Libya sẽ ra sao sau cái chết của ông Gaddafi ?

Bình luận - Ngày đăng : 08:31, 22/10/2011

Cái chết của ông Gaddafi chưa hẳn đã chấm dứt mọi chuyện khi vẫn còn những chia rẽ sâu sắc trong xã hội Libya, cũng như những tính toán của phương Tây...



Binh sỹ NTC chỉ vào miệng cống nơi ông Gadhafi lẩn trốn trước khi bị bắt


Các nguồn tin khác nhau từ phía Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Libya (NTC) và phương Tây đêm 20-10 (giờ Việt Nam) đã xác nhận, Muammar Gaddafi, nhà lãnh đạo bị lật đổ của Libya đã bị bắt và chết vào chiều cùng ngày trong cuộc tấn công của lực lượng NTC vào TP Sirte - căn cứ địa cuối cùng của ông Gaddafi cùng các tay súng trung thành.

Cái chết của ông Gaddafi

Phát biểu trong cuộc họp báo tại TP Benghazi, quyền Thủ tướng NTC Mahmoud Jibril xác nhận, ông Gaddafi đã chết sau khi bị bắt gần TP Sirte trong tình trạng bị thương rất nặng ở đầu và hai chân. Tuy nhiên, người phát ngôn NTC Ahmed Bani xác nhận, ông Gaddafi đã bị bắt khi đang ẩn náu và tìm cách kháng cự. Vì thế, lực lượng NTC đã bắn chết nhà cựu lãnh đạo này. Trong khi đó, các kênh truyền hình vệ tinh Arập đêm 20-10 đã phát đi hình ảnh cho thấy, ông Gaddafi vẫn còn sống khi bị các tay súng NTC bắt giữ. Một tay súng dường như đã chĩa súng vào đầu nhà lãnh đạo bị lật đổ, song hiện chưa rõ có phải người này đã bắn chết ông Gaddafi hay không. Nếu đúng ông Gaddafi bị bắn chết sau khi bị bắt sống, thì lực lượng NTC đã vi phạm điều luật quốc tế về tù binh chiến tranh. Thi thể của ông Gaddafi được chôn cất tại một địa điểm bí mật ở TP Misratah trong ngày 21-10 để tránh biến nơi này thành thánh địa của những người ủng hộ cựu lãnh đạo Libya. Cũng theo ông Jibril, NTC đã nhận được thông tin chưa được kiểm chứng cho biết, ngoài ông Gaddafi còn có 2 người con trai của ông này là Seif al-Islam và Mutassim cùng Bộ trưởng Quốc phòng dưới chế độ của ông Gaddafi là Younis Jabr đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của lực lượng NTC vào TP Sirte ngày 20-10.

Ông Gaddafi sinh năm 1942 tại Sirte, thành phố duyên hải nằm cách Thủ đô Tripoli 300 km. Năm 1969, ông Gaddafi trở thành nhà lãnh đạo mới của Libya, sau khi tiến hành cuộc đảo chính quân sự không đổ máu để lật đổ vua Idris đệ nhất. Libya dưới thời ông Gaddafi đã cắt đứt các quan hệ ngoại giao với phương Tây. Cho tới cuối năm 2010 và đầu năm 2011, khi làn sóng biểu tình chống chính phủ từ Tunisia và Ai Cập lan sang Libya, người dân nước này đã nổi dậy chống lại Gaddafi. Đến cuối tháng 6-2011, Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) đã ban hành lệnh bắt nhà lãnh đạo này vì những tội ác chống lại loài người. Dưới sự bảo trợ của một số nước phương Tây, lực lượng chống chính phủ đã lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Gaddafi, đồng thời đẩy nhà lãnh đạo quyền lực một thời này vào cảnh trốn chạy đến khi bị bắn chết.

Libya đối mặt vô vàn chông gai thách thức

Sau khi ông Gaddafi chết, toàn bộ đất nước Libya đã hoàn toàn nằm trong tay NTC, ông Mahmoud Jibril cho biết: “Nhiệm vụ cấp bách của chính quyền mới là hàn gắn, tạo dựng một quốc gia đoàn kết. Libya bị chia rẽ sâu sắc qua nhiều thập kỷ và 8 tháng nội chiến. Cần có luật pháp lâm thời để xét xử các khiếu kiện của người dân, khôi phục trật tự và công bằng”.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon phát biểu trong cuộc họp cấp cao tại trụ sở Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) sáng 21-10 cho rằng, cái chết của ông Gaddafi “đánh dấu một sự chuyển tiếp lịch sử tại Libya... Con đường phía trước của Libya và nhân dân nước này chắc chắn sẽ còn rất nhiều khó khăn và đầy chông gai thách thức. Hiện tại là thời điểm để mọi người dân Libya chung vai sát cánh. Người Libya chỉ có thể hiện thực hóa cam kết về tương lai của mình thông qua hòa giải và đoàn kết dân tộc. Giờ đây là thời điểm để chữa lành vết thương và tái thiết đất nước, với sự rộng lượng bao dung, chứ không phải trả thù”. Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố, sứ mệnh của NATO tại quốc gia Bắc Phi “sẽ sớm kết thúc”. Khi đến thăm Tripoli, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã cảnh báo các nhà lãnh đạo mới tại Libya rằng, công cuộc tái thiết đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh sẽ rất nặng nề. Từ Paris, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, người đi đầu trong cuộc tấn công quân sự tại Libya cho rằng, hiện tại là thời điểm để đất nước Libya tiến hành “hòa giải trong sự thống nhất và tự do”. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev bày tỏ hy vọng việc kết thúc chiến dịch truy đuổi ông Gaddafi sẽ đưa đến một chính phủ dân chủ và hòa bình ở Libya.

PHƯƠNG LINH(tổng hợp)