biết, từ năm 2008, Tỉnh ủy đã có chủ trương chỉ tuyển dụng mới những người đã tốt nghiệp ĐH chính quy vào làm việc tại cơ quan Đảng, chính quyền. Ngày 20-4-2011, UBND tỉnh có thông báo số 59 về việc triển khai tuyển dụng công chức năm 2011. Trong thông báo này, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: về thi tuyển công chức, người dự thi phải có trình độ ĐH hệ chính quy trường công lập.

Ông Tiệp giải thích: “Xuất phát từ mong muốn tuyển dụng được những cán bộ có năng lực thực sự, tránh tình trạng người năng lực kém, học hành không tốt vào được cơ quan hành chính nhà nước nên chúng tôi mới đưa ra chủ trương chỉ tuyển dụng SV tốt nghiệp ĐH chính quy công lập. Chúng tôi thấy quy định này xuất phát từ nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động, và cũng không hề trái với quy định của pháp luật. Một yếu tố có thể định lượng được, đó là xét về điểm đầu vào, đa số các trường dân lập đều có điểm tuyển sinh ĐH rất thấp, do đó, chất lượng đầu vào SV dân lập kém hơn hẳn công lập. Còn chất lượng đầu ra, do chúng ta chưa có một bộ đánh giá chuẩn nên thực sự rất khó so sánh SV khá của trường dân lập với SV trung bình của trường công lập, cái này thì chỉ có thực tiễn công việc chứng minh. Mà thực tiễn thì qua phản ánh tại hội nghị, tại kỳ họp HĐND..., các cán bộ lãnh đạo huyện, thị, sở, ngành, là người sử dụng công chức, cho rằng những năm gần đây, các em tốt nghiệp ĐH công lập làm việc tốt hơn các em tốt nghiệp ngoài công lập”.

Ông Tiệp nói thêm: “Những ứng viên tốt nghiệp ĐH ngoài công lập dù không thể thi tuyển công chức hành chính cấp huyện trở lên nhưng nếu về xã, kể cả dân lập và liên thông sẽ được ưu tiên tuyển thẳng vào làm công chức xã, phường, thị trấn mà không phải thi tuyển”. Hiện tại, ở Nam Định có tới hơn 25.000 viên chức sự nghiệp, trong khi chỉ có hơn 2.000 công chức.

Káp Long


Vũ Thơ - Đăng Nguyên (TN)