Nhóm trẻ gia đình thờ ơ với bệnh tay-chân-miệng
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 09:10, 26/10/2011
Sự thờ ơ, chủ quan của chủ các nhóm trẻ gia đình, cùng với việc buông lỏng quản lý của ngành chức năng khiến bệnh TCM khó kiểm soát.
Nhóm trẻ ở nhà bà Nguyễn Thị Vót ở Đại Đồng (Tứ Kỳ). Ảnh: Minh Nguyên
Nhóm trẻ của bà Nguyễn Thị Thịnh cùng thôn cũng trong tình cảnh tương tự. Bà Thịnh tuổi đã ngoài 60, trông giữ nhóm trẻ gồm 6 cháu từ 1 - 3 tuổi. Trước đây, bà Thịnh đã từng trông trẻ cho tập thể, sau khi nghỉ mới nhận một vài cháu để trông tại gia đình. Bà Thịnh nói: Chưa từng nghe về bệnh TCM và thực sự không biết cách phòng, chống căn bệnh này cho các cháu như thế nào.
Ở nông thôn đã vậy, ngay tại TP Hải Dương, nơi xuất hiện 62 ca bệnh TCM từ tháng 6 đến nay, nhiều "bảo mẫu" cũng thờ ơ với việc phòng, chống bệnh cho trẻ. Thời gian qua, khu 1, phường Thanh Bình có 6 trường hợp mắc bệnh TCM đã được điều trị. Tại đây, có 5 nhóm trẻ gia đình đang tồn tại. Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đến nhóm trẻ của bà Nguyễn Thị Yến ở ngõ 371 Nguyễn Lương Bằng là điều kiện vệ sinh không bảo đảm. Cả một góc sân nhà được dùng cho trẻ đi vệ sinh, không có nước dội, không có xà phòng rửa tay. Tuy thời tiết đã lạnh nhưng bà Yến vẫn để trẻ ngủ dưới nền nhà không trải chiếu. Nói đến bệnh TCM, bà Yến bình thản: “Địa bàn phường Thanh Bình có trẻ mắc bệnh TCM nhưng đã hết từ lâu rồi nên không đáng lo ngại. Hơn nữa phòng bệnh là việc của cha mẹ các cháu, chứ không phải của những người trông trẻ”. Có lẽ vì thế mà khi phường Thanh Bình tổ chức tập huấn kỹ năng phòng bệnh TCM, bà Yến đã không tham gia. Tất nhiên, bà Yến cũng không rửa tay bằng xà phòng cho trẻ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; đồ chơi cá nhân của trẻ không được rửa hằng ngày... Đương nhiên, với những bảo mẫu như bà Yến thì việc cho trẻ nghỉ ở nhà để cách ly khi mắc bệnh hay thông báo cho trạm y tế phường về việc có trẻ bị bệnh TCM là việc của các gia đình, không phải trách nhiệm của các nhóm trẻ tư nhân.
Đồ chơi của trẻ ở các nhóm trẻ gia đình không được vệ sinh thường xuyên, tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh.
Ảnh chụp tại nhóm trẻ của bà Nguyễn Thị Hiền (Kim Chi, Thanh Bình, TP Hải Dương)
Sự thờ ơ, chủ quan của chủ các nhóm trẻ gia đình, cùng với việc buông lỏng quản lý của ngành chức năng là một trong những nguy cơ khiến bệnh TCM khó kiểm soát nếu bùng phát trở lại. Thực tế, ngoài các nhóm trẻ gia đình được cấp phép, còn tồn tại nhiều nhóm không phép. Trẻ được giữ tại các nhóm trẻ gia đình phần lớn là con công nhân, không có hộ khẩu thường trú tại các địa phương. Các cháu có thể được gửi trong thời gian ngắn rồi chuyển đi chỗ khác. Trong quá trình di chuyển có thể đã mắc bệnh và gieo mầm bệnh cho trẻ cùng nhóm mà gia đình cũng như các cô “bảo mẫu” không hề hay biết... Đây cũng là một khó khăn cho ngành y tế trong xác định mầm bệnh ngoại lai. Hơn nữa, mỗi nhóm trẻ gia đình dù có phép hay không phép thì sĩ số cũng dao động từ 5-20 trẻ. Nếu không chủ động phòng bệnh, không có kỹ năng tối thiểu để xử lý các tình huống khi có trẻ mắc bệnh, rất dễ khiến bệnh lan nhanh thành dịch. Để bệnh TCM không tái phát trên địa bàn tỉnh, các ngành chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông phòng, chống dịch tới cộng đồng, nhất là với các nhóm trẻ gia đình.
THANH MINH